
Những người biểu tình tranh luận với cảnh sát mặc thường phục trong một cuộc biểu tình gần Tòa án Hiến pháp ở Jakarta hồi tháng 6 trước phán quyết về việc liệu cuộc bầu cử tổng thống Indonesia có bị lũng đoạn như tuyên bố của ứng cử viên bị đánh bại hay không. Các nhà lãnh đạo Kitô giáo đã kêu gọi các tín hữu giúp chữa lành những sự chia rẽ về mặt chính trị trong một Thông điệp Giáng sinh được phát hành gần đây. (Ảnh: Bay Ismoyo/ AFP)
Các nhà lãnh đạo Kitô giáo tại Indonesia đã đưa ra một Thông điệp Giáng Sinh chung kêu gọi tất cả mọi tín hữu Công giáo và Tin lành trở thành ‘những môn đệ đích thực’ và đồng thời giúp ngăn chặn nguy cơ của sự mất đoàn kết quốc gia gây ra bởi tình hình chính trị hiện nay ở nước này.
Hội đồng Giám mục Indonesia (KWI) và tổ chức đại kết mang tên Hiệp hội các Giáo hội Kitô giáo tại Indonesia (PGI) đã phát hành một Thông điệp với chủ đề: “Hãy sống một cuộc sống thân tình với anh chị em mình”.
Thông điệp được ký bởi Chủ tịch KWI, Đức Hồng y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo Địa phận Jakarta, và Chủ tịch PGI, Mục sư Henriette Tabita Lebang.
Việc mừng lễ Giáng sinh bằng cách thể hiện tình yêu thương với tha nhân như những bạn bè thân hữu cần phải được coi như là lời kêu gọi các Kitô hữu thoát khỏi tất cả mọi bức tường của sự ngăn cách dựa trên tôn giáo, nhóm sắc tộc và văn hóa, theo nội dung Thông điệp.
“Đây chính là lời kêu gọi đối với các Kitô hữu để trở thành những môn đệ đích thực đem tình yêu thương vào thực hành trong cuộc sống hàng ngày của họ trong gia đình của họ”, Thông điệp nhấn mạnh.
“Thông điệp Giáng sinh này cũng chính là một thông điệp về tinh thần huynh đệ vốn đưa chúng ta quay trở lại lịch sử của Indonesia: lý tưởng của nó và cuộc chiến đấu của nó cho nhân loại và phẩm giá con người”, Thông điệp cho biết thêm.
Phát biểu với ucanews hôm 4 tháng 12, Tổng thư ký PGI, Mục sư Gomar Gultom cho biết rằng thông điệp Giáng sinh chung có liên quan đến tình hình chính trị hiện tại ở Indonesia, nơi mà nền chính trị đã bị làm cho tàn lụi bởi hoạt động chính trị dựa trên bản sắc ngày càng gia tăng trong vài năm qua.
Chính trị bản sắc là xu hướng cho những người thuộc một tôn giáo, chủng tộc hoặc nền tảng xã hội cụ thể nhằm hình thành các liên minh chính trị độc quyền, tránh xa nền chính trị đảng phái truyền thống rộng rãi.
Điều này đã được chứng kiến vào năm 2017 khi các cử tri Hồi giáo phế truất thống đốc Jakarta khi đó bởi vì ông là một Kitô hữu và cuộc bầu cử tổng thống khốc liệt vào năm 2019 vốn chứng kiến những cáo buộc về sự phân biệt đối xử và tình trạng gian lận đã dẫn đến tình trạng bất ổn.
“Đây chính là một mối đe dọa đối với chủ nghĩa đa nguyên của chúng ta. Đó cũng chính là một mối đe dọa đối với toàn thể nhân loại, bởi vì tất cả mọi người đều quý giá trước mặt Thiên Chúa bất kể tôn giáo và sắc tộc của họ là gì”, Mục sư Gultom nói.
Đề cập đến chủ đề của Thông điệp, Mục sư Gultom cho biết rằng các Kitô hữu cần phải nỗ lực nhiều hơn để bước theo Chúa Giêsu, mẫu gương tuyệt vời nhất về một người bạn đích thực.
“Quả là không dễ dàng để trở thành những môn đệ đích thực ngày nay, nhưng chúng ta có thể làm điều đó miễn là chúng ta hoàn toàn quy phục Thiên Chúa”, Mục sư Gultom nói.
Yohanes Handoyo Budhisedjati, người sáng lập tổ chức ‘Vox Point Indonesia’, một tổ chức chính trị Công giáo, đã hoan nghênh thông điệp và đồng thời chỉ ra sự bất bình đẳng về kinh tế như là một trong những lý do đằng sau những sự căng thẳng chính trị hiện tại của Indonesia.
“Hành động cụ thể là hết sức cần thiết để đối phó với khoảng cách giàu nghèo, vốn có nguồn gốc sâu xa từ xã hội. Nếu điều này có thể được thu hẹp, tôi tin rằng nó sẽ ảnh hưởng tích cực đến tình hình chính trị hiện tại ở đây”, ông Budhisedjati nói.
Hoàng Thịnh (theo UCA News)