
Một thanh niên đeo khẩu trang y tế viếng thăm Nhà thờ Chúa Giáng Sinh, được tôn kính như là nơi sinh của Chúa Giêsu Kitô, tại thành phố Bethlehem ở Bờ Tây vào ngày 5 tháng 3 năm 2020. Bộ Y tế Palestine đã kêu gọi đóng cửa các Nhà thờ Kitô giáo, các Đền thờ Hồi giáo và các tổ chức khác sau khi các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút đã được phát hiện tại khách sạn ở khu vực Bethlehem, đầu tiên ở vùng lãnh thổ Palestine (Ảnh: AHMAD GHARABLI / AFP)
Tòa Thượng Phụ Latinh chỉ trích ‘kế hoạch hòa bình’ của Mỹ đối với Trung Đông và hỗ trợ các Kitô hữu Palestine đang gặp khó khăn.
Trong một thông cáo mạnh mẽ (“Trở thành một Kitô hữu tại Palestine trong năm 2020”), Ủy ban Công lý và Hòa bình của Tòa Thượng Phụ Latinh tại Giêrusalem vào ngày 1 tháng 3 đã chỉ trích “kế hoạch hòa bình cho Trung Đông” của chính phủ Hoa Kỳ khi số phận chính trị của Thánh địa vẫn đầy bất ổn.
Kế hoạch mà Washington ban hành vào cuối tháng 1, khẳng định Giêrusalem là “thủ đô không thể tách rời” của Nhà nước Do Thái, bất chấp người dân Palestine yêu cầu phía đông thành phố phải là thủ đô của Nhà nước trong tương lai của họ.
Kế hoạch cũng ủng hộ việc sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây, tại Thung lũng Jordan.
Hoa Kỳ và Israel đã chuẩn bị kế hoạch mà không có sự tham khảo ý kiến người dân Palestine, khiến nhiều người trong cộng đồng quốc tế hoài nghi.
Người dân Palestine giờ đây thậm chí còn không chắc chắn về tương lai của họ sau khi Likud, đảng cánh hữu của Thủ tướng “không thể ngăn cản” Benyamin Netanyahu, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp của Israel vào ngày 2 tháng 3.
Trong tài liệu mới nhất của mình, Ủy ban Công lý và Hòa bình lặp lại mối quan tâm của các Kitô hữu Palestine, những người đã nỗ lực đấu tranh để làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe tại Thánh địa.
‘Một con số nhỏ bé’
“Đặc biệt, các Kitô hữu Palestine tại Giêrusalem, vì số lượng ít ỏi, khiến họ càng trở nên dễ bị tổn thương hơn, phải vật lộn với cảm giác rằng họ không được quan tâm và không có cách nào để có thể đóng vai trò quan trọng trong tương lai của thành phố yêu dấu của họ”, tổ chức Công giáo cho biết.
“Một số người nhìn quanh thế giới nơi mà họ đang sống và chứng kiến sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, sự chia rẽ tàn khốc trong xã hội và khoảng trống chính trị, bị kích động bởi tham nhũng và thiếu tầm nhìn sáng tạo”, theo Ủy ban Công lý và Hòa bình.
“Trong khi một số người Do Thái yêu cầu một Giêrusalem độc quyền của người Do Thái và một số người Hồi giáo yêu cầu nhóm chiến binh Hồi giáo Beit al-Maqdis, một số Kitô hữu Palestine tại Giêrusalem có thể bị kéo ra khỏi cuộc sống công cộng, chỉ bám vào bản sắc tôn giáo riêng của họ”.
“Họ có thể khẳng định rằng họ chỉ đơn giản là các Kitô hữu và điều đó là đủ đối với họ. Liên quan đến tình trạng hiện tại và tương lai của Giêrusalem, họ chỉ có thể nghĩ về việc Giêrusalem là quê hương của họ: một Thánh Địa, không quan tâm đến bất cứ chế độ, chính trị hay quốc gia nào, có thể”, Ủy ban Công lý và Hòa bình tiếp tục.
Đứng về phía người dân của họ
“Các Kitô hữu Palestine tại Giêrusalem tự thấy mình đứng về phía người dân của họ, những người dân Palestine, đau khổ giống như họ và hy vọng với họ”, tài liệu than phiền.
Ủy ban Công lý và Hòa bình kêu gọi các Kitô hữu Palestine sinh sống ở Giêrusalem phải đưa ra cam kết cụ thể trong cuộc sống hàng ngày để giảm bớt những căng thẳng.
“Các Kitô hữu Palestine tại Giêrusalem, bén rễ vững chắc trong bản sắc cá nhân của họ, trong các chiều kích tôn giáo và quốc gia, có thể đáp ứng đầy đủ cho ơn gọi địa phương của họ, nỗ lực làm việc vì sự bình đẳng, công lý và hòa bình, đóng góp bằng mọi phương tiện có thể nhằm đưa cuộc xung đột ở Giêrusalem đến hồi kết thúc”, tài liệu cho biết.
Minh Tuệ (theo La Croix)