Đức Tổng Giám Mục Diego Padrón, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Venezuela, sau cuộc gặp gỡ với ĐTC Phanxicô hôm thứ Năm vừa qua, cho biết rằng ĐTC Phanxicô đã bày tỏ ‘sự tin tưởng tuyệt đối’ vào các Giám mục.
Các Giám mục Venezuela cho biết sau cuộc gặp gỡ hôm thứ Năm vừa qua với ĐTC Phanxicô, ĐTC Phanxicô nói với họ rằng Ngài “tin tưởng tuyệt đối” nơi các Giám mục, dường như trở thành một phản ứng trực tiếp đối với những nỗ lực của Tổng thống xã hội chủ nghĩa Nicolas Maduro để đặt các Giám mục, những người đã chỉ trích gay gắt cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị của đất nước, đối lập với ĐTC Phanxicô.
“Ngài nhắn nhủ với chúng tôi rằng Ngài rất gần gũi với chúng tôi và Ngài nhận thức rất rõ về tình hình của Venezuela, cũng như rất gần gũi với sự đau khổ của người dân”, Đức Tổng Giám mục Diego Padrón – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Venezuela, phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp gỡ của nhóm các Giám mục với ĐTC Phanxicô.
“Và Ngài cũng nhắn nhủ với chúng tôi rằng Ngài hoàn toàn tin tưởng chúng tôi, và chúng tôi có được một sự hiệp thông sâu xa với Ngài cũng như Huấn Quyền của Ngài, vì vậy không có khoảng cách giữa ĐTC Phanxicô với HĐGM Venezuela”, Đức TGM Padrón cho biết thêm. Mặc dù có vẻ như rõ ràng đối với những nhà quan sát không thường xuyên, đây chính là một phản ứng trực tiếp đối với những người, kể cả Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, muốn đặt hai bên đối lập lẫn nhau.
Phiên họp của các Giám mục với ĐTC Phanxicô kéo dài hơn 30 phút và được kết hợp theo yêu cầu của các Giám mục.
Những nỗ lực nhằm đề khởi một sự chia rẽ giữa các Giám mục nước này và ĐTC Phanxicô đã trở nên phổ biến. Thậm chí hôm thứ Năm vừa qua, sau khi HĐGM Venezuela đăng tải dòng tweet về cuộc gặp gỡ với ĐTC Phanxicô, nhiều người đã truy cập vào các phương tiện truyền thông xã hội để buộc vị Giáo Hoàng người Argentina vì đã không làm gì hoặc đã thực sự ủng hộ chính phủ xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Maduro.
“Tôi tin rằng đó là một động thái tuyên truyền từ chính chính phủ, cho rằng ĐTC Phanxicô đứng về phía họ, và nếu như ĐTC Phanxicô đứng về phía họ, thì hẳn Ngài sẽ chống lại phe đối lập và xa lánh người dân”, Đức TGM Padrón nói.
Các Giám mục – Đức TGM Padrón tiếp tục – muốn “hoàn toàn phủ nhận quan điểm này, bởi vì chúng tôi tin rằng ĐTC Phanxicô dõi bước theo Tin Mừng, có nghĩa là Giáo huấn xã hội của Giáo Hội, và về cơ bản là Ngài sẽ đồng hành cùng với những người đau khổ nhất, những người đang thực sự cần được giúp đỡ nhất”.
Điều này – Đức TGM Padrón nói – có nghĩa là ĐTC Phanxicô ủng hộ tất cả những điều đã được thực hiện có lợi cho Venezuela và đứng về phía Hội đồng Giám mục.
Nói về cuộc gặp gỡ với ĐTC Phanxicô, Đức TGM Padrón đã xác định đó là một cuộc gặp gỡ “thân mật, đầy tình huynh đệ, và hết sức giản dị”. Các Giám mục có thể tự do trình bày những điều cần thiết phải nói, và ĐTC Phanxicô đã tạo ra một cuộc đối thoại với họ qua việc đặt ra nhiều câu hỏi.
“Chúng tôi đã nhắc lại sự hiệp thông trọn vẹn của mình với ĐTC Phanxicô, và Ngài cũng đã nhắc lại sự ủng hộ hoàn toàn của Ngài đối với chúng tôi”, Đức TGM Padrón nói.
Các vị Giám mục cũng đã đệ trình ĐTC Phanxicô hai văn thư. Trước hết là danh sách bao gồm 70 nạn nhân, phần lớn là thanh niên, đã bị sát hại trong các cuộc đàn áp đàn áp của chính quyền trong bối cảnh của các cuộc biểu tình xảy ra trên các đường phố của Caracas và nhiều thành phố khác tại Venezuela. Thứ hai là tài liệu chi tiết về những điều mà HĐGM Venezuela đã thực hiện cho đến nay.
Các Giám mục, tổng cộng sáu người, cũng đã được tiếp đón bởi ĐHY Pietro Parolin – Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người mà cho đến khi được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm vào công việc hiện tại tại Vatican, đã giữ vai trò là đại diện của Giáo Hoàng tại Venezuela. Các Giám mục đã dùng bữa trưa với ĐHY Parolin, và sau đó đã gặp gỡ các quan chức của tổ chức Caritas Quốc tế, một cánh tay trong công tác từ thiện của Vatican.
Đức TGM Padrón đã phát biểu với các nhà báo bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý bên ngoài văn phòng Caritas tại Palazzo San Calisto, một trong những tài sản nằm ngoài lãnh thổ của Vatican, nằm trong khu phố Trastevere nổi tiếng của Rome.
“Chính phủ có một mong mỏi, một ý định, một lối thoát của việc cai trị những người dân dễ bảo, chỉ luôn câm nín và không được phản đối”, Đức TGM Padrón cho biết. Cách thức để bảo đảm điều này – Đức TGM Padrón tiếp tục – là nhờ có một dân tộc “không có thức ăn, không có thuốc men, một dân tộc luôn bận rộn trong việc tìm kiếm các giải pháp cho những vấn đề hàng ngày của mình.
“Một dân tộc luôn luôn bận rộn, một dân tộc đầy đau khổ, một dân tộc đau yếu, đồng nghĩa với việc họ chẳng có ý định nổi dậy chống lại bất cứ ai cả”, Đức TGM Padrón nói.
Người dân Venezuela đang phản đối rất nhiều thứ, nhưng cuối cùng, khi mọi thứ đã vượt quá giới hạn chịu đựng của nhiều người dân khi vào cuối tháng Ba, Tổng thống Maduro tuyên bố ông đang kêu gọi một hội đồng lập hiến và thu hồi quyền lực của Quốc hội, đang nằm trong tay phe đối lập kể từ năm 2015.
Các Giám mục, cùng với Vatican, từ lâu đã kêu gọi đưa ra một giải pháp dựa trên đối thoại cho cuộc khủng hoảng, nhưng các điều kiện cho cuộc đối thoại đã trở nên rõ ràng ngay từ đầu. Hôm thứ Năm vừa qua, Đức TGM Padrón đã nói về một “Đại Hiến Chương”, đề cập đến lá thư của ĐHY Parolin gửi cho cả chính phủ và phe đối lập vào hồi tháng 12 năm ngoái. ĐHY Parolin đã nêu chi tiết bốn yếu tố cần thiết để việc đối thoại có thể xảy ra.
Đức TGM Padrón đã liệt kê những yếu tố đó, gần như thể ngài nhắc lại một công văn chính thức: “Chúng ta cần một hành lang nhân đạo, chúng ta cần việc thừa nhận Quốc hội, phóng thích các tù nhân chính trị, và bắt đầu lại lịch trình của các cuộc bầu cử”.
Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ đã từ chối không đưa ra bất kỳ một trong những vấn đề này, Đức TGM Padrón nói, hiện nay “không có khả năng đối với đối thoại”.
Các cuộc bầu cử các thống đốc đã được kêu gọi vào năm ngoái, nhưng khi Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino phát biểu với Crux trước cuộc gặp gỡ với ĐTC Phanxicô, Tổng thống Maduro đã từ chối các cuộc bầu cử này vì đảng của ông có thể sẽ bị đánh bại.
Các Giám mục tin rằng ĐTC Phanxicô có những mối liên hệ và lập trường luân lý để kêu gọi các chính phủ và người dân trên khắp thế giới, vốn có thể giúp ích cho Venezuela.
Đức TGM Padrón không chắc chính phủ có bất kì chủ ý nào để lắng nghe ĐTC Phanxicô hay không, nhưng “có một tình huống rất khách quan, và đó là khi các quốc gia, các chính phủ và người dân trên thế giới nói về một tình huống, họ có quyền lực để thay đổi nó”.
Giải pháp cho Venezuela – Đức TGM Padrón nói – đó là chính phủ phải thừa nhận rằng các chính sách của họ là hoàn toàn sai lầm, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trước hết – Đức TGM Padrón nói – Venezuela cần được cung cấp lương thực và thuốc men. Hiện nay, những sản phẩm cơ bản này được các Giám mục và các tổ chức từ thiện chẳng hạn như Caritas đưa vào đất nước thông qua những kiện hành lý được gửi tới Hội đồng Giám mục, và từ những nơi mà chúng được chuyển tới các bệnh viện cũng như những người có nhu cầu.
Các báo cáo gần đây cho thấy rằng người dân Venezuela đã sụt giảm trung bình 17 pound vào năm ngoái do tình trạng thiếu lương thực và suy dinh dưỡng kéo dài.
Một báo cáo mới đây của Caritas cho thấy hơn 11% trẻ em dưới 5 tuổi đang bị suy dinh dưỡng cấp tính hoặc nặng, một điểm cao hơn ngưỡng suy dinh dưỡng trẻ em do Tổ chức Y tế Thế giới quy định. Ở một số nơi, con số này chiếm 13% đối với dân số nói chung, và 48% đối với trẻ em dưới 5 tuổi.
Loại thứ hai là đáng lo ngại nhất bởi vì nó diễn ra trong thời thơ ấu vốn não đang trong quá trình phát triển, và nếu như không có chế độ dinh dưỡng thích hợp, người đó sẽ phải chịu việc chậm phát triển và chậm trễ về mặt nhận thức.
Hai tuần trước, chính phủ đã ưng thuận việc Giáo hội có thể tiếp nhận sự trợ giúp của nước ngoài, nhưng quá trình này rất khó khăn, hầu như là không thể. Về mặt lý thuyết, “chúng tôi được sự cho phép, nhưng khi chúng tôi cố gắng giải quyết các vấn đề, chúng tôi đã nhận thấy những khó khăn khiến cho mọi thứ không thể diễn ra”.
“Chúng tôi không thể tin tưởng vào những lời nói của chính phủ”, Đức TGM Padrón nói.
Minh Tuệ chuyển ngữ