Các nhóm tôn giáo thiểu số ở Syria và Iraq xứng đáng có được một tương lai tốt đẹp hơn sau khi phải chịu đựng đau khổ dưới bàn tay của nhóm nhà nước Hồi giáo.
Đó là thông điệp của Đức Tổng Giám mục Bernadito Auza, Sứ Thần Tòa Thánh dẫn đầu phái đoàn quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại LHQ. Đức TGM Auza cho biết rằng công lý cho những người sống sót “đòi hỏi chúng ta phải trả lại cho họ, càng nhiều càng tốt, những gì mà Daesh đã cướp mất từ họ”.
“Điều này đồng nghĩa với việc đảm bảo các điều kiện cho các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số quay trở lại nơi xuất xứ và sống trong phẩm giá và sự an toàn, với những khuôn khổ cơ bản về xã hội, kinh tế và chính trị cần thiết nhằm đảm bảo sự gắn kết cộng đồng”.
Tòa Thánh và Ủy ban phi chính phủ về Tự do Tôn giáo Tín ngưỡng của LHQ đồng tổ chức sự kiện ngày 2 tháng 11, được tổ chức tại tòa nhà LHQ tại thành phố New York. Sự kiện này được xem như là một diễn đàn dành cho các nạn nhân của Nhà nước Hồi giáo và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, những người muốn nhóm này phải có trách nhiệm giải trình. Danh sách các diễn giả bao gồm: Đức Tổng Giám mục Auza; ông Michael Farris, chủ tịch của ADF International; và các đại sứ đến từ Iraq, Hungary, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
Theo Đức Tổng Giám mục Auza, việc xây dựng lại nhà ở, trường học và những nơi thờ tự là một “bước quan trọng”. Đức TGM Auza đã ca ngợi sự trợ giúp của Tổ chức viện trợ các Giáo hội Đau khổ, Tổ chức Hiệp sĩ Columbus, và nhiều nhóm khác.
Tuy nhiên, các công việc tái thiết này là không đủ. Phải có “những nền tảng cơ sở cho việc cùng tồn tại hòa bình”. Tất cả những nỗ lực này hiện đang “khôi phục hy vọng không chỉ đối với khu vực mà còn cho toàn thể thế giới”, Đức TGM Auza tiếp tục.
“Chúng ta cần phải, thông qua giáo dục, đối thoại liên tôn, và sự lãnh đạo quốc tế, đảm bảo rằng chúng ta giải quyết các môi trường bị ô nhiễm mà trong đó sự hận thù đối với người khác được nẩy nở, và đồng thời kiên trì làm việc để thay đổi những nền văn hoá như vậy trở thành những hệ sinh thái học nơi mà phẩm giá con người và các quyền, việc tôn trọng lẫn nhau, tinh thần liên đới, tình huynh đệ và hòa bình ngự trị”, Đức TGM Auza nói.
Một diễn giả khác bao gồm chị Ekhlas Khudhur Bajoo, một thiếu nữ Iraq 17 tuổi thuộc nhóm tôn giáo dân tộc Yazidi. Nhà nước Hồi giáo đã tàn sát gia đình chị và bắt chị làm nô lệ trong khoảng thời gian sáu tháng trước khi chị trốn thoát.
Một diễn giả khác cũng phát biểu tại diễn đàn là một người đàn ông Syria bị giam giữ bởi Nhà nước Hồi giáo và đã bị tra tấn về mặt tâm lý và thể chất.
Đức Tổng Giám Mục Auza nhận xét: “Tất cả chúng ta đều bị đẩy lùi bởi những câu chuyện khủng khiếp mà chúng ta đã nghe về những hành động tàn bạo của Daesh chống lại các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số … Các câu chuyện của họ thôi thúc chúng ta hành động. Chúng ta mong muốn những điều mà họ đã phải chịu đựng có thể được ngăn chặn hoàn toàn, nhưng khi chúng ta đã không thể chấm dứt những đau khổ của họ một cách bi thảm, chúng ta có thể hành động để đem lại công lý cho họ cũng như các nạn nhân khác, giúp họ phục hồi và xây dựng lại tất cả, và đồng thời làm mọi thứ có thể để ngăn chặn sự tàn bạo vô nhân đạo tương tự từ xảy ra cho những người khác”.
Đức Tổng Giám mục Auza đã trích dẫn Nghị quyết 2379 của Hội đồng Bảo an LHQ, được thông qua vào ngày 21 tháng 9, vốn lên án các cuộc tấn công thô bạo, có hệ thống và lan rộng của nhà nước Hồi giáo chống lại thường dân cũng như vi phạm luật nhân đạo quốc tế và lạm dụng nhân quyền. Các hành động như vậy phải được xem như các tội ác chiến tranh, các tội ác chống lại nhân loại, hay diệt chủng.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thành lập một nhóm để điều tra những tội ác của nhóm Hồi giáo tại Iraq.
Đối với Đức Tổng Giám Mục Auza, phản ứng đối với Nhà nước Hồi giáo phải bao gồm một “quyết tâm vững vàng” để ngăn chặn các hành động tàn bạo trong tương lai.
“Những người được ủy thác việc bảo vệ sự vô tội và bảo vệ việc tôn trọng đối với các quyền cơ bản của con người phải đáp ứng được những trách nhiệm không thể thiếu và không thể tránh được của họ để bảo vệ những người có nguy cơ phải chịu đựng các tội ác khủng khiếp”, Đức TGM Auza nói.
“Tương tự, các nhà lãnh đạo tôn giáo có một nghĩa vụ quan trọng và cụ thể để đối đầu và lên án việc lạm dụng niềm tin và quan điểm tôn giáo để biện minh cho bạo lực và khủng bố chống lại tín đồ của các tôn giáo khác”, Đức TGM Auza cho biết. “Họ phải không ngừng và dứt khoát khẳng định rằng không ai có quyền sát hại những người vô tội nhân danh Thiên Chúa và đồng thời nói “không” một cách rõ ràng và kiên quyết đối với mọi hình thức bạo lực, sự trả thù và hận thù được thực hiện nhân danh Thiên Chúa hay nhân danh tôn giáo”.
“Việc đánh bại, trừng phạt, và giải tán Daesh là chưa đủ. Chúng ta cũng phải tận diệt việc mạo danh tôn giáo (pseudo-religious), những hành động mất hết tính người, sự hận thù và ý thức hệ man rợ vốn thúc đẩy tổ chức này và các nhóm cực đoan tương tự khác”, Đức TGM Auza nói.
Một phần của nỗ lực này đồng nghĩa với việc giải quyết các vấn đề về xã hội, chính trị và kinh tế được khai thác để tuyển dụng và biến nhiều người trở thành những kẻ quá khích. Hơn nữa, phản ứng cần phải tạo ra các điều kiện văn hoá mà trong đó các quyền của các nhóm tôn giáo và các dân tộc thiểu số được tôn trọng. Đức TGM Auza cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ một thái độ công bằng về quyền công dân trước pháp luật, bất kể tôn giáo, chủng tộc, hay sắc tộc.
Cũng cần phải có quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm vốn có thể nhờ đến pháp lý khi những quyền đó bị vi phạm.
Các tham dự viên tham dự diễn đàn khác bao gồm các nhà lãnh đạo đến từ tổ chức ADF International và Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ.
“Tốt hơn hết là phải ngăn ngừa các tội ác”, Paul Coleman, giám đốc điều hành của tổ chức ADF International, cho biết. “Nhưng khi những tội ác không thể được ngăn chặn, chúng phải bị truy tố. Nếu không, luật pháp có thể được hiểu là vô nghĩa. Các đạo luật bảo vệ tự do tôn giáo không phải là vô nghĩa, và bây giờ chính là lúc để chứng minh điều đó”.
“Không một cá nhân hay một nhóm nào phải sống trong sự sợ hãi vì bị sát hại, bị tra tấn, hoặc bị áp bức vì đức tin tôn giáo của mình”, ông Coleman cho biết. Trong khi Nhà nước Hồi giáo dường như đang tan rã, bằng chứng về những hành động tàn ác của họ phải được thu thập và gìn giữ và các thủ phạm phải chịu trách nhiệm vì những hành động này.
Minh Tuệ chuyển ngữ