Các Linh mục Indonesia hy vọng Đức Thánh Cha hiện diện tại nước này sẽ bước đi trong ‘đường hầm của tình huynh đệ’

Đức Thánh Cha Phanxicô trước khi ban phép lành 'Urbi et Orbi' tại Vatican vào ngày 31 tháng 3 năm 2024 (Ảnh: AP)

Đức Thánh Cha Phanxicô trước khi ban phép lành ‘Urbi et Orbi’ tại Vatican vào ngày 31 tháng 3 năm 2024 (Ảnh: AP)

Khi Indonesia chuẩn bị chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 9, hai giáo sĩ của nước này đã bày tỏ hy vọng rằng khi đến thăm một đền thờ Hồi giáo nổi tiếng, Đức Thánh Cha sẽ đi bộ qua một đường hầm ngầm nối đền thờ này với Nhà thờ Chính Tòa Công giáo bên kia đường.

Mặc dù chương trình chính thức cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Indonesia vẫn chưa được công bố, Cha Markus Solo người Indonesia, một quan chức của Bộ Đối thoại Liên tôn Vatican, cho biết rằng hiện tại, ngày thứ hai của chuyến Tông du của Đức Thánh Cha từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 9 “được dành riêng cho vấn đề đối thoại liên tôn”.

Theo tinh thần này, một sự kiện liên tôn lớn đang được lên kế hoạch tại Đền thờ Hồi giáo Istiqlal ở Jakarta, nằm ngay đối diện với Nhà thờ Chính Tòa Công giáo Đức Mẹ Lên Trời, với sự tham dự của đại diện các cộng đồng tôn giáo khác nhau trong nước.

Nasaruddin Umar, đại giáo sĩ của đền thờ Hồi giáo ở Trung tâm Jakarta, nói với truyền thông địa phương hôm thứ Hai rằng Đức Thánh Cha sẽ đến thăm đền thờ Hồi giáo vào ngày 5 tháng 9.

Là đền thờ Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á và là đền thờ Hồi giáo lớn thứ 9 trên thế giới xét về số lượng tín đồ, Đền thờ Hồi giáo Istiqlal được xây dựng để kỷ niệm nền độc lập của Indonesia vào năm 1945. Từ tiếng Ả Rập ‘Istiqlal’ có nghĩa là ‘độc lập’.

Cha Solo, quan chức Giáo triều đầu tiên và duy nhất của Indonesia, cho biết lựa chọn tổ chức sự kiện liên tôn tại Đền thờ Hồi giáo Istiqlal “rất thú vị” vì nó nằm gần Nhà thờ Chính Tòa Công giáo.

Hai công trình này, Cha Solo cho biết, có chung một bãi đậu xe và khi một cộng đồng tổ chức một sự kiện lớn hoặc trong các cuộc tụ họp tâm linh đặc biệt có đông người tham dự, cộng đồng kia sẽ cho phép sử dụng khu vực đậu xe của họ.

Cha Solo cho biết rằng một đường hầm cũng đã được xây dựng nối liền hai công trình như “dấu chỉ của tình huynh đệ, tình bạn, hòa bình và sự hòa hợp” giữa các tín hữu Công giáo, các Kitô hữu nói chung và các tín đồ Hồi giáo.

Việc xây dựng nhà thờ bắt đầu vào năm 1890 và hoàn thành vào năm 1901, trong khi đền thờ Hồi giáo được xây dựng vào năm 1954. Công việc xây dựng đường hầm – được gọi là “Đường hầm tình bạn” hay “Đường hầm của tình huynh đệ”, bắt đầu vào tháng 12 năm 2020 và hoàn thành gần một năm sau đó, vào tháng 9 năm 2021.

“Chúng tôi rất tự hào rằng đây là đường hầm đầu tiên giữa một Nhà thờ Công giáo và một Đền thờ Hồi giáo trên thế giới”, Cha Solo nói, đồng thời cho biết ban tổ chức chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô “hết sức hy vọng rằng Đức Thánh Cha có thể đi qua”.

Hiện tại, điều đó đã theo lịch trình, tuy nhiên, việc điều đó có xảy ra hay không “tùy thuộc vào sức khỏe của ngài”, Cha Solo nói, và đồng thời lưu ý rằng Đức Thánh Cha sẽ phải đi xuống đường hầm và băng qua phía bên kia.

Jakarta sẽ là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến viếng thăm gần hai tuần của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Châu Á và Châu Đại Dương vào mùa thu này, thực hiện chuyến hành trình từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9 sẽ đưa ngài đến Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore.

Indonesia là quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, với các tín đồ Hồi giáo chiếm khoảng 87% trong tổng dân số 275,5 triệu người. Khoảng 10% dân số là các Kitô hữu, trong đó các tín hữu Tin Lành chiếm khoảng 7%, và các tín hữu Công giáo chiếm khoảng 3,1%. Ngoài ra còn có một tỷ lệ nhỏ các tín đồ Ấn giáo, Phật giáo và Nho giáo.

Theo Cha Solo, người đã phát biểu với các nhà báo trong cuộc hội nghị bàn tròn truyền thông vào ngày 24 tháng 6 về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tới Indonesia, đối thoại liên tôn là “một thách thức” ở Indonesia và không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng là điều “thiết yếu” đối với cuộc sống hàng ngày.

“Người Indonesia thực hiện rất nhiều sáng kiến để thực hiện đối thoại”, Cha Solo nói, đồng thời lưu ý rằng những nỗ lực này được thực hiện bởi cả người Hồi giáo lẫn những người thuộc các tôn giáo khác, và “Đối thoại như thức ăn hàng ngày ở Indonesia đã là một điều gì đó tốt đẹp”.

Cha Solo cho biết nhiều người thuộc các tôn giáo khác nhau muốn tham gia chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, và trong Thánh Bộ của mình, ngài đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ những người Hồi giáo muốn gặp gỡ Đức Thánh Cha để mời ngài đến thăm trực tiếp.

“Điều này đã rất tích cực, một sự khích lệ để tiếp tục đối thoại”, Cha Solo nói, đồng thời bày tỏ sự xác quyết rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ làm cho Giáo hội Công giáo hiện diện mạnh mẽ hơn ở Indonesia.

Cha Kenny Ang, trợ giảng tại Khoa Thần học Tín lý tại Đại học Giáo hoàng Thánh Giá ở Rôma, đã trình bày sự khác biệt giữa Hồi giáo ở Indonesia và Hồi giáo ở những nơi khác, chẳng hạn như ở Trung Đông.

Thường có quan niệm rằng người Hồi giáo Indonesia “là những người đến từ Trung Đông”, Cha Ang nói, với ngôn ngữ chung và ý thức hệ “chính thống”.

“Điều này không đúng. Không phải tất cả mọi tín đồ Hồi giáo đều là những người cực đoan hoặc theo trào lưu chính thống”, Cha Ang nói, “đây không phải là một quốc gia Hồi giáo, đó là một quốc gia có đa số là người Hồi giáo”.

Đôi khi người phương Tây có ấn tượng rằng các tín hữu Công giáo ở Indonesia đang bị đàn áp, Cha Ang nói, nhưng đồng thời nhấn mạnh rằng không phải vậy, và hiến pháp Indonesia đảm bảo quyền tự do tôn giáo.

“Có những vụ việc nhắm vào các tín hữu Công giáo, vâng… nhưng không phải những vụ việc này xảy ra hàng ngày. Thỉnh thoảng thôi”, Cha Ang nói, đồng thời cho biết rằng Indonesia “không đồng nhất. Nó quá rộng lớn, không thể thống trị được”.

Cha Ang cho biết chính phủ đã nỗ lực trong những năm gần đây để tiêu diệt các nhóm theo trào lưu chính thống khỏi đất nước, “bởi vì họ thấy rằng sự phát triển diễn ra khi ý tưởng theo trào lưu chính thống này không hiện diện”.

Về mặt bản thân các tín hữu Công giáo, cả Cha Solo lẫn Cha Ang đều cho biết họ hoan nghênh tin tức về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô “với niềm vui lớn lao” và ngay cả những người không theo Công giáo cũng rất vui mừng về điều đó.

Đời sống Công giáo ở Indonesia rất sôi động, họ cho biết, với việc các Giáo xứ thường xuyên đông đúc và có sự tham gia mạnh mẽ của giáo dân và giới trẻ.

Cha Ang, người đã phục vụ tại một Giáo xứ trước khi đến Rôma cách đây 4 năm trước, cho biết có nhiều Thánh lễ vào cuối tuần và các ngày trong tuần, và các tín hữu thường “đưa ra những sáng kiến” tổ chức vô số hoạt động ngoài phụng vụ.

Ở Indonesia, “có một tổ chức cơ cấu gồm anh chị em giáo dân làm tất cả mọi việc. Giáo dân có quan niệm này để trở thành người Công giáo đích thực, bạn phải tham gia vào cơ cấu Giáo xứ”, Cha Ang nói, đồng thời cho biết rằng “có sự tham gia với Giáo xứ, nếu không thì sẽ thiếu sót một cái gì đó”.

Các Thánh lễ thường được cử hành sớm nhất vào lúc 5 hoặc 6 giờ sáng, với đông đảo các em thiếu nhi tham dự trước giờ học và phụ huynh trước giờ đi làm.

Theo Cha Solo, Cha sở của một Giáo xứ “không bao giờ lẻ loi, không bao giờ cô độc,” bởi vì các Giáo xứ “luôn đông đúc anh chị em giáo dân” và “giữa họ có một tình huynh đệ bền chặt”.

“Chắc chắn có những cám dỗ về tính nội bộ, là thiểu số, khép mình trong nhóm và không ra ngoài gặp gỡ người khác. Chúng ta phải nhận thức được cám dỗ tiếp tục ở mãi trong môi trường khép kín của chúng ta”, Cha Solo nói, đồng thời lưu ý rằng các Kitô hữu cũng có được danh thơm tiếng tốt trong đời sống công cộng.

Mặc dù chỉ là một nhóm thiểu số nhỏ bé, nhưng Giáo hội Công giáo ở Indonesia “có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ”, một thực tế mà Cha Solo cho rằng đó là “sự cam kết xã hội mạnh mẽ” của Giáo hội thông qua mạng lưới bệnh viện, trường học và các dịch vụ công cộng khác.

 “Chúng tôi không thể trở thành Tổng thống, phó Tổng thống, Thống đốc Jakarta hay các thành phố khác. Điều đó không được viết ra, nhưng chúng tôi không thể”, Cha Solo nói, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh rằng có nhiều bộ trưởng và diễn viên Công giáo trong đời sống công cộng.

Giáo hội Công giáo ở Indonesia “đã lâu đời nhưng đồng thời cũng non trẻ”, Cha Solo nói, đồng thời lưu ý rằng Giáo hội Công giáo có từ thế kỷ 16, khi các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đặt chân đến đất nước này.

Cha Solo cho biết ngài ước mình có thể mang những nhà thờ trống rỗng ở Rôma và Châu Âu đến Indonesia, vì nhà thờ của họ quá đông đúc, “nhưng lại không thể”.

“Tôi luôn nói rằng Công giáo ở Indonesia là một thực tại lâu đời nhưng trẻ trung, rất sống động… đó là một Giáo hội đã tồn tại từ thời xa xưa, nhưng tinh thần của Giáo hội vẫn trẻ trung, rất sống động, rất năng động”, Cha Solo nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube