Các Giáo hội tại Thánh Địa kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị đạt được thỏa thuận vì hòa bình

Người dân Palestine di tản rời khỏi khu vực xung quanh Bệnh viện Al-Aqsa Martyrs ở Dải Gaza sau lệnh sơ tán mới của Israel (Ảnh: AFP)

Người dân Palestine di tản rời khỏi khu vực xung quanh Bệnh viện Al-Aqsa Martyrs ở Dải Gaza sau lệnh sơ tán mới của Israel (Ảnh: AFP)

Một tuyên bố do các Đức Thượng phụ và những người đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem đưa ra bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng gia tăng có thể đẩy khu vực này đến bờ vực chiến tranh toàn diện và đồng thời kêu gọi đàm phán một thỏa thuận hòa bình.

Khi tháng thứ 12 của “cuộc chiến tàn khốc hiện tại” đang đến gần và khi căng thẳng khu vực gia tăng liên quan đến nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn có căn cứ tại Lebanon, đe dọa tạo ra các điều kiện cho “cuộc chiến tranh khu vực toàn diện”, các nhà lãnh đạo của các Giáo hội tại Giêrusalem đã đưa ra một lời kêu gọi khác về một giải pháp đàm phán cho cuộc xung đột.

Trong tuyên bố chung vào thứ Hai, các Đức Thượng phụ và lãnh đạo các Giáo hội tại Giêrusalem đã bày tỏ sự cấp thiết “một lần nữa” phải lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc của họ về chiều hướng tồi tệ của cuộc chiến đnag diễn ra.

Họ lưu ý rằng “bất chấp những lời kêu gọi liên tục về việc giảm leo thang bạo lực từ chính chúng tôi và cộng đồng quốc tế, tình hình tại Thánh Địa thân yêu của chúng ta vẫn tiếp tục xấu đi”.

“Hàng triệu người tị nạn vẫn phải di tản, nhà cửa của họ không thể tiếp cận, bị phá hủy hoặc không thể sửa chữa. Hàng trăm người vô tội đã bị giết hoặc bị thương nặng hàng tuần do các cuộc tấn công bừa bãi. Vô số người khác vẫn tiếp tục phải chịu đựng đói khát và bệnh truyền nhiễm. Trong số đó có những người đang mòn mỏi trong cảnh bị giam cầm ở mọi phía, những người còn phải đối mặt với nguy cơ bị ngược đãi từ những kẻ bắt giữ họ. Một số khác, ở xa chiến trường, đã phải chịu đựng những cuộc tấn công không kiểm soát vào các làng mạc, đồng cỏ và các vùng đất nông nghiệp của họ”, tuyên bố cho biết.

Những người ký tên lưu ý rằng trong suốt thời gian này, các cuộc đàm phán ngừng bắn đã kéo dài vô tận. “Các nhà lãnh đạo của các bên tham chiến dường như quan tâm nhiều hơn đến các cân nhắc chính trị thay vì chấm dứt việc theo đuổi sự chết chóc và hủy diệt”, các nhà lãnh đạo Giáo hội viết.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội tiếp tục lưu ý rằng “những sự trì hoãn liên tục này, cùng với các hành động khiêu khích khác, chỉ làm gia tăng căng thẳng đến mức chúng ta đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh khu vực toàn diện”.

Lời kêu gọi

Vì vậy, các nhà lãnh đạo Giáo hội nói, một lần nữa họ “khẩn cầu các nhà lãnh đạo của các bên tham chiến lắng nghe lời kêu gọi của chúng tôi và lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế (Nghị quyết 2735 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc) để nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngừng bắn dẫn đến việc chấm dứt chiến tranh, trả tự do cho tất cả những người bị bắt giữ, sự trở lại của những người phải tản cư, điều trị cho những người bị bệnh và bị thương, cứu trợ những người đói khát, và xây dựng lại tất cả các công trình dân sự công cộng và tư nhân đã bị phá hủy”.

Giải pháp hai nhà nước

Các Đức Thượng phụ và các nhà lãnh đạo Giáo hội cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị, “cùng với cộng đồng quốc tế, hãy tiến hành ngay các cuộc thảo luận ngoại giao để giải quyết những bất bình lâu dài giữa họ, dẫn đến các bước cụ thể thúc đẩy một nền hòa bình công bằng và lâu dài trong khu vực của chúng ta thông qua việc thông qua giải pháp hai nhà nước hợp pháp trên trường quốc tế”.

Sự bận tâm đối với cộng đồng Kitô giáo

Trong tuyên bố của mình, các Đức Thượng phụ và các nhà lãnh đạo Giáo hội không quên bày tỏ sự bận tâm đặc biệt đối với các cộng đồng Kitô giáo trong khu vực xung đột: “Những người này bao gồm những người đang tị nạn tại Gaza tại Nhà thờ Chính thống giáo St. Porphyrios và Nhà thờ Công giáo Thánh Gia, cũng như đội ngũ nhân viên dũng cảm của Bệnh viện Anh giáo al-Ahli và những bệnh nhân được họ chăm sóc”.

“Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục cầu nguyện và hỗ trợ họ ngay lúc này cũng như khi chiến tranh kết thúc, khi chúng ta cùng nhau nỗ lực tái thiết và củng cố sự hiện diện của Kitô giáo ở Gaza, cũng như trên khắp Thánh Địa”, các nhà lãnh đạo Giáo hội viết.

Phúc cho những ai xây dựng hòa bình

Cuối cùng, các Đức Thượng phụ và các nhà lãnh đạo Giáo hội đưa ra lời kêu gọi “gửi tới các Kitô hữu và tất cả những người thiện chí trên khắp thế giới hãy thúc đẩy một viễn cảnh về cuộc sống và hòa bình trên khắp khu vực đang bị chiến tranh tàn phá của chúng ta, nhắc lại lời của Chúa Giêsu Kitô: “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5:9).

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết