Các linh mục châu Phi và việc sử dụng Facebook

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 16-11-2017 | 16:05:18

Nhiều linh mục ở Châu Phi sử dụng Facebook như một phương tiện truyền giáo hay trao đổi cá nhân. Nhưng những người khác lại giữ một khoảng cách rõ ràng với phương tiện xã hội phổ biến này. La Croix Africa xem xét những lý do đối với những thái độ tương phản của họ.

1510732170

Trong sứ điệp đầu tiên về phương tiện truyền thông xã hội, ĐTC Phanxicô vào tháng giêng năm 2014 đã kêu gọi các tín đồ Công giáo trở nên “những công dân tích cực của thế giới số” khi sử dụng internet, “một món quà của Thiên Chúa”, để biểu lộ tinh thần liên đới với người khác. Nhiều linh mục ở Châu Phi đã đáp lại lời mời gọi của ĐTC Phanxicô và bắt đầu sử dụng Facebook vì mục đích này.

Cha Laurent Kambou, một nhà xã hội học, đã nhanh chóng nhận ra rằng Facebook sẽ hữu ích với Ngài. Ngài là một linh mục thuộc Giáo phận Bondoukou ở Bờ Biển Ngà, người đã được cử đi làm nhiệm vụ nghiên cứu tại Giáo phận Metz ở Pháp. Ngài đã thành lập trang web “Presbyterorum Ordinis.net”. Nhóm Facebook này tập hợp 1.112 linh mục đến từ một số quốc gia với mục đích “củng cố tinh thần huynh đệ giữa hàng linh mục”.

“Khi tôi đăng ký Facebook vào năm 2011, tôi ngay lập tức cảm thấy những điều kỳ diệu có thể đạt được thông qua phương tiện này, nó kết nối rất nhiều người ở châu Phi”, Cha Kambou giải thích.

Sáu năm sau khi được thành lập, “Presbyterorum Ordinis.net” đã trở thành một trong những phương tiện truyền thông chính thức của Liên Hiệp các anh em linh mục Bờ Biển Ngà (UFRACI).

Cha Janvier Yaméogo, một linh mục thuộc Giáo phận Koudougou ở Burkina Faso, đồng thời là thành viên của Hội đồng Giáo Hoàng về Truyền thông Xã hội, đã quyết định sử dụng Facebook cho cả mục đích trao đổi cá nhân lẫn phương tiện truyền giáo.

“Facebook là nơi tham gia và kết nối ở cấp độ cá nhân. Đây cũng là nơi để tham gia mục vụ đối với tôi với tư cách là một linh mục, một người có mối tương quan với Thiên Chúa cũng như với tất cả những ai tôi gặp gỡ”, Cha Yaméogo nói.

Trong một số trường hợp nhất định, Facebook trở thành sự mở rộng sự hiện diện của các linh mục. Họ sử dụng nó để giảng dạy giáo lý của Giáo hội và đồng thời cung cấp sự hỗ trợ tinh thần cho tín hữu.

Cha Roger Gomis, Cha Sở Giáo xứ Thánh Joan of Arc Parish ở thành phố cổ Fatick tại Senegal và cựu Giám đốc Truyền thông Giáo phận Dakar, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Facebook trong sứ mạng mục vụ của mình.

“Tôi đăng tải những bài viết truyền đạt những giáo huấn của Giáo hội Công giáo”, linh mục Gomis nói. “Tôi cũng có thể lắng nghe giáo dân của mình, những người chia sẻ với tôi về những vấn đề cá nhân của họ, và tôi có thể cho họ những lời khuyên thiết thực, đồng thời cầu nguyện cho họ, và đôi khi hướng họ đến gặp các linh mục giáo xứ của mình”.

Cũng giống như Cha Gomis, linh mục Jean-Paul Sagadou chia sẻ một cách hào hứng về Facebook. Ngài là một linh mục thuộc Dòng Mẹ Về Trời, vốn là lực lượng đằng sau [của tổ chức] Sáng kiến của châu Phi, mà mỗi năm, quy tụ các bạn trẻ châu Phi tham gia các cuộc hành trình liên văn hoá và liên tôn. Là một người quen với việc làm việc với những người trẻ tuổi, Ngài xem Facebook như là một “nơi chia sẻ với các bạn trẻ”.

Tuy nhiên, việc sử dụng Facebook cũng có những nhược điểm của nó.

Cha Roger Gomis thừa nhận đã phải đối phó với những bài viết tiêu cực cũng như những bài viết mang tính chất công kích bởi “những anh hùng bàn phím” vốn đã làm sai lệch những lập trường nhất định của Giáo hội. “Nhưng đây là tất cả các phần của trò chơi”, linh mục Gomis nói, “và tôi chỉ trả lời khi điều này được thực hiện với sự tôn trọng và lịch sự”.

“Tôi thường phải đối diện với những rủi ro trên Facebook, có lẽ là mỗi ngày”, Cha Janvier Yaméogo thừa nhận. “Một lần, tài khoản của tôi bị đánh cắp. Nhưng phải hai giờ sau, tôi mới có thể phục hồi lại được tài khoản của mình”.

Trong khi hầu hết các linh mục trên phương tiện truyền thông xã hội chấp nhận việc phải tránh những cái bẫy của những kẻ lừa đảo trên mạng trong khi cố gắng bảo vệ thông tin cá nhân của mình, những người khác đã thực hiện một sự lựa chọn triệt để hơn: đăng xuất khỏi Facebook vĩnh viễn.

Cha Damien Gbetié, một du học sinh thuộc Đại học Công giáo Tây Phi ở Benin, đã đưa ra quyết định này.

“Tôi đã từng sử dụng Facebook để giao tiếp và để giữ liên lạc”, linh mục Gbetié giải thích. “Tuy nhiên, tôi đã sớm ngưng sử dụng nó vì tôi không thích những hình ảnh thiếu tôn trọng luân lý cũng như những thông tin thường được đăng trên phương tiện này”.

Những phàn nàn khác được đưa ra bởi một số linh mục châu Phi về Facebook liên quan đến vấn đề bảo mật và mọi người có quyền truy cập vào các chi tiết cá nhân của người khác.

“Danh tính của bạn không được bảo vệ. Bất cứ ai cũng có thể tìm kiếm bạn và liên lạc với bạn”, linh mục Gbetié nói.

“Trên Facebook”, Cha Anicet Nteba, một linh mục dòng Tên người Congo cho biết thêm, “một số người cảm thấy được miễn trừ khỏi sự cần thiết phải tôn trọng trong các bài viết của họ. Đó là một trong những lý do tại sao tôi không sử dụng Facebook, mặc dù nó có thể là một phương tiện hữu dụng để rao giảng Tin Mừng”.

Cha Kambou ý thức được những khó khăn mà các linh mục nhất định gặp phải trong việc sử dụng Facebook, và Ngài đã giúp họ làm chủ công cụ truyền thông xã hội này.

“Facebook có thể trở nên nguy hiểm khi người ta không biết làm thế nào để làm chủ nó”, linh mục Kambou giải thích. “Tôi cố gắng hết sức để chia sẻ những lời khuyên và một số mẹo với các anh em linh mục của mình về cách sử dụng nó tốt hơn”.

Minh Tuệ chuyển ngữ 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết