Các Giáo hội tại Scotland đang phản đối một dự luật mới được trình lên Quốc hội Holyrood nhằm hợp pháp hóa trợ tử cho người lớn mắc bệnh nan y và có năng lực tâm thần.
Quốc hội Scotland đang tham vấn về một dự luật gây tranh cãi mới nhằm hợp pháp hóa vấn đề trợ tử tại Scotland.
“Dự luật Trợ tử cho người lớn mắc bệnh nan y (Scotland)” do MSP Liam McArthur của Đảng Dân chủ Tự do soạn thảo và được công bố vào tháng 3 năm nay.
Nếu được Nghị viện Holyrood chấp thuận, Scotland sẽ là quốc gia đầu tiên của Vương quốc Anh cho phép những người mắc bệnh nan y được tiếp cận việc trợ tử.
Tham vấn trực tuyến công khai về Dự luật Trợ tử cho người lớn mắc bệnh nan y
Theo văn bản đề xuất, bệnh nhân chỉ có thể yêu cầu hỗ trợ y tế để kết thúc cuộc sống của mình nếu họ mắc bệnh nan y và được hai bác sĩ phán quyết là đủ sức khỏe về mặt tinh thần để đưa ra quyết định. Ngoài ra, bệnh nhân phải từ 16 tuổi trở lên, là cư dân của Scotland trong ít nhất 12 tháng và phải tự mình uống thuốc kết liễu cuộc đời.
Trước cuộc tranh luận, đầu tháng 6, Ủy ban Y tế của Quốc hội Scotland đã khởi động một cuộc tham vấn trực tuyến dự kiến kết thúc vào ngày 16 tháng 8 để tìm hiểu quan điểm của công chúng về vấn đề này.
Những người ủng hộ luật này cho rằng việc hợp pháp hóa trợ tử sẽ làm giảm bớt sự đau khổ. Những người phản đối, bao gồm Giáo hội Công giáo, Giáo hội Scotland và Hiệp hội Đền thờ Hồi giáo Scotland lo ngại rằng một số người mắc bệnh nan y có thể cảm thấy bị áp lực phải kết thúc cuộc sống của họ một cách vội vã.
Các Giám mục Công giáo: “Được kêu gọi để chăm sóc, chứ không phải để giết người”
Trong một lá thư mục vụ được ban hành vào tháng 3 năm nay với lời lẽ mạnh mẽ, các Giám mục Công giáo Scotland cho biết rằng việc cho phép “chúng ta giết chết anh chị em của mình sẽ đẩy chúng ta vào một vòng xoáy nguy hiểm luôn gây nguy hiểm cho những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta, bao gồm người già, người khuyết và những người đang phải vật lộn với sức khỏe tâm thần”.
Bức thư có tựa đề “Được kêu gọi để chăm sóc, chứ không phải để giết người”, mời gọi các tín hữu Công giáo liên hệ với các đại biểu MSP, kêu gọi họ hợp tác để cải thiện việc chăm sóc giảm nhẹ và từ chối đề xuất nguy hiểm nhằm hợp pháp hóa việc hỗ trợ tự tử, điều mà họ cho rằng “sẽ làm mất giá trị của sự sống và gây áp lực rất lớn khiến những người dễ bị tổn thương nhất phải kết thúc cuộc sống của họ một cách vội vàng”.
Hai dự luật trước đó đã bị bác bỏ
Đây là lần thứ ba Quốc hội Scotland xem xét vấn đề này.
Năm 2010, các đại biểu MSP đã bác bỏ Dự luật Hỗ trợ Cuối đời của Margo MacDonald với 85 phiếu thuận và 16 phiếu chống. Một dự luật khác về Trợ tử đã bị bác bỏ vào năm 2015 với 82 phiếu thuận và 36 phiếu chống.
Chính phủ Scotland cho biết các bộ trưởng và đại biểu MSP của Đảng Dân tộc Scotland sẽ không được hướng dẫn cách bỏ phiếu, vì đây là vấn đề lương tâm cá nhân. Bộ trưởng thứ nhất Humza Yousaf đã chỉ ra rằng ông có thể sẽ bỏ phiếu phản đối dự luật này.
Một số quốc gia đã hợp pháp hóa một số hình thức trợ tử. Bao gồm Thụy Sĩ, Úc, Canada, Tây Ban Nha, Colombia và 11 tiểu bang ở Hoa Kỳ, nơi nó được gọi là “cái chết có sự hỗ trợ của bác sĩ”.
Thiên Ân (theo Vatican News)