Các nhà hoạt động Công giáo ở Brazil lên án tình trạng bạo lực và việc xâm lược đất đai ở các vùng lãnh thổ của người dân bản địa Amazon

Một người bản địa trẻ tuổi tham gia cuộc biểu tình phản đối các chính sách đất đai của chính phủ Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, được tổ chức bên ngoài Tòa án Tối cao ở Brasilia vào ngày 18 tháng 6 năm 2021 (Ảnh: CNS / Adriano Machado, Reuters)

Một người bản địa trẻ tuổi tham gia cuộc biểu tình phản đối các chính sách đất đai của chính phủ Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, được tổ chức bên ngoài Tòa án Tối cao ở Brasilia vào ngày 18 tháng 6 năm 2021 (Ảnh: CNS / Adriano Machado, Reuters)

Việc các địa chủ lớn và những công nhân khai thác mỏ bất hợp pháp xâm chiếm đất công gây thiệt hại cho các nhóm bản địa và những người nông dân trồng trọt nhỏ lẻ đã dẫn đến số lượng kỷ lục các cuộc xung đột bạo lực ở các vùng nông thôn và các khu rừng của Brazil, đặc biệt là ở Amazon.

Các nhà hoạt động Công giáo đã lên án tình trạng bạo lực nhắm đến những người dân bản địa đang nỗ lực bảo vệ lãnh thổ của họ, và đồng thời phản đối các dự luật do các đồng minh của Tổng thống Jair Bolsonaro thúc giục trong Quốc hội vốn có thể làm vấn đề thêm trầm trọng.

Ủy ban Mục vụ Đất đai (được biết đến với tên viết tắt tiếng Bồ Đào Nha, CPT), một ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Quốc gia Brazil, báo cáo rằng năm 2020 là năm bạo lực nhất ở vùng nông thôn Brazil kể từ năm 1985, năm đầu tiên ủy ban này bắt đầu theo dõi các cuộc xung đột liên quan đến vấn đề đất đai ở quốc gia Nam Mỹ.

Bản đồ các cuộc Xung đột tại Nông thôn hàng năm của C.P.T cho thấy năm ngoái có đến 1.576 vụ tranh chấp đất đai, nhiều hơn 315 vụ so với năm 2019, năm kỷ lục trước đó. Hơn 40% tổng số trường hợp liên quan đến người dân bản địa. (Nhiều cuộc xung đột khác liên quan đến những người nông dân trồng trọt nhỏ lẻ sử dụng đất công hoặc những người ‘quilombola’, hậu duệ của những dân tộc bị nô lệ định cư ở những vùng hẻo lánh, phần lớn không có người ở). Nhưng trong số 81.225 gia đình bị xâm chiếm đất đai vào năm ngoái, 72% trong số họ là người bản địa.

“Chính quyền hiện tại đã đưa ra dấu hiệu kể từ cuộc bầu cử năm 2018 rằng họ sẽ ủng hộ các cuộc xâm lấn như hiện nay”, Chủ tịch C.P.T, Đức Giám mục José Ionilton de Oliveira Địa phận Itacoatiara, bang Amazonas, phát biểu với America, đề cập đến việc các chủ trang trại và những công nhân khai thác mỏ xâm chiếm đất công vốn đã được dành cho người dân bản địa và các cộng đồng truyền thống khác. Tổng thống Bolsonaro luôn nói rằng ông sẽ ủng hộ những thay đổi trong luật pháp Brazil nhằm hợp pháp hóa loại hình nghề nghiệp này, Đức Cha Oliveira cho biết thêm.

Xung đột đất đai ở Brazil là một vấn đề mang tính lịch sử. Vào thời thuộc địa, nhiều khu vực được phân bổ cho các quý tộc Bồ Đào Nha, nhưng những vùng rộng lớn bên trong không thuộc sở hữu của bất kỳ ai. Với việc giành được độc lập vào năm 1822, những khu vực như vậy trở thành tài sản của chính phủ Brazil, nhưng hầu hết đất đai này không được đưa vào sử dụng.

Một số vùng đất bị chiếm đóng không chính thức bởi những người nông dân trồng trọt nhỏ lẻ và những người dân truyền thống, như các cộng đồng bản địa và những ‘quilombolas’. Nhưng trong suốt lịch sử của Brazil, các nhóm quyền lực chính trị đã chiếm đoạt những vùng đất như vậy — thường di dời dân cư của họ một cách thô bạo và sử dụng các hành vi gian dối. Quá trình này vẫn tiếp diễn, đặc biệt là ở Amazon.

“Amazon là nơi có hầu hết các khu đất công còn lại. Đó là lý do tại sao 62% các cuộc xung đột đất đai vào năm 2020 đã xảy ra ở đó”, theo Nữ tu Jean Ann Bellini, một thành viên thuộc C.P.T và Dòng các Nữ tu Thánh Giuse Rochester, N.Y.

Ở Amazon, những kẻ chiếm đất thường quan tâm đến việc khai thác gỗ và tài nguyên khoáng sản hoặc chạt hạ cây cối và biến nó thành đồng cỏ gia súc.

Tổng thống Bolsonaro đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực như vậy. Ông cũng hứa rằng ông sẽ không cấp bất kỳ lãnh thổ mới nào cho các cộng đồng bản địa và người quilombola, mặc dù những nhóm này đang bị chiếm đoạt đất đai của họ. Ngay cả những vùng lãnh thổ được phân định biên giới chính thức và dành riêng cho các cộng đồng bản địa cũng liên tục bị xâm lấn và bị tàn phá.

Theo báo cáo của C.P.T, tất cả những vấn đề đó đã trở nên trầm trọng hơn kể từ khi ông Bolsonaro nhậm chức. C.P.T cáo buộc rằng nhiều cộng đồng truyền thống và những người nông dân trồng trọt nhỏ lẻ đã phải chịu đựng bạo lực, nhiều vụ xung đột hơn đã xảy ra và nhiều người đã bị giết hại dưới thời Tổng thống Bolsonaro.

“Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên đối với chúng tôi”, Đức Giám mục Oliveira nói. “Đó là một phần trong chương trình làm việc của họ. Việc cải cách ruộng đất hoàn toàn bị tê liệt”.

Theo Ayala Ferreira, lãnh đạo của Phong trào Công nhân không có ruộng đất ở bang Pará, chính quyền hiện tại không có bất kỳ ý định nào trong việc tiến hành các chương trình cải cách ruộng đất và với việc phân định biên giới chính thức các vùng lãnh thổ bản địa và quilombola vốn sẽ ngăn chặn các cuộc xâm lấn.

“Kể từ năm 2019, chúng tôi đã chứng kiến việc tăng cường khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Amazon”, chị Ferreira phát biểu với America, đồng thời cũng cho biết thêm rằng các nhà hoạt động nhân quyền cũng đã bị bắt giữ và bị kiện vì biểu tình công khai chống lại những hoạt động này.

Theo chị Ferreira, cuộc khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy tham vọng của những kẻ xâm chiếm đất đai liên quan đến rừng nhiệt đới. “Khi đối diện với tình hình chung liên quan đến khó khăn về tài chính, Amazon thường được coi như một kho chứa của cải”, chị Ferreira nói.

Đối với các nhóm bản địa trên khắp Amazon, những người có sinh kế phụ thuộc vào các vùng lãnh thổ dành riêng của họ, tình hình đặc biệt đáng báo động.

“Chúng tôi đã đi qua tất cả vùng lãnh thổ của Karipuna, và chúng tôi đã phát hiện ra một số điểm bị xâm lấn. Các cơ quan giám sát của chính phủ đôi khi thanh tra khu vực này, nhưng những kẻ xâm lược vẫn tiếp tục đến”, Sơ Laura Vicuña Manso, một nhà truyền giáo của Hội đồng Truyền giáo Bản địa của Hội đồng Giám mục (được gọi là C.I.M.I.), phát biểu với America.

Theo một già làng địa phương, André Karipuna, lãnh thổ của cộng đồng bản địa của ông, nằm ở Bang Rondônia, đã chứng kiến số lượng những người khai thác mỏ và khai thác gỗ bất hợp pháp ngày càng gia tăng kể từ năm 2020.

“Chúng tôi rất lo lắng về tương lai của mình. Chưa kể đến tác động môi trường của tất cả những điều này”, ông Karipuna nói.

Yanomami, một nhóm bản địa gồm 27.000 thành viên, cảm thấy bất tiện và lo lắng khi chia sẻ lãnh thổ của mình với 20.000 thợ mỏ bất hợp pháp. Cộng đồng đã phải đối mặt với một tình huống hết sức gay cấn, nhân viên chăm sóc sức khỏe và lãnh đạo cộng đồng Junior Hekurari giải thích.

“Vào năm 2020, số lượng thợ mỏ bất hợp pháp ở vùng đất của chúng tôi đã tăng lên rất nhiều. Họ đến bằng những chiếc trực thăng, máy bay và thuyền. Họ có súng và luôn đe dọa chúng tôi”, anh Hekurari nói.

Kể từ ngày 10 tháng 5, cộng đồng Yanomami Palimiú đã trải qua nhiều vụ tấn công, anh Hekurari nói. Những người thợ mỏ trên những chiếc thuyền đi qua trước ngôi làng ven sông và nã đạn vào đó một cách bừa bãi. Đã có những trường hợp tương tự xảy ra ở các ngôi làng khác.

“Nếu một cơ quan chính phủ đến và phá hủy thiết bị của họ, họ sẽ xuất hiện trở lại với những thiết bị mới. Họ có nhiều tiền của để duy trì hoạt động của mình. Họ đang trục xuất chúng tôi khỏi vùng đất của chính chúng tôi”, anh Hekurari cho biết thêm.

Các địa chủ giàu có và các bộ phận khác muốn chiếm dụng đất công là một phần rất lớn trong nề tảng chính trị của ông Bolsonaro. Họ cũng liên minh với một nhóm lớn trong Quốc hội, những người đã đưa ra một số dự luật ủng hộ các cuộc xâm lược đất đai.

C.P.T và các ủy ban khác của các Giám mục Brazil đã phối hợp làm việc với người dân tại nông thôn và các khu rừng đã vận động phản đối những đề xuất này.

Theo C.P.T, hai dự luật sẽ giúp cho những quyền lợi tư nhân dễ dàng chiếm quyền sở hữu các khu vực công cộng hơn. Một dự luật khác quy định rằng chỉ những lãnh thổ truyền thống do các nhóm Bản địa chiếm đóng một cách hiệu quả khi Hiến pháp Brazil được thông qua vào năm 1988 mới có thể duy trì quyền kiểm soát các lãnh thổ đó hiện tại. Nó cũng giúp các doanh nhân dễ dàng đưa ra các hoạt động khai thác và nông nghiệp trên vùng đất bản địa.

Các nhà hoạt động C.I.M.I cáo buộc rằng đề xuất này bỏ qua thực tế rằng hầu hết các dân tộc bản địa đã bị di dời khỏi các vùng lãnh thổ truyền thống của họ một cách thô bạo.

“Các Giám mục Amazon đã đưa ra hai tuyên bố phản đối những dự luật đó”, Đức Giám mục Oliveira nói. Vị Giám chức lo ngại việc thông qua các dự luật đó sẽ chỉ đồng nghĩa với sự đối đầu và bạo lực nhiều hơn khi các tuyên bố mới được đưa ra chống lại các vùng lãnh thổ của người dân bản địa.

Vào tháng 6, 850 nhà hoạt động bản địa đã đóng trại ở Brasília, thủ đô của quốc gia, để phản đối luật được đề xuất. Tổng thư ký của Hội đồng Giám mục, Đức Giám mục Phụ tá Joel Portella Amado Địa phận Rio de Janeiro, đã đến thăm đồn điền và đưa ra những lời động viên đối với những người biểu tình bản địa.

Đề xuất vẫn phải được biểu quyết bởi các đại biểu và thượng nghị sĩ. Cho rằng ông Bolsonaro chiếm đa số phiếu ở cả hai viện, các nhà phân tích chính trị ở Brazil cho rằng rất có thể đề xuất sẽ được thông qua.

Nữ tu Bellini thuộc C.P.T. nhấn mạnh rằng việc xâm chiếm đất đai và di dời các cộng đồng truyền thống khỏi các vùng lãnh thổ của họ có thể được ví như bản án tử hình đối với những cộng đồng này, ngay cả khi những cái chết không phải do các cuộc đối đầu.

“Nếu ai đó phá hủy môi trường nơi một cộng đồng sinh sống, điều đó đồng nghĩa với việc cộng đồng đó đang bị tiêu diệt”, Nữ tu Bellini nói.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết