Các nhà báo Công giáo Châu Phi nghiên cứu về hệ sinh thái toàn diện

Liên đoàn Báo chí Công giáo Châu Phi đã tổ chức một cuộc hội thảo giúp các nhà báo hiểu rõ hơn về Thông điệp “Laudato Si'”, thúc đẩy sự phát triển tinh thần, báo chí có trách nhiệm.

Các tham dự viên tại Liên đoàn Báo chí Công giáo Châu Phi, ở Kampala  (Ảnh: Charles Ayetan)

Các tham dự viên tại Liên đoàn Báo chí Công giáo Châu Phi, ở Kampala  (Ảnh: Charles Ayetan)

Vào tuần trước, các nhà báo Công giáo ở Châu Phi đã cùng nhau tham gia một hội thảo quốc tế tại thủ đô Kampala của Uganda để thúc đẩy một hệ sinh thái toàn diện dựa trên Thông điệp Laudato Si’ năm 2015 của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc Chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta.

Liên đoàn Báo chí Công giáo Châu Phi đã bắt đầu cuộc hội thảo toàn Châu Phi vào ngày 6 tháng 11, trong đó các tham dự viên đến từ Ghana, Nigeria, Oman, Brazil, Đức, Togo và Uganda đã thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm, lũ lụt, nạn phá rừng và các cuộc khủng hoảng sinh thái khác ở quốc gia và khu vực của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Thông điệp Laudato Si’, đã giới thiệu thuật ngữ “Sinh thái toàn diện” để nhấn mạnh sự cần thiết cần phải có một cách tiếp cận toàn diện trước những thách thức về môi trường và xã hội. Khái niệm này khuyến khích sự hiểu biết về môi trường có tính đến sự thịnh vượng của cả hành tinh lẫn các cư dân của nó. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tình trạng suy thoái môi trường, bất công xã hội và bất bình đẳng kinh tế như những vấn đề liên quan đến nhau đòi hỏi các giải pháp toàn diện và tổng hợp.

Sinh thái toàn diện kêu gọi một mối quan hệ cân bằng và bền vững giữa con người và thế giới tự nhiên, thừa nhận tác động của các hoạt động của con người đối với môi trường và ảnh hưởng hỗ tương của môi trường đối với xã hội loài người. Cách tiếp cận này khuyến khích việc quản lý Trái đất có trách nhiệm, thúc đẩy các hoạt động tôn trọng tính toàn vẹn của hệ sinh thái và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của hành tinh và các cư dân trên đó.

Tăng cường năng lực của các chuyên gia truyền thông

Mục tiêu chính là “tăng cường năng lực của các chuyên gia truyền thông và đề xuất các phương pháp tiếp cận hiệu quả để giải quyết các vấn đề môi trường vốn là một phần không thể thiếu trong sự phát triển bền vững của lục địa châu Phi”.

Trong một thông điệp gửi tới các tham dự viên tham gia hội thảo, ông Paolo Ruffini, Tổng Trưởng Thánh  Bộ Truyền thông, đã chúc mừng ban tổ chức vì chủ đề “nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò truyền thông trong việc nâng cao nhận thức về những thách thức của thời đại này và vai trò của mỗi chúng ta phải góp phần của minhf để cùng nhau vượt qua chúng”.

“Chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể tìm ra những phản ứng thích hợp cho cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt khi thế giới chúng ta đang sống sụp đổ, và có thể, gần đến điểm tới hạn”, ông Ruffini nói, trích từ “Laudate Deum,” Tông Huấn gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô về cuộc khủng hoảng khí hậu. Ông Ruffini, trong thông điệp của mình, đã nhấn mạnh cách Đức Thánh Cha kêu gọi cùng nhau đối mặt với tác động của vấn đề biến đổi khí hậu, vốn ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người, cũng như đấu tranh chống lại những tin tức giả mạo gây ô nhiễm truyền thông trên toàn thế giới.

Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, thông qua một thông điệp bằng văn bản và video cũng đã nhấn mạnh lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về một hệ sinh thái thực sự toàn diện vốn phải trở thành một cách tiếp cận xã hội, phải tích hợp các vấn đề về công lý vào các cuộc tranh luận về môi trường, “để lắng nghe cả tiếng kêu của trái đất lẫn tiếng kêu của người nghèo”. Nói về “giáo dục sinh thái”, Đức Hồng Y Michael Czerny cho biết “các nhà truyền thông có thể hỗ trợ những người làm công tác giáo dục và cung cấp thông tin” và đồng thời kêu gọi các nhà báo “cộng tác với các gia đình và các Giáo xứ, các tổ chức và dự án”.

Giáo dục sinh thái

“Giáo dục sinh thái có thể diễn ra trong nhiều bối cảnh khác nhau: ở trường học, trong gia đình, trên các phương tiện truyền thông, trong các lớp Giáo lý và những nơi khác”, Đức Hồng Y Czerny nói, đồng thời kêu gọi các nhà truyền thông Công giáo chấp nhận thách thức góp phần giải quyết các vấn đề mới và ứng phó bằng các cơ chế toàn cầu trước các thách thức về môi trường, y tế công cộng, văn hóa và xã hội, đặc biệt là củng cố sự tôn trọng các quyền cơ bản nhất – nhân quyền, quyền xã hội và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.

Ủy ban điều hành của Liên minh Báo chí Công giáo Châu Phi đã mời gọi các chuyên gia truyền thông “thúc đẩy đối thoại sinh thái và hành động để góp phần củng cố các điều kiện vì một nền sinh thái toàn diện nhằm đạt được sự phát triển bền vững”. Một số hội nghị và hội thảo dự kiến sẽ đưa đến những giải pháp và cam kết đối với hệ sinh thái toàn diện có lợi cho sự phát triển.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết