Các nhà hoạt động nhân quyền: Các Kitô hữu Armenia phải đối mặt với 'sự thanh trừng tôn giáo'

Một người biểu tình đeo quốc kỳ Armenia đứng trước lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đang chặn đường bên ngoài Stepanakert, thủ đô của Nagorno-Karabakh, vào ngày 24 tháng 12 năm 2022. (Ảnh: Davit Ghahramanyan / AFP / Getty Images)

Một người biểu tình đeo quốc kỳ Armenia đứng trước lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đang chặn đường bên ngoài Stepanakert, thủ đô của Nagorno-Karabakh, vào ngày 24 tháng 12 năm 2022. (Ảnh: Davit Ghahramanyan / AFP / Getty Images)

Sự tồn tại của các Kitô hữu ở khu vực biên giới tranh chấp đang bị đe dọa do xung đột đang diễn ra giữa Armenia và Azerbaijan, các nhà hoạt động nhân quyền cho biết.

Cuộc xâm lược Armenia của Azerbaijan đa số theo Hồi giáo và việc nước này tiếp tục phong tỏa khu vực Nagorno-Karabakh là nỗ lực mới nhất nhằm “thanh trừng tôn giáo” đối với quốc gia theo Kitô giáo này, Sam Brownback, một chính trị gia Hoa Kỳ và cựu Đại sứ lưu động về Tự do tôn giáo quốc tế, cho biết.

Ông Brownback đã đưa ra những tuyên bố của mình trước những lo ngại về các Kitô hữu Armenia vào ngày 18 tháng 7, CNA đưa tin.

Báo cáo cho biết phản ứng của ông Brownback được đưa ra vài ngày sau khi ông đến thăm Armenia trong chuyến đi tìm hiểu thực tế với nhóm nhân quyền Kitô giáo, Dự án Philos (Philos Project).

Ông Brownback, một người Công giáo, cho biết rằng người Azerbaijan Hồi giáo đang “bóp nghẹt” khu vực bị xung đột tàn phá.

“Azerbaijan, với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, đang thực sự dần bóp nghẹt Nagorno-Karabakh”, ông Brownback nói. “Họ đang nỗ lực khiến nó trở nên không thể ở được để dân số Kitô giáo Armenian trong khu vực buộc phải rời đi, đó là những gì đang xảy ra nơi đây”.

Ông cảnh báo rằng nếu Hoa Kỳ không can thiệp, “chúng ta sẽ lại chứng kiến một cộng đồng Kitô giáo cổ xưa khác bị buộc phải rời bỏ quê hương của mình”.

Ông Brownback kêu gọi Quốc hội thông qua “Đạo luật Nhân quyền Nagorno-Karabakh” nhằm thiết lập các đảm bảo an ninh cơ bản cho người dân Nagorno-Karabakh.

Ông Brownback cũng kêu gọi Hoa Kỳ khôi phục các biện pháp trừng phạt đã áp dụng trước đây đối với Azerbaijan nếu nước này tiếp tục phong tỏa.

Trong khi cuộc đàn áp các Kitô hữu ở vùng Cận Đông là phổ biến, thì cuộc đàn áp mới nhất có một chiều hướng mới.

Lần này, cuộc thanh trừng tôn giáo đang được “tiến hành bằng vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp và được hỗ trợ bởi Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO”, ông Brownback nói.

Giáp với Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan có đa số người theo Hồi giáo, nguồn gốc Kitô giáo của Armenia có từ thời cổ xưa.

Khoảng 90% trong số 2,8 triệu người ước tính của Armenia là Kitô hữu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ báo cáo vào năm 2019.

Xung đột về khu vực Nagorno-Karabakh kể từ những năm 1990 sau khi cả hai quốc gia giành được độc lập sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Cả hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ đều tuyên bố chủ quyền đối với khu vực, dẫn đến Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ nhất vào năm 1994. Armenia đã giành được quyền kiểm soát chính lãnh thổ sau chiến tranh.

Căng thẳng lại tiếp tục bùng phát vào tháng 9 năm 2020 khi hai quốc gia xung đột quân sự sau khi quân đội Azerbaijan tiến vào để giành quyền kiểm soát khu vực tranh chấp.

Cuộc xung đột vũ trang kéo dài khoảng hai tháng, kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian vào tháng 11 năm đó.

Một nghiên cứu được công bố trên Nghiên cứu Dân số và Đánh giá Chính sách ước tính rằng 3.822 người Armenia và ít nhất 2.906 người Azerbaijan đã thiệt mạng trong cuộc xung đột năm 2020.

Sau cuộc xung đột, Azerbaijan đã giành được quyền kiểm soát các khu vực rộng lớn trong khu vực và áp đặt lệnh phong tỏa. Một dải đất mỏng được gọi là “hành lang Lachin” hiện là điểm tiếp cận duy nhất của Armenia tới Nagorno-Karabakh.

Giờ đây, một cuộc phong tỏa của người Azerbaijan đối với hành lang Lachin, diễn ra từ tháng 12, đang làm tê liệt cơ sở hạ tầng của Armenia ở Nagorno-Karabakh, các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, CNA đưa tin.

“Tình hình quả vô cùng khẩn cấp và mang tính sống còn”, Robert Nicholson, Chủ tịch Dự án Philos cho biết. “Đây là quốc gia Kitô giáo lâu đời nhất phải đối mặt với khả năng xảy ra diệt chủng lần thứ hai chỉ sau khoảng một thế kỷ”.

Ông Nicholson đang đề cập đến cái chết của 1,5 triệu người Armenia cách đây hơn một thế kỷ trong những năm suy tàn của Đế chế Ottoman. Hoa Kỳ đã công nhận các vụ giết người là diệt chủng, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần tố cáo sự mô tả này.

Ông Nicholson cho biết rằng có 500 tấn thiết bị nhân đạo “không thể vào Nagorno-Karabakh vì sự phong tỏa mà Azerbaijan đã áp đặt lên khu vực đó”.

“Không có khí đốt tự nhiên nào chảy qua kể từ tháng 3 và các nguồn cung cấp năng lượng khác, chẳng hạn như điện, luôn trong tình trạng chập chờn”, ông Nicholson cho biết thêm. “Các gia đình đã bị chia cắt. Các cuộc phẫu thuật đã bị hủy bỏ. 120.000 người bên trong Nagorno-Karabakh hiện đang thực sự cần được giúp đỡ”.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết