Các nhà lãnh đạo Công giáo cảnh báo việc đình chỉ viện trợ lương thực ở Ethiopia đồng nghĩa với ‘án tử’ 

Một phụ nữ Ethiopia xúc những phần đậu tách đôi màu vàng để phân phát cho các gia đình đang chờ đợi sau khi nó được phân phát bởi Hội Cứu trợ Tigray ở thị trấn Agula, thuộc vùng Tigray phía bắc Ethiopia, vào ngày 8 tháng 5 năm 2021 (Ảnh: AP Photo/Ben Curtis)

Một phụ nữ Ethiopia xúc những phần đậu tách đôi màu vàng để phân phát cho các gia đình đang chờ đợi sau khi nó được phân phát bởi Hội Cứu trợ Tigray ở thị trấn Agula, thuộc vùng Tigray phía bắc Ethiopia, vào ngày 8 tháng 5 năm 2021 (Ảnh: AP Photo/Ben Curtis)

YAOUNDÈ, Cameroon – Khi ngày càng có nhiều người rơi vào cảnh đói kém cùng cực ở Ethiopia sau khi các cơ quan quốc tế đình chỉ viện trợ lương thực, các nhà lãnh đạo Công giáo đang kêu gọi nối lại viện trợ đó, đặc biệt là ở vùng Tigray bị ảnh hưởng nặng nề của đất nước.

Đức Giám mục Tesfaselassie Medhin của Giáo phận Công giáo Adigrat, Ethiopia cho biết bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc nối lại viện trợ lương thực sẽ giống như việc ban hành “bản án tử hình” đối với những người đang vật lộn để duy trì sự sống.

Trong một tuyên bố vào ngày 4 tháng 7, tổ chức Caritas Quốc tế đã than phiền rằng việc đình chỉ viện trợ lương thực cho khu vực đã khiến người dân “chết đói”.

“Trong những tuần lễ gần đây, tình trạng đói kém đã khiến hàng trăm người chết ở khu vực Tigray phía bắc của Ethiopia do thiếu lương thực”, Tổng thư ký Caritas Quốc tế, ông Alistair Dutton, cho biết. “Đây không phải là lòng nhân đạo hay đạo đức”.

Caritas Quốc tế là một liên minh bao gồm hơn 160 thành viên của các tổ chức cứu trợ, phát triển và dịch vụ xã hội Công giáo hoạt động tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Cả Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ lẫn Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc đều đã đình chỉ viện trợ lương thực cho Ethiopia vào ngày 30 tháng 3 sau khi có các báo cáo cáo buộc về hành vi trộm cắp “trên diện rộng và có hệ thống” một lượng lớn lương thực cung cấp cho những người bị đói.

Các cơ quan nhân đạo không đổ lỗi cho các vụ trộm cắp, nhưng một bản ghi nhớ nội bộ từ một nhóm các nhà tài trợ nước ngoài cho rằng các quan chức chính phủ Ethiopia có thể có can dự.

“Việc giám sát rộng rãi cho thấy sự chuyển hướng hỗ trợ lương thực do các nhà tài trợ tài trợ này là một kế hoạch vô đạo đức và có phối hợp, vốn đã ngăn cản việc hỗ trợ lương thực cứu sinh đến được với những người dễ bị tổn thương nhất”, tài liệu viết.

“Kế hoạch này dường như được dàn dựng bởi các tổ chức chính phủ liên bang và khu vực của Ethiopia, với việc các đơn vị quân đội trên khắp đất nước được hưởng lợi từ hỗ trợ nhân đạo”.

Kể từ đó, Ethiopia và USAID đã cam kết tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ để tìm ra những bộ mặt đứng sau kế hoạch này.

“Việc chuyển hướng lương thực là hoàn toàn không thể chấp nhận được, và chúng tôi hoan nghênh cam kết của chính phủ Ethiopia trong việc điều tra và quy trách nhiệm cho những người phải chịu trách nhiệm”, Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới, bà Cindy McCain, cho biết.

Nhưng việc đình chỉ viện trợ lương thực hiện đang gây ra hậu quả đáng lo ngại cho những người cần được trợ giúp.

Trong số 120 triệu cư dân của Ethiopia, khoảng 20 triệu người trong số họ sống nhờ vào sự hào phóng của các tổ chức nhân đạo, vì hạn hán và nhiều năm xung đột đã khiến đất nước này có ít khả năng tự sản xuất lương thực hơn. Con số thống kê thậm chí còn đáng lo ngại hơn ở khu vực Tigray, nơi có 5,4 trong số 6 triệu cư dân phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo.

Theo tổ chức Caritas Quốc tế, nhiều người hiện đang thoi thóp do ngừng viện trợ lương thực.

“Trong ba tháng, hàng triệu người cần sự hỗ trợ thiết yếu đã bị thiếu lương thực, làm giảm đáng kể sức khỏe và an ninh của những người vốn đã bị tổn thương nặng nề và thiếu thốn sau cuộc chiến kéo dài 2 năm và tình trạng hạn hán kéo dài”, ông Dutton nói.

Trong khi kêu gọi “điều tra kỹ lưỡng” về hành vi trộm cắp thực phẩm, Caritas Quốc tế cũng ủng hộ việc áp dụng “các cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng và minh bạch…nhằm ngăn chặn sự chuyển hướng lương thực trong tương lai”.

“Nhưng những người vô tội không thể là những người phải chịu đựng trong lúc này”, ông Dutton cho biết thêm, đồng thời lập luận rằng không được bắt hàng triệu người phụ thuộc vào hỗ trợ nhân đạo phải trả giá cho “những hành vi lạm dụng nghiêm trọng do những người khác gây ra”.

Lời yêu cầu khẩn thiết của tổ chức Caritas đã làm gia tăng làn sóng của những lời kêu gọi đến từ các hệ phái và cơ cấu Giáo hội khác nhau.

Trong một bức thư chung gửi Chính phủ Ethiopia, USAID và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vào ngày 16 tháng 6, Đức Hồng y Berhaneyesus Demerew Souraphiel, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Ethiopia, và Mục sư Kes Yonas, Chủ tịch Giáo hội Tin lành Mekaneyesus của Ethiopia , cảnh báo rằng “bất kỳ sự chậm trễ nào nữa trong việc thực hiện hành động thích hợp để tiếp tục hỗ trợ lương thực sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến người nghèo và những người túng thiếu vốn có thể dẫn đến thảm họa hơn nữa đối với trẻ em và những người dễ bị tổn thương, chẳng hạn như những người phải di tản trong nước”.

Thượng phụ của Giáo hội Chính thống giáo Tewahedo của Ethiopia, Đức Thượng phụ Abba Mathias, đã góp thêm tiếng nói của mình vào lời kêu gọi này, đồng thời lưu ý rằng việc đình chỉ hỗ trợ quan trọng này sẽ dẫn đến hậu quả là người dân phải chịu đựng đói kém nghiêm trọng. Ngài kêu gọi các cơ quan tài trợ tiếp tục “công việc viện trợ cứu sinh cho các công dân của chúng tôi, những người đang rất cần được trợ giúp”.

Đức Giám mục Medhin nhấn mạnh rằng cái chết của hàng trăm người vì đói không thể là cái giá phải trả để sửa chữa hệ thống.

Trong khi các cuộc điều tra kéo dài, bà McCain đã hứa rằng tổ chức của bà sẽ tiếp tục hỗ trợ “trẻ em, phụ nữ mang thai và đang cho con bú, các chương trình bữa ăn học đường và các hoạt động nhằm xây dựng khả năng phục hồi của nông dân và những người chăn nuôi gia súc”.

“Mối quan tâm đầu tiên của chúng tôi là hàng triệu người đói kém đang phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chúng tôi và các nhóm của chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc không mệt mỏi với tất cả các đối tác để tiếp tục hoạt động ngay khi chúng tôi có thể đảm bảo rằng thực phẩm sẽ đến được với những người cần nó nhất”, bà McCain nói.

Nạn đói và xung đột tàn khốc đã ảnh hưởng đến Ethiopia trong nhiều thập kỷ, và rất thường xuyên, lương thực dành cho những người đói khát, dễ bị tổn thương lại rơi vào tay kẻ xấu. Liên Hợp Quốc gần đây đã cáo buộc chính phủ Ethiopia lợi dụng “nạn đói như một phương thức chiến tranh” trong cuộc chiến chống lại Tigray. Chính phủ buộc tội các cơ quan nhân đạo buôn bán vũ khí cho phiến quân Tigray.

“WFP đang hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo cũng như các bên liên quan tại địa phương để cải cách cách thức cung cấp hỗ trợ trên khắp Ethiopia và trong tất cả các bối cảnh hoạt động có rủi ro cao nơi chúng tôi làm việc”, bà McCain nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết