Tương lai của họ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của phương Tây, theo một quan chức cao cấp của Giáo Hội Công giáo Chaldean.
Một nhân viên cứu trợ cao cấp thuộc TGP Công giáo Chaldea ở miền bắc Iraq cho biết các Kitô hữu nơi đây “hiện đang đối diện với nguy cơ bị xóa sổ” đồng thời kêu gọi các chính phủ Anh quốc và Hoa Kỳ trợ giúp nhân đạo.
Stephen Rasche – cố vấn pháp lý và là người đứng đầu các chương trình tái định cư của Giáo phận – đã phát biểu tại Nghị viện Anh vào ngày hôm qua về nhu cầu hỗ trợ nhân đạo cho các Kitô hữu Iraq.
Theo ông Alton, ông đã nói với các nghị sĩ và đồng nghiệp của mình rằng “thuốc men sẽ hết trong 40 ngày, và thức ăn cũng sẽ cạn kiệt trong vòng hai tháng”.
Phát biểu với tờ Catholic Herald hôm thứ Tư 22/3 vừa qua, ông Rasche cho biết: “Tương lai thực sự tùy thuộc vào sự trợ giúp từ bên ngoài”. Ông nói thêm: “Phần lớn phụ thuộc vào sự giúp đỡ và hỗ trợ tiếp tục mà các tín hữu tại Iraq nhận được từ phương Tây trong vòng sáu đến 12 tháng tới.
“Lịch sử có thể nhìn lại điều này và nói rằng ‘trong lúc người dân nơi đây thực sự cần được giúp đỡ nhất, thì họ đã không nhận được sự hỗ trợ và cộng đồng dường như không còn tồn tại’. Điều đó có thể xảy ra. Chúng ta cần phải thành thực về điều đó”.
Khi ISIS nắm quyền kiểm soát vùng đồng bằng Nineveh thuộc miền bắc Iraq vào năm 2014, các gia đình Kitô hữu đã buộc phải trốn chạy, nhiều người tìm nơi ẩn náu tại Erbil, cách Mosul 80 km về phía đông -nơi TGP Công giáo Chaldean đang phối hợp các nỗ lực cứu trợ.
“Đối với chúng tôi, đây là một điểm cực kì quan trọng, chúng tôi đang nỗ lực giúp cho họ thấy rằng họ có thể xây dựng lại, và họ vẫn có thể có một tương lai, nhưng đồng thời chúng tôi đang xem xét các nguồn tài chính đang dần cạn kiệt của chúng tôi”, ông Rasche nói.
Mặc dù ISIS đang dần dần đánh mất lãnh thổ đã chiếm đống tại Iraq, khoảng 10.500 gia đình Kitô vẫn quyết định ở lại Erbil với tư cách là những người tị nạn trong nước. Kể từ năm 2003, dân số Kitô giáo tại Iraq đã giảm từ 1,4 triệu xuống còn 275,000 người.
Minh Tuệ chuyển ngữ