Các Giáo hội Phi châu: ĐTC Phanxicô thúc đẩy việc cổ võ việc cùng nhau tồn tại

OAIC đại diện cho 60 triệu thành viên của nhiều giáo phái Kitô giáo khác nhau

Hôm 23/6 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã khuyến khích các đại diện của Tổ chức các Giáo hội Châu Phi (OAIC) trong suốt buổi tiếp kiến chung tại Vatican.

OAIC đại diện cho 60 triệu thành viên của nhiều giáo phái Kitô giáo ở khu vực châu Phi cận Sahara.

“Một nhiệm vụ cụ thể của các Kitô hữu trong xã hội châu Phi đó chính là cổ võ việc cùng nhau tồn tại của các nhóm dân tộc, các truyền thống, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau, một nhiệm vụ vốn thường gặp những trở ngại do sự đối kháng lẫn nhau nghiêm trọng”, ĐTC Phanxicô nói. “Cũng vì lý do này, tôi muốn khuyến khích cuộc gặp gỡ lớn hơn cũng như việc đối thoại đại kết giữa chúng ta và với tất cả các Giáo hội khác. Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho tất cả chúng ta, để chúng ta có thể thành công trong việc khám phá ra cách thức tốt nhất nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa tất cả – các Kitô hữu, các tôn giáo truyền thống, và những người Hồi giáo – vì lợi ích của một tương lai tốt đẹp hơn cho châu Phi”.

Dưới đây là bài phát biểu của ĐTC Phanxicô:

SFO1668

Anh chị em thân mến,

Tôi nhiệt liệt chào đón tất cả anh chị em trong sự bình an của Chúa Kitô! Tôi rất vui mừng chào đón, lần đầu tiên, phái đoàn của Tổ chức các Giáo hội châu Phi. Cám ơn anh chị em vì chuyến viếng thăm này và cám ơn anh chị em vì tinh thần sẵn sàng tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Giáo hội Công giáo.

Các cộng đồng của anh chị em, với lịch sử tương đối ngắn ngủi của họ, đã được đánh dấu bởi cuộc đấu tranh giành độc lập trên lục địa châu Phi, và bởi những nỗ lực theo sau để định hình nên một xã hội công bằng và hòa bình, có khả năng bảo vệ phẩm giá con người của nhiều dân tộc châu Phi. Thật đáng buồn khi nói rằng, sự hứa hẹn về sự tiến bộ và công lý được chờ đợi trong quá trình giải phóng đó không phải lúc nào cũng được thỏa mãn; nhiều quốc gia hiện vẫn còn xa vời với vấn đề hòa bình và sự phát triển kinh tế, xã hội và chính trị tổng thể vốn có thể đảm bảo các điều kiện sống và cơ hội phù hợp cho tất cả mọi công dân của họ. Anh chị em nhận thức rõ về những thách thức mà Châu Phi nói chung hiện đang phải đối mặt, cũng như những thách thức mà các Giáo hội khác nhau phải thực hiện trong sứ mạng truyền giáo, hòa giải và trợ giúp nhân đạo của họ. Đặc biệt, anh chị em đã nhận thức về những thách thức to lớn trong việc cung cấp các cơ hội ổn định, giáo dục và việc làm cho những người trẻ, những người hình thành nên một phần quan trọng của xã hội châu Phi.

Châu Phi ngày nay đã được so sánh với người đàn ông đang trên đường từ Giêrusalem xuống Giê-ri-khô và rơi vào tay những tên cướp đã lột sạch anh ta, đánh anh ta nhừ tử và bỏ đi, để mặc anh ta nửa sống nửa chết nằm bên vệ đường (x. Lc 10, 30-37). Vấn đề cơ bản hiện chúng ta đang phải đối mặt đó là làm thế nào để Sứ điệp Kitô giáo trở thành tin vui cho người dân châu Phi. Như một phản ứng trước sự tuyệt vọng của những người nghèo, sự thất vọng của những người trẻ tuổi và tiếng kêu đau đớn của những người già và đau khổ, Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô được chuyển thành kinh nghiệm về hy vọng, hòa bình, sự vui mừng, sự hài hòa , tình yêu thương và tinh thần liên đới.

Nếu chúng ta thực sự tin rằng các vấn đề của châu Phi có thể được giải quyết dễ dàng hơn bằng cách dựa trên nguồn nhân lực, văn hóa và vật chất của lục địa, rõ ràng là nghĩa vụ người Kitô hữu của chúng ta đó là đồng hành cùng mọi nỗ lực để ủng hộ việc sử dụng khôn ngoan và đạo đức đối với những nguồn lực đó. Đặc biệt, điều được yêu cầu một cách cấp thiết đó là cam kết chung nhằm thúc đẩy các tiến trình hòa bình trong các khu vực xung đột khác nhau, cũng như những hình thức cụ thể của tinh thần liên đới đối với những người có nhu cầu. Đó chính là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo Giáo hội để giúp các cá nhân tập hợp sức mạnh của họ và đặt chúng vào việc phục vụ lợi ích chung trong khi bảo vệ phẩm giá con người, tự do và quyền của tất cả mọi người. Hơn bao giờ hết, tất cả các Kitô hữu cần học cách cùng cộng tác với nhau vì lợi ích chung. Mặc dù những bất đồng đáng kể có thể tồn tại giữa chúng ta về những vấn đề trong lĩnh vực thần học và giáo hội, có nhiều lãnh vực mà trong đó các nhà lãnh đạo và thành viên của các cộng đồng khác nhau trong đại gia đình Kitô giáo có thể đặt ra những mục tiêu chung và cùng cộng tác với nhau vì lợi ích của tất cả mọi người. Đặc biệt là đối với những anh chị em thiệt thòi nhất và dễ bị tổn thương nhất.

Các dân tộc châu Phi sở hữu tinh thần mộ đạo sâu sắc, một cảm thức về sự tồn tại của Đấng Sáng Tạo và một thế giới tâm linh, tầm quan trọng của gia đình, tình yêu đối với cuộc sống, con cái như là quà tặng của Thiên Chúa, sự tôn trọng đối với những người lớn tuổi, nhiệm vụ đối với người khác,… Liệu có phải những giá trị tôn giáo và những nguyên tắc về cuộc sống này không thuộc về tất cả chúng ta với tư cách là những Kitô hữu? Trên cơ sở đó, chúng ta hãy thể hiện tinh thần liên đới của chúng ta trong các mối quan hệ giữa các cá nhân và xã hội.

Một nhiệm vụ cụ thể của các Kitô hữu trong xã hội châu Phi đó chính là cổ võ việc cùng nhau tồn tại của các nhóm dân tộc, các truyền thống, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau, một nhiệm vụ vốn thường gặp những trở ngại do sự đối kháng lẫn nhau nghiêm trọng. Cũng vì lý do này, tôi muốn khuyến khích cuộc gặp gỡ lớn hơn cũng như việc đối thoại đại kết giữa chúng ta và với tất cả các Giáo hội khác. Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho tất cả chúng ta, để chúng ta có thể thành công trong việc khám phá ra cách thức tốt nhất nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa tất cả – các Kitô hữu, các tôn giáo truyền thống, và những người Hồi giáo – vì lợi ích của một tương lai tốt đẹp hơn cho châu Phi.

Anh chị em thân mến, một lần nữa tôi cảm ơn tất cả anh chị em vì chuyến viếng thăm này. Hy vọng rằng trong những ngày lưu lại tại Rome, thành phố tử đạo của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, sẽ giúp củng cố sự xác tín của anh chị em về ý chí vững chắc của Giáo hội Công giáo để thực hiện mọi thứ có thể, cùng với các đối tác đại kết, nhằm thúc đẩy Vương quốc của công lý, hòa bình và đầy tình huynh đệ mà Thiên Chúa mong muốn cho tất cả nhân loại. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em, cho gia đình và quê hương đất nước của anh chị em. Xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi, tôi rất cần những lời cầu nguyện của anh chị em. Xin cảm ơn tất cả mọi người!

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết