Các Giáo hội và các nhóm tín ngưỡng trên khắp Vương quốc Anh đã lên án dự luật cho phép các bác sĩ trợ tử và tăng cường nỗ lực ngăn chặn việc các nghị sĩ quốc hội phê chuẩn dự luật này vào ngày 29 tháng 11.
“Cuộc bỏ phiếu sẽ rất sít sao — nhiều thành viên của Quốc hội, mới được bầu gần đây, sẽ phải quyết định về một vấn đề đạo đức sống còn mà họ chưa từng cân nhắc trước đây”, Timothy Dieppe, người đứng đầu chính sách công của Tổ chức Ðại kết “Quan Tâm Quốc Tế Kitô Giáo” (International Christian Concern – ICC), giải thích.
“Nếu họ bỏ phiếu chống lại dự luật này, nó sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ trên toàn thế giới rằng việc trợ tử không phải là điều tất yếu và không cấu thành sự tiến bộ”.
Vị thần học gia phát biểu như một tuyên bố chung từ các Giám mục Anh, xứ Wales và Scotland kêu gọi phản đối “Dự luật Người lớn mắc bệnh nan y (Cuối đời)” do nghi sĩ Kim Leadbeater từ Đảng Lao động cầm quyền đệ trình, dự luật này sẽ cho phép hỗ trợ y tế chấm dứt cuộc sống cho những người lớn mắc bệnh nan y trên 18 tuổi.
Trong một cuộc phỏng vấn với OSV News, ông cho biết động lực chính trị và truyền thông đang ngày càng gia tăng chống lại dự luật này, vốn sẽ đảo ngược Đạo luật cấm Tự tử năm 1961 của Anh và vi phạm “tất cả các truyền thống tôn giáo và quy tắc đạo đức quan trọng”.
Trong khi đó, một nhà vận động Công giáo kỳ cựu cho biết dự luật “mang tên dối trá” này thiếu sự ủng hộ của công chúng và đã bị các thẩm phán cấp cao và chuyên gia y tế chỉ trích.
“Lần trước khi các đại biểu quốc hội bác bỏ luật như vậy, họ được gần hai tháng để xem xét kỹ lưỡng — lần này họ chỉ có chưa đầy hai tuần lễ”, nghị sĩ David Alton, một nhà hoạt động nhân quyền, chia sẻ với OSV News.
“Với việc nhiều người cao tuổi bước vào mùa đông với trợ cấp nhiên liệu bị cắt giảm và các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ đang trong tình trạng khủng hoảng, chính Bộ trưởng y tế của chính phủ đã cảnh báo về một viễn cảnh đáng sợ trong đó bệnh nhân bị ép buộc phải kết liễu cuộc sống của mình”.
Mặc dù đích thân ủng hộ dự luật, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã hứa với các nghị sĩ rằng họ sẽ được “bỏ phiếu tự do” về biện pháp này, theo đó những người trưởng thành chỉ còn sống được không quá 6 tháng phải được tòa án chấp thuận, thể hiện “mong muốn rõ ràng, ổn định và có thông tin đầy đủ về việc kết thúc cuộc sống của chính mình” mà không bị “ép buộc hoặc gây sức ép”.
Trong thông cáo báo chí vào ngày 11 tháng 11, tổ chức ủng hộ tự tử Dignity in Dying cho biết dự luật 43 điều khoản là “đề xuất chi tiết và mạnh mẽ nhất về trợ tử” từng được quốc hội Anh xem xét và sẽ “chấm dứt tình trạng tàn ác và nguy hiểm hiện tại, đồng thời đưa ra các biện pháp an toàn mới”.
Tuy nhiên, một số Giám mục Công giáo, bao gồm Đức Hồng y Vincent Nichols Địa phận Westminster, đã kêu gọi người dân trong các lá thư mục vụ gửi đơn kiến nghị các nhà lập pháp phản đối dự luật này.
Trong tuyên bố chung vào ngày 14 tháng 11, các Giám mục cho biết kinh nghiệm cho thấy “các biện pháp bảo vệ đã hứa sẽ sớm bị lãng quên”, đồng thời cảnh báo dự luật sẽ “gây tổn hại cơ bản” đến mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân và “làm thay đổi triệt để bản chất của lòng tin và sự hỗ trợ”.
“Trong cuộc thảo luận xung quanh vấn đề trợ tử, người ta đề cập rất nhiều đến quyền tự do lựa chọn và quyền tự chủ; nhưng quyền tự chủ không phải là tuyệt đối và phải luôn được đặt trong bối cảnh công ích”, các Giám mục cho biết.
“Chúng tôi kêu gọi những người chia sẻ đức tin Công giáo của chúng tôi về phẩm giá con người và sự thiêng liêng của sự sống, bao gồm các Kitô hữu, những người thuộc các tôn giáo khác, những người có lý trí và thiện chí, hãy cùng chúng tôi bảo vệ những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất”.
Phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục nói với OSV News rằng tuyên bố này đã thúc giục nhiều nghị sĩ “liên hệ với các Giám mục địa phương” về vấn đề trợ tử, và đồng thời khuyến khích “sự phẫn nộ thực sự và chính đáng” đối với dự luật từ các nhóm người khuyết tật.
7 quốc gia châu Âu — Bỉ, Đức, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ — hiện cho phép trợ tử, trong khi hoạt động này cũng được phép ở 11 trong số 50 tiểu bang của Hoa Kỳ. Áo, Phần Lan và Na Uy cho phép an tử thụ động trong những trường hợp nghiêm ngặt.
Một dự luật trước đó về trợ tử đã bị bác bỏ với 330 phiếu thuận và 118 phiếu chống tại Hạ viện Anh vào tháng 9 năm 2015, trong khi một cuộc khảo sát vào tháng 8 nêu bật nỗi lo ngại của công chúng rằng hoạt động này có thể được khuyến khích để giảm bớt áp lực tại Dịch vụ Y tế Quốc gia.
“Dự luật trợ tử” địa phương đã bị chính quyền Scotland bác bỏ vào ngày 1 tháng 10, với phán quyết rằng dự luật này “nằm ngoài thẩm quyền lập pháp” của quốc hội được ủy quyền, trong khi một động thái ủng hộ dự luật của nghị sĩ Leadbeater đã bị bác bỏ vào ngày 23 tháng 10 tại hội đồng Senedd xứ Wales.
Trong tuyên bố vào ngày 18 tháng 11 cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác của xứ Wales, Đức Tổng Giám mục Mark O’Toole Địa phận Cardiff-Menevia cho biết dự luật này đánh dấu “thời điểm rất hệ trọng” đối với đất nước.
“Là những người có đức tin, chúng ta có chung di sản là chăm sóc những người dễ bị tổn thương, các bệnh nhân và những người đang hấp hối”, tuyên bố được các nhà lãnh đạo Tin lành, Hồi giáo, Do Thái, Sikh và Hindu đồng ký cho biết.
“Sự sống con người là vô cùng thiêng liêng”, tuyên bố cho biết. “Lòng trắc ẩn là cốt lõi của tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới”.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 24 tháng 11, Đức Hồng y Nichols và Đức Giám mục Patrick McKinney Địa phận Nottingham nằm trong số gần 30 nhà lãnh đạo tôn giáo đại diện cho một số tín ngưỡng – bao gồm Do Thái giáo, Hồi giáo, Chính thống giáo Coptic, Ấn Độ giáo, Hỏa giáo, Tin lành, Chính thống giáo Hy Lạp, Kỳ Na giáo, Sikh giáo, Ngũ tuần và Giáo hội Assyria – những người một lần nữa kêu gọi bác bỏ dự luật trợ tử và giữ nguyên luật hiện hành.
Thừa nhận việc “chủ đề này phức tạp và quan trọng đến mức nào”, họ cho biết, “Vai trò mục vụ của chúng tôi khiến chúng tôi vô cùng lo ngại về tác động của dự luật đối với những người dễ bị tổn thương nhất, mở ra khả năng lạm dụng và ép buộc đe dọa đến tính mạng. Đây là mối quan ngại mà chúng tôi biết là rất nhiều người, cả có lẫn không có đức tin, hết sức quan tâm”.
“Chúng tôi tin rằng phản ứng thực sự đầy lòng trắc ẩn đối với giai đoạn cuối đời nằm ở việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ chất lượng cao cho tất cả những ai cần chúng”, họ nói. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cho biết rằng sự chăm sóc đầy lòng trắc ẩn, “cùng với các quá trình tự nhiên của cái chết”, cho phép “những người ở giai đoạn cuối của cuộc đời họ trải qua những khoảnh khắc quan trọng. Chúng tôi đã chứng kiến các mối quan hệ được hàn gắn và các gia đình được hòa giải. Chúng tôi đã chứng kiến cuộc sống kết thúc trong tình yêu thương”.
“Mặc dù có nhiều ví dụ về dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ tuyệt vời ở đất nước này, nhưng vẫn còn thiếu kinh phí một cách đáng lo ngại. Việc đầu tư cho dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ là chính sách của một quốc gia thực sự giàu lòng trắc ẩn”, các nhà nhà lãnh đạo tôn giáo cho biết thêm. “Đó là cách đảm bảo rằng mọi người trong xã hội, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương nhất, đều nhận được sự chăm sóc mà họ xứng được nhận khi kết thúc cuộc đời”.
Trong cuộc phỏng vấn với OSV News, thần học gia Dieppe cho biết việc bác bỏ luật ở Scotland và xứ Wales đã “khiến những người đề xướng tự tử ngạc nhiên và bàng hoàng”.
“Chúng ta hiện có Quốc hội vô thần nhất trong lịch sử, xét theo số lượng đại biểu quốc hội tuyên thệ trên Kinh Thánh”, người đứng đầu Tổ chức Christian Concern nói với OSV News.
“Tuy nhiên, vẫn còn một sự thừa nhận còn sót lại về nền tảng Kitô giáo trong văn hóa và đạo đức của chúng ta. Nếu bạn gặp ai đó đang có ý định tự tử, phản ứng nhân đạo là hãy khuyên can họ, chứ không phải khuyến khích họ”.
Minh Tuệ (theo The Pilot)