Cuộc diễu hành sẽ diễn ra trong Tuần Thánh và sẽ bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá tại Irbil
Đức Thượng Phụ Công giáo Chaldean đang cổ võ một cuộc diễu hành hòa bình hơn 80 dặm trong Tuần Thánh để kêu gọi việc chấm dứt bạo lực tại quê hương cũng như khắp Trung Đông.
Giáo hội Công giáo Chaldean đã dành năm 2017 là năm Hoà bình. Đối với Đức Thượng Phụ, Tuần Thánh và đỉnh điểm là lễ Phục Sinh mang lại niềm hy vọng tươi mới để có thể tận hưởng sự sống mới qua việc cầu nguyện, suy tư, hòa giải và đối thoại.
“Hòa bình phải đạt được bởi chính mỗi người chúng ta [những nhà lãnh đạo tôn giáo] cũng như các chính trị gia, thông qua các sáng kiến can đảm cũng như những quyết định có trách nhiệm”, Đức Thượng Phụ Louis Sako của Baghdad nói.
Đức Thượng Phụ Sako đã nhiều lần kêu gọi các tín hữu Iraq tham gia vào “cuộc đối thoại nghiêm túc, cởi mở và trung thực” nhằm thực hiện hoà giải và thống nhất quốc gia giữa lúc bức tranh khảm lớn về các dân tộc và tôn giáo tại nước này đang bị tàn phá bởi nhiều năm bạo lực giáo phái.
“Khoảng 100 người, trong đó bao gồm các tín hữu Iraq và một số người ngoại quốc, dự kiến sẽ tham gia cuộc diễu hành, bắt đầu vào Chúa Nhật Lễ Lá vào ngày 9/4 sắp tới với một Thánh Lễ được cử hành tại Irbil”, Đức Thượng Phụ Sako nói với Catholic News Service qua điện thoại.
“Họ sẽ diễu hành từ Irbil tới Alqosh tại Ninevah Plain, và họ phải mất một tuần hoặc nhiều hơn vì đây là cuộc hành trình rất dài, với lộ trình 87 dặm [tương đương 140 km]”, Đức Thượng Phụ Sako cho biết. “Tôi sẽ tham gia cùng với họ tại một ngôi làng gần Alqosh vào Thứ Năm Tuần Thánh”, ngày 13/4.
Cuộc diễu hành này cho thấy một “cơ hội tuyệt vời cho sự hiệp nhất”, và một mặt trận chung chống lại bạo lực và cảnh đổ máu đã để lại những vết sẹo tại đất nước Iraq cũng như khu vực, Đức Thượng Phụ Sako nói.
“Một nhóm khác từ Lyon, Pháp, sẽ thực hiện việc đi Đàng Thánh Giá sử dụng các Chặng Thánh Giá chính là các ngôi làng từ Telaskov đến Bakova, kéo dài khoảng từ hai đến ba giờ đồng hồ đi bộ”, Đức Thượng Phụ Sako phát biểu với CNS.
Sáng kiến hòa bình này nhằm chứng tỏ mối liên hệ giữa các cộng đồng người Iraq và các Giáo hội trên toàn thế giới trong những năm tháng đau khổ và bị bách hại. Những thị trấn Kitô giáo đã từng nở rộ này đã hình thành nền tảng của các thế kỷ của lịch sử Kitô giáo và gần đây đã được giải phóng khỏi sự kiểm soát tàn bạo của các lực lượng dân quân được gọi là tổ chức nhà nước Hồi giáo.
Telaskov được biết đến với tên gọi “Bishop’s Hill” – ngọn đồi của các Giám mục, và trước khi tổ chức nhà nước Hồi giáo tiếp quản, đây là một thị trấn hiện đại, thịnh vượng với 11.000 tín hữu. Nhưng khi ISIS tấn công thị trấn vào năm 2014, các Kitô hữu đã trốn chạy khỏi thị trấn này. Mặc dù hiện nay nó là một thị trấn vắng bong người, thế nhưng người ta vẫn hy vọng rằng nó sẽ hồi sinh khi bom mìn và các cạm bẫy do các chiến binh bỏ lại và cơ sở hạ tầng nơi đây được xây dựng lại.
Tháng 9 năm ngoái, đại diện của Tổng Giáo Phận Công giáo Chaldean tại Irbil đã phát biểu với Quốc hội Hoa Kỳ rằng họ đã không nhận được bất kì sự viện trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc hay Chính phủ Hoa Kỳ đối với 70.000 Kitô hữu hay những người Yezidi còn sống sót sau những gì mà người ta gọi là một cuộc diệt chủng chống lại họ cũng như các dân tộc khác tại Iraq, được thực hiện bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo từ năm 2014.
Trước cuộc chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo vào năm 2003 nhằm lật đổ chính quyền Saddam Hussein, con số các Kitô hữu tại Iraq là 1,4 triệu người. Sau khi bị giết hại hoặc bị trục xuất khỏi khu vực, con số các Kitô hữu chỉ còn lại 250.000 người. Bất châp những khó khăn này, cộng đồng các Kitô hữu tại Iraq vẫn là một cộng đồng Kitô hữu bản địa lớn thứ tư tại Trung Đông.
“Hiện tại, chúng tôi sẽ di chuyển bằng đường hầm, và chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa và đồng thời phải cầu nguyện không ngừng cho hòa bình quốc gia cũng như trong khu vực của chúng ta và cho sự trở về an toàn của những người đã bị buộc phải bỏ lại nhà cửa và tài sản của họ”, Đức Thượng Phụ Sako cho biết trong một bài chia sẻ Mùa Chay gần đây.
Đức Thượng Phụ Sako cũng mời gọi các tín hữu hãy “dựa vào sự khôn ngoan và kiên nhẫn cũng như thống nhất với nhau trên đất mà chúng ta được sinh ra và đã sinh sống trong hơn 1.400 năm qua cùng với những người Hồi giáo, và chia sẻ cùng một nền văn minh”.
Trước lễ Phục Sinh, Đức Thượng Phụ Sako cho biết ngài cũng hy vọng về “sự hồi sinh thực sự, sự trở lại nhanh chóng của những người đã bị buộc phải bỏ lại nhà cửa của mình, đồng thời khôi phục hòa bình tại tất cả các Giáo hội, các quốc gia cũng như trên toàn thế giới”.
Minh Tuệ (theo Catholic Herald)