Các Hội nghị và Hội đồng Giám mục Công giáo tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh (SECAM, CELAM và FABC), cùng với Ủy ban Giáo hoàng về châu Mỹ Latinh, đã công bố một văn kiện kêu gọi công lý khí hậu và hoán cải môi sinh, trước thềm Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu COP30 sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Brazil.
Các Hội nghị và Hội đồng Giám mục khu vực tại châu Á, châu Phi, Trung và Nam Mỹ, cùng với Ủy ban Giáo hoàng về châu Mỹ Latinh, đã cùng nhau đưa ra lời kêu gọi công lý khí hậu và hoán cải môi sinh trên toàn cầu.
Trước thềm Hội nghị lần thứ 30 của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP30), sẽ diễn ra tại Belém, Brazil, từ ngày 10 đến 21 tháng 11 năm 2025, các tổ chức này đã công bố một văn kiện chung với tựa đề: “Lời kêu gọi vì công lý khí hậu và ngôi nhà chung: hoán cải môi sinh, chuyển đổi và chống lại các giải pháp sai lầm”. Văn kiện được giới thiệu trong cuộc họp báo tổ chức tại Phòng Báo chí Tòa Thánh vào ngày 1 tháng 7, và cũng đã được trình lên Đức Thánh Cha Lêô XIV trong cùng ngày.
Tài liệu này tái khẳng định cam kết của Giáo hội đối với công lý khí hậu, đồng thời kêu gọi các quốc gia và chính phủ hành động, được thôi thúc bởi lời mời gọi của Đức Thánh Cha nhằm cổ võ một nền sinh thái toàn diện, phù hợp với Thông điệp Laudato Si’ của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ban hành văn kiện này trong năm nay.

Đức Thánh Cha Lêô XIV tiếp kiến các Giám mục và một bản copy của tài liệu (Ảnh @ Truyền thông Vatican)
Lời mời gọi lương tâm
“Thông điệp của chúng tôi hôm nay không mang tính ngoại giao, mà hoàn toàn là một thông điệp mục vụ. Đó là lời kêu gọi lương tâm trước một hệ thống đang đe dọa nuốt chửng công trình sáng tạo, như thể hành tinh này chỉ là một món hàng hóa khác mà thôi”, Đức Hồng y Filipe Neri Ferrão, Tổng Giám mục Goa và Damao (Ấn Độ), Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), phát biểu trong buổi họp báo.
Cùng tham dự buổi họp báo còn có: Đức Hồng y Jaime Spengler, Tổng Giám mục Porto Alegre (Brazil), Chủ tịch Hội đồng Giám mục Brazil (CNBB) và Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh và Caribe (CELAM); Đức Hồng y Fridolin Ambongo Besungu, Tổng Giám mục Kinshasa (Cộng hòa Dân chủ Congo), Chủ tịch Hội đồng Giám mục châu Phi và Madagascar (SECAM); bà Emlice Cuda, Tổng Thư ký Ủy ban Giáo hoàng về châu Mỹ Latinh.
“Là những tông đồ truyền giáo của một Giáo hội hiệp hành đang lên đường, chúng tôi sẽ đến COP30 để xây dựng hòa bình giữa một cuộc chiến diễn ra từng phần chống lại công trình tạo dựng, nơi biết bao người đang chết và còn nhiều người nữa sẽ chết nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ”, bà Cuda nhấn mạnh. “Chúng tôi hành động như thế bởi vì, như Đức Thánh Cha Lêô XIV nói: ‘Giáo hội luôn tìm cách gần gũi, đặc biệt là với những người đang đau khổ’”.
Từ Amazon đến châu Phi, Giáo hội cùng lên tiếng
“Tôi đang cất lên một tiếng nói không chỉ của riêng tôi, mà là tiếng nói của các dân tộc Amazon, của những người chịu đọa đày vì đất đai – có thể nói là vì khí hậu – và của các cộng đồng ven sông, người bản địa, người gốc Phi, nông dân và cư dân đô thị”, Đức Hồng y Spengler phát biểu, với tư cách đại diện cho châu Mỹ Latinh.
“Chúng ta cấp bách nhận thức rằng: cần phải thay đổi lối sống, phương thức sản xuất và tiêu dùng”. Ngài lên án việc ngụy trang các lợi ích kinh tế dưới các danh xưng như “chủ nghĩa tư bản xanh”, “kinh tế chuyển đổi” hay việc mở rộng các giếng dầu mới tại khu vực Amazon. Đức Hồng y Spengler cũng mạnh mẽ phản đối các cơ chế như “tài chính hóa thiên nhiên”.
Tương tự, Đức Hồng y Ambongo đã lên tiếng “nhân danh các Giáo hội tại lục địa châu Phi”, vốn đã “bị bần cùng hóa bởi nhiều thế kỷ bị khai thác tài nguyên, nô dịch và bóc lột”. Ngài nhấn mạnh việc chạy đua khai thác khoáng sản chính là “nguồn gốc của sự gia tăng các nhóm vũ trang” và đồng thời kêu gọi một “nền kinh tế không dựa trên việc hy sinh người dân châu Phi để làm giàu cho người khác”.
“Châu Phi muốn đóng góp cho một tương lai công bằng và hòa bình cho toàn thể nhân loại”, ngài nhấn mạnh. “Chúng tôi tuyên bố: đã quá đủ rồi, đã quá đủ những giải pháp sai lầm, đã qua đủ những quyết định được đưa ra mà không lắng nghe những người ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu”.
Từ quan điểm của lục địa châu Á, Đức Hồng y Ferrao giải thích rằng “hàng triệu người đã và đang phải gánh chịu những hậu quả tàn khốc của biến đổi khí hậu: bão tố, di cư cưỡng bức, mất các hòn đảo, ô nhiễm sông ngòi”, trong khi “các giải pháp sai lầm lại đang được đưa ra: các công trình hạ tầng khổng lồ, việc di dời dân cư để có ‘năng lượng sạch’ nhưng không tôn trọng phẩm giá con người, và việc khai thác mỏ vô hồn dưới danh nghĩa pin xanh”.
“Các quốc gia giàu có cần phải thừa nhận và thanh toán món nợ sinh thái của họ, thay vì tiếp tục làm cho Nam bán cầu lún sâu hơn trong nợ nần”, Đức Hồng y Ferrao nói thêm. Giáo hội, theo ngài, muốn cổ võ các giải pháp thay thế như “các chương trình giáo dục”, “những đừng hướng kinh tế mới” hoặc “đồng hành với phụ nữ và trẻ em gái”, những người thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Di sản của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô
Trong phần phát biểu ứng khẩu, Đức Hồng y Michael Czerny đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa văn kiện này với di sản của Đức cố Giáo hoàng Phanxicô: “Cách đây 10 năm trước, tôi tự hỏi liệu có ai có thể tưởng tượng rằng một cuộc họp báo như thế này lại trở thành hiện thân và cụ thể hóa của Thông điệp Laudato Si’? Đây là một biểu hiện phi thường của điều mà Đức Phanxicô đã kêu gọi, và Đức Thánh Cha Lêô XIV đang tiếp tục nhấn mạnh và cổ võ. Tôi hết sức cảm kích”.
Minh Tuệ (theo Vatican News)