Các Giám mục Venezuela khẳng định sự gian lận trong các cuộc bầu cử quốc gia

Cuộc khủng hoảng ở Venezuela tiếp tục tăng sâu sau các cuộc bầu cử nhằm thành lập Hội đồng Lập hiến do Tổng thống Nicolás Maduro phát động. Theo cách thức đó, các Giám mục nước này, được sự hỗ trợ của Vatican, đã tiếp tục lên tiếng phát biểu chống lại những gian lận tiềm tàng trong các cuộc bầu cử và yêu cầu một giải pháp ngay tức thời.

Đức Giám mục José Luis Azuaje Ayala Địa phận Barinas, phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Venezuela, phát biểu với CNA rằng “chúng tôi rất quan ngại đến sự phức tạp của tình hình”, hơn hết là “do sự suy thoái luân lý vốn đã xuất hiện trong nước”.

Theo một cuộc điều tra quốc gia, có rất nhiều vụ giết hại đã xảy ra, số người chết là 121 người. Trong số này, 25% đã bị các cơ quan an ninh quốc gia giết hại và 40% do các nhóm dân thường có vũ trang đồng tình với chế độ này. Có hơn 1.500 người bị thương, với hàng ngàn người bị giam giữ, chỉ trong vòng hơn ba tháng, đã tạo ra cho chúng ta một hình ảnh khắc nghiệt khiến cho bất kì một cá nhân hoặc một tổ chức nào đều lo lắng về việc đời sống của người dân bị đe dọa”, Đức Cha Azuaje cho biết.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã cảnh báo chính phủ Venezuela về việc sử dụng vũ lực quá mức cần thiết chống lại những người biểu tình.

 Tình trạng hỗn loạn và bạo lực này kết hợp với sự thiếu hụt các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm và thuốc men, “vốn là kết quả của các chính sách tàn khốc của chính phủ, của việc muốn lập tức thành lập một xã hội chủ nghĩa mà không có sự hỗ trợ của vấn đề nhân đạo, và đồng thời tạo ra một cuộc xung đột vĩnh viễn gây ra bởi tình trạng tham nhũng và vấn đề bạo lực”, Đức Cha Azuaje cho biết. 

Đức Giám mục Azuaje khẳng định rằng tất cả các Giám mục của nước này “hy vọng rằng mọi tiến trình lịch sử đều có khởi đầu và kết thúc” và “những gì đã xảy ra cho chúng ta không phải là vĩnh cửu, nhưng nó sẽ bị hủy hoại theo thời gian”.

Các Giám mục hy vọng điều này mặc dù “mỗi ngày chúng ta cảm nhận sự đàn áp lớn hơn của chính phủ thông qua các cơ quan nhà nước khác nhau hoặc cảm nhận tương tự bởi nỗi sợ đối với các nhóm nhất định. Nó đang hình thành nên tình trạng hỗn loạn trong ý thức quốc gia; Nghĩa là chính phủ đã mất đi tính hợp pháp và thẩm quyền của mình”.

Hội động Lập hiến và các ràng buộc

Đức Cha Azuaje, cũng giống như cộng đồng quốc tế, đoan chắc có sự gian lận trong quá trình bầu cử liên quan đến các cuộc bầu cử Hội đồng Lập hiến Quốc gia. Tiến trình bầu cử, do Tổng thống Maduro khởi xướng, sẽ cải cách bản hiến pháp, mà các thành viên đối lập cho rằng sẽ cho phép Maduro nắm giữ quyền lực một cách vô thời hạn.

Hội đồng đã phế truất Tổng Chưởng lý Luisa Ortega Diaz, người đã lên án Toà án Tối cao về việc đã tước quyền của Quốc hội vào đầu năm nay.

Vào tuần trước, công ty Smartmatic, chịu trách nhiệm về hệ thống bầu cử điện tử cho cuộc bầu cử, đã xác nhận việc thao túng đối với các kết quả bầu cử. Đức Cha Azuaje cho biết rằng sự tiết lộ này “không làm chúng tôi ngạc nhiên”.

“Hôm Chúa nhật 30/7 vừa qua, chúng ta có thể tận mắt chứng kiến sự tham gia ít ỏi của người dân trong các cuộc bầu cử. Bằng cách này, một cuộc kiểm tra trực tiếp, không chính thức, nhưng dựa trên kinh nghiệm đã được thực hiện”, Đức Cha Azuaje giải thích. 

“Trước sáu giờ chiều, là thời điểm chính thức đóng cửa các bàn bỏ phiếu, họ đã cử một trong những giám sát viên của Hội đồng bầu cử Quốc gia để tuyên bố rằng có một số lượng lớn người tham gia bỏ phiếu hiện vẫn còn đứng xếp hàng dài để bỏ phiếu, và cuộc bỏ phiếu đã được kéo dài thêm một giờ nữa. Tôi nhìn vào ngôi trường gần bên Tòa Tổng Giám Mục, nơi có nhiều trạm bỏ phiếu và nó vắng tanh hầu như không một bong người. Họ cố gắng khiến cho mọi người dân tin rằng có rất nhiều cử tri có mặt vào thời điểm đó. Chẳng có gì có thể sai lầm hơn được nữa. Nó giống như một thông báo chính thức về sự gian lận này”.

Sau cuộc bầu cử, người ta cũng tiết lộ rằng “trước và trong quá trình bầu cử để bầu ra Hội đồng Lập hiến, nhiều người bị bắt buộc và bị đe doạ tham dự bỏ phiếu”, Đức Cha Azuaje cho biết. “Có những câu chuyện của những người là Công giáo, là những giáo dân thuộc các Giáo xứ của chúng tôi và hầu hết họ đều đi xưng tội như thể đó là một tội lỗi không thể tha thứ được. Họ cảm thấy như bị hạ thấp nhân cách bởi vì tự do của họ bị hạn chế, bởi vì họ đang bị đe dọa rằng họ sẽ mất việc làm hoặc những lợi ích nhận được từ các chương trình xã hội của chính phủ”.

Vấn đề đối thoại với Vatican

Đại diện của Hội đồng Giám mục cũng đã đề cập đến tiến trình đối thoại đã được Vatican tạo điều kiện diễn ra tại Venezuela giữa chính phủ và phe đối lập vào năm 2016.

Đức Cha Azuaje đã phản đối kết quả, theo quan điểm của ngài, là “một cuộc đối thoại giả tạo về phía chính phủ mà không có bất kì kết quả nào”.

 “Bất cứ khi nào chính phủ này gặp bất lợi, họ đã yêu cầu đối thoại, nhưng luôn luôn là cùng một kịch bản: đối thoại được sử dụng để trì hoãn thời gian và việc đề xướng trong dự án bá quyền của chủ nghĩa độc tài toàn trị và quyền lực thống trị”, Đức Cha Azuaje nhấn mạnh.

“Toà Thánh đã luôn luôn nhận thức được những gì đang xảy ra tại nước này. Cả ĐTC Phanxicô và Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Parolin, đều được báo cáo rõ về những vấn đề của đất nước. Các vị ấy luôn sẵn sàng hòa giải, và chúng tôi cảm ơn họ vì điều đó. Cuộc đối thoại thất bại từ tháng 10 cho đến tháng 12 đã chủ trương rằng những chính phủ như thế này cần có một điều gì đó hơn thiện chí”, Đức Cha Azuaje nói một cách dứt khoát. 

Đức Cha Azuaje cũng giải thích rằng Vatican “đã nhắc nhở chính phủ rằng phải quay trở lại bàn đàm phán, họ phải đáp ứng những gì đã được thoả thuận vào tháng 10 năm ngoái và đã được Đức Hồng y Parolin ghi nhận trong bức thư gửi cho Tổng thống Maduro vào ngày 1 tháng 12 năm 2016”.

Hiệp định này tuyên bố rằng chính phủ phải cam kết “thiết lập một lịch trình bầu cử, phóng thích các tù nhân chính trị, mở một kênh nhân đạo để cho phép thực phẩm và thuốc men vào nước này và đồng thời trao trả lại quyền lực cho Quốc hội”.

 Theo quan điểm của Đức Cha Azuaje, giải pháp thực sự liên quan đến “sự thay đổi tổng thể của chính phủ thông qua các cuộc tổng tuyển cử”, có lẽ bắt đầu với “một chính phủ quốc gia chuyển tiếp có thể có”. 

Tuy nhiên, Đức Cha Azuaje cũng lưu ý rằng “chúng ta không thể bỏ quên công lý” bởi vì “đã xảy ra nhiều tình trạng tham nhũng và bạo lực” và “những người chịu trách nhiệm về điều này không thể được bỏ qua nếu chưa được điều tra”.

Tuy nhiên, bất kể tình hình chính trị ở Venezuela kết thúc như thế nào, người Công giáo phải sống và phản ứng trước cuộc khủng hoảng mà đất nước phải đối mặt.

“Một người Công giáo trong các hoàn cảnh sống mà trong đó chúng ta phải trở thành những người luôn luôn cổ võ cho vấn đề công ích, tinh thần liên đới và công lý”, Đức Cha Azuaje nhấn mạnh. “Đây không phải là thời điểm của những sự trang hoàng vô ích, mà là của việc đi đến những điều thiết yếu, với những gì mang lại ý nghĩa cho cuộc sống”.

 “Chúng ta biết rằng không có điều gì trở nên dễ dàng khi dấn thân vì lợi ích của cộng đồng, nhưng người Kitô hữu có một sự xác tín nền tảng rằng quyền năng của Chúa Thánh Thần không chỉ thôi thúc chúng ta mà còn soi sáng chúng ta trong việc bước đi trên con đường hẹp. Nó tạo ra cho chúng ta những thách đố, nhưng đồng thời mang lại cho chúng ta sức mạnh của nó”, Đức Cha Azuaje nói.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng người Công giáo không thể cúi đầu trước các chính sách mang tính loại trừ, đó là chưa kể đến tình trạng tham nhũng vô độ tồn tại nơi đất nước này, cũng như việc giơ tay để tấn công phẩm giá của bất cứ một người nào”, Đức Cha Azuaje cho biết thêm.

“Một người Công giáo tận tụy cần phải đòi hỏi công lý và dấn thân cho người dân với sự quan tâm duy nhất đó là phát triển các tiến trình dẫn tới sự phát triển con người toàn diện hơn”, Đức Cha Azuaje kêu gọi.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết