Các Kitô hữu ở Ấn Độ và các chính trị gia Hindu

Các Đức Giám mục gặp gỡ nhà lãnh đạo Hindu của Bang Uttar Pradesh do Thủ tướng Modi bổ nhiệm: dân chủ trước hết.

Ấn ĐộKhi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cách đây 1 tháng, bổ nhiệm ông Yogi Adityanath, 45 tuổi, làm người đứng đầu Bang Uttar Pradesh, bang đông dân nhất nước, nhiều nhà quan sát đã coi đây là khởi đầu cho một thách thức lớn đối với nền dân chủ Ấn Độ. Ông Yogi Adityanath vốn là một lãnh tụ tôn giáo Hindu nổi tiếng với lập trường cực đoan và nặng ý thức hệ. Nhiều nhà bình luận đã coi việc bổ nhiệm ông là một điềm gây lo ngại. Nhiều người coi đó là một “sự tiến triển đáng sợ”, những người khác thì đưa ra những báo động đối với tình cảnh của các nhóm tôn giáo thiểu số, dự đoán rằng việc bổ nhiệm này sẽ làm gia tăng sức mạnh cho các phong trào cực đoan Hindu, những người ủng hộ của Đảng Janata Bharatiya (Đảng Nhân dân Ấn Độ), mà cả Modi lẫn Adityanath đều là thành viên.

Phải nói rằng chiến thắng trong các cuộc bầu cử lập pháp vào mùa xuân đã đem lại cho thủ tướng Narendra Modi một nhiệm vụ chính trị chưa từng có. Câu hỏi đặt ra là, như tờ Indian Express viết, tại sao ông lại lựa chọn một nhà lãnh đạo “bị coi là gây tranh cãi nhất, cực đoan nhất và mang nặng óc giáo phái nhất.” Việc bổ nhiệm ông Adityanath được coi là một dấu hiệu xấu đối với các nguyên tắc của nền dân chủ Ấn Độ, đối với nhân quyền và đối với các tôn giáo thiểu số.

Gần đây, một phái đoàn các Giám mục Công giáo Bang Uttar Pradesh,  gồm Đức Tổng Giám Mục Albert D’Souza của Agra và sáu vị mục tử khác trong tiểu bang, đã gặp ông Yogi Adityanath, trong một cuộc gặp gỡ được mô tả là “thân thiện”.

Các Đức Giám mục đã chúc mừng ông Yogi Adityanath , bày tỏ hy vọng rằng chính quyền tiểu bang sẽ đảm bảo sự tôn trọng đầy đủ cuộc sống của các cộng đồng tôn giáo thiểu số. Ông Yogi đã công nhận rằng các các tổ chức Kitô giáo đã và đang thực hiện nhiều dịch vụ xã hội quan trọng vì lợi ích của những người nghèo và những người bị thiệt thòi trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong giáo dục.

“Kitô hữu có thể thực hành đức tin của họ mà không phải sợ hãi gì”, ông nói, và đảm bảo sẽ “hành động nghiêm túc chống lại những người vi phạm pháp luật.” Có vẻ lời tuyên bố này được đưa ra là bởi vì trong những tuần gần đây, phong trào Yuva Vahini, một phong trào thanh niên Hindu, do chính ông Yogi thành lập, đã trở thành nhân vật chính của một sự kiện bạo lực: một số thanh niên đã đột kích một nhà thờ, ngăn cản việc cầu nguyện và cáo buộc những người hiện diện là đang theo dị giáo. Các hành vi loại này, được ghi nhận ở một số bang của Ấn Độ, là một biểu hiện của ý thức hệ Hindutva, chia rẽ xã hội dựa theo yếu tố niềm tin và giáo phái, phủ nhận sự đa nguyên của nền văn hóa và tín ngưỡng phong phú ở Ấn Độ, sử dụng tôn giáo như là yếu tố kích động xung đột chính trị và xã hội.

ĐGM Albert D’Souza chia sẻ: “Chúng ta đừng vội báo động. Chính phủ của ông Yogi là chính phủ hợp pháp. Một người đứng đầu nhà nước là một hình ảnh của thể chế và phải tôn trọng các nguyên tắc dân chủ. Tôi không nghĩ rằng ông ấy sẽ lấy ý thức hệ cực đoan làm lá cờ cho chính phủ của ông.”

“Đúng là đôi khi trong xã hội có một xu hướng từ chối quyền lợi của các tôn giáo thiểu số nhân danh chủ nghĩa dân tộc. Nhưng chúng tôi tin tưởng vào đặc tính vốn có của Ấn Độ, vào các nguyên tắc vững chắc của nền dân chủ và đa nguyên,” Đức Cha D’Souza cho biết thêm. “Thẳng thắn mà nói, chúng tôi không bị đe dọa bởi chính phủ này. Chúng tôi dự định giữ mối quan hệ tốt đẹp và chúng tôi vẫn tin rằng Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta”, ngài nói.

Nói về các nghị định đầu tiên của chính phủ mới ở Uttar Pradesh, Đức Cha D’Souza cho biết: “Kitô hữu là một phần không thể thiếu của xã hội Ấn Độ, cũng giống như các công dân khác, có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Nhà lãnh đạo Bang Uttar Pradesh có ý định chống tham nhũng và làm việc cho sự phát triển của những người nghèo nhất. Chúng tôi tin ông ấy và cầu nguyện cho ông ấy”.

Vẫn có một số vấn đề còn bỏ ngỏ, ảnh hưởng rất sát tương lai của các tôn giáo thiểu số: ví dụ, nổi bật vấn đề đầy bực tức phát sinh từ Ayodhya, thành phố cổ xưa của Uttar Pradesh, ở đó, vào năm 1992, hàng ngàn chiến binh Hindu dã san bằng một nhà thờ Hồi giáo, tuyên bố nó được xây dựng trên một ngôi đền Hindu dành riêng cho Chúa Rama. Sau sự kiện đó là chuỗi bạo lực liên cộng đồng giữa người Hindu và người Hồi giáo, và sau một quá trình pháp lý lâu dài, vào ngày 21 tháng Ba năm ngoái Tòa án Tối cao Ấn Độ đã đề nghị các bên tham gia ngồi với nhau để tìm sự đồng thuận về cách giải quyết của tòa án.

Yếu tố quyết định nữa là những gì liên quan đến các trường tư thục: các nhóm Hindu cực đoan yêu cầu nhà nước áp đặt quy tắc chặt chẽ hơn và đánh thuế cao hơn nhiều đối với những tổ chức giáo dục tư nhân (là khu vực các Kitô hữu đang tham gia trực tiếp).

Đến nay, Chính phủ mới ở Uttar Pradesh đã thực hiện một yêu cầu của nhóm Hindu, cấm đoán các cơ sở giết mổ trái phép và các cửa hàng thịt bò (là thiêng liêng đối với người Hindu) dù các nhóm tôn giáo đã kiên trì chiến đấu để không xảy ra sự cấm đoán đó.

Tân Thanh (theo Vatican Insider)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết