Các Giám mục Trung Mỹ bày tỏ sự ủng hộ đối với ĐTC Phanxicô về Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Amazon

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tham dự một bữa tiệc của Thánh Phanxicô Assisi, vị thánh bảo trợ của hệ sinh thái, tại Vatican, Thứ Sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2019. (Tín dụng: AP Photo / Alessandra Tarantino.)

ĐTC Phanxicô tham dự Lễ Thánh Phanxicô Assisi, Quan Thầy của hệ sinh thái, tại Vatican, Thứ Sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2019 (Ảnh: AP/ Alessandra Tarantino)

KEY WEST, Florida – Khi kết thúc hội nghị thường niên của mình, các giám mục Trung Mỹ đã lên tiếng bảo vệ Đức Thánh Cha Phanxicô trong bối cảnh của những điều mà họ nói là sai lầm và những sự công kích thù địch sau Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Amazon vào tháng 10.

Họ cũng ủng hộ việc chăm sóc tốt hơn đối với những người di cư và những người tị nạn, đồng thời chỉ trích luật nhập cư mới được thông qua bởi chính phủ Mexico chịu ảnh hưởng của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người đã yêu cầu các chính sách chống nhập cư khắc nghiệt.

Trong tuyên bố của họ, được ký ngày 28 tháng 11, các Giám mục đã ngỏ lời cảm ơn ĐTC Phanxicô về Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Amazon, đồng thời gọi đó là “một sự kiện Giáo hội thu hút sự chú ý của thế giới vào khu vực rộng lớn này, vốn đã cần một nỗ lực truyền giáo và sức mạnh to lớn để có thể thực hiện những sự đòi hỏi của một hệ sinh thái toàn diện”.

Đề cập đến các cộng đồng bản địa sinh sống tại Amazon, các Giám mục khẳng định rằng “họ có quyền được đón nhận lời loan báo về Chúa Giêsu Kitô và Vương quốc của Người bằng những đường hướng mới”.

Do sự chú ý dành cho những cộng đồng này và những đường hướng mới đối với công việc truyền giáo của họ, cho nên “không có gì đáng ngạc nhiên khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở thành một đối tượng của các cuộc công kích hiểm độc và xúc phạm, bị quấy rầy bởi những lời lẽ dối trá và trơ tráo”, các giám  mục cho biết.

Được đưa ra vào cuối hội nghị từ ngày 25-29 tháng 11 bởi Ban Thư ký Hội đồng Giám mục Trung Mỹ và Panama (SEDAC) tại Heredia, Costa Rica, việc thể hiện sự công khai đáng chú ý về sự liên đới với Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đưa ra sau những chỉ trích gay gắt mà Ngài nhận được theo sau Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Amazon từ ngày 6-27 tháng 10.

Trong suốt Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị nhiều người Công giáo bảo thủ cáo buộc vì đã thúc đẩy việc thờ ngẫu tượng, đặc biệt là vụ “Pachamama”.

Bức tượng một người phụ nữ bản địa mang thai diễn tả Mẹ Trái đất, tượng “Pachamama” được các cộng đồng bản địa ở Andes và một số khu vực khác tại Amazon tôn kính. Trong Thượng Hội đồng, thuật ngữ này được sử dụng để chỉ những bức tượng nhỏ về  hình ảnh một người phụ nữ mang thai khỏa thân xuất hiện trong một buổi cầu nguyện bản địa hôm 4 tháng 10 tại các khu vườn của Vatican có sự tham dự của ĐTC Phanxicô và sau đó được trưng bày tại Nhà thờ Santa Maria tại Traspontina gần Vatican.

Ngay từ đầu, những người Công giáo truyền thống và bảo thủ đã lập luận rằng các biểu tượng đã dẫn đến hành động tôn thờ hình tượng ngoại giáo, trong khi những người ủng hộ ĐTC Phanxicô khẳng định rằng các bức tượng chung quy có ý nghĩa là một đức tin đã được hội nhập văn hóa, sử dụng các biểu tượng địa phương để phản ánh các thực tại Tin Mừng.

Vào ngày 21 tháng 10, các bức tượng đã bị đánh cắp từ Nhà thờ Santa Maria tại Traspontina và bị ném xuống sông Tiber. Các bức tượng sau đó đã được cảnh sát Ý thu hồi và ĐTC Phanxicô đã đưa ra lời xin lỗi công khai về hành vi trộm cắp của họ, tuy nhiên, những bài bút chiến mà tình huống này tạo ra hiện vẫn chưa đến hồi kết thúc.

Trong tuyên bố của mình, được công bố vào ngày 28 tháng 11, các giám mục đã gửi đến ĐTC Phanxicô “một biểu hiện ấm áp của sự liên đới của chúng con và chúng con hứa sẽ luôn cầu nguyện để Chúa Thánh Thần soi sáng và giúp sức cho Đức Thánh Cha trong chức vụ của Ngài”.

Các Giám mục cũng đã trình bày một số mối bận tâm cấp bách đối với Giáo hội Công giáo tại Trung Mỹ, chẳng hạn như việc bảo vệ trẻ vị thành niên và các cuộc xung đột khác nhau gây ra sự bất ổn cho lục địa Mỹ Latinh.

“Chúng tôi nhận thấy rằng lục địa của chúng ta hiện đang trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng. Nhiều quốc gia tại Mỹ Latinh đang trải qua những tình huống bi kịch và khốn khổ bùng phát bởi bạo lực và các hình thức không khoan dung khác nhau”, các giám mục nói, và đồng thời cũng đặc biệt đề cập đến tình hình hiện đang ngày càng trở nên xấu đi ở Nicaragua. Các giám mục cũng cho biết rằng họ đang “cực kỳ lo lắng” về tình trạng bạo lực đang diễn ra ở quốc gia này.

Các giám mục cũng đã đề cập đến vấn đề di cư bắt buộc như là một thách thức lớn cần được giải quyết, đồng thời cũng lưu ý rằng hiện tại có hàng trăm người di cư bị mắc kẹt ở biên giới Mexico-Guatemala không thể vào Mexico do một bộ luật di trú mới hết sức nghiêm ngặt.

“Chúng tôi than phiền về thái độ của chính phủ Mexico, vốn đã thay đổi chính sách mở cửa thành chính sách chống người di cư, chống người tị nạn như chính phủ Bắc Mỹ hiện tại”, các giám mục nói, đồng thời chỉ trích điều mà họ cho biết là “không tôn trọng nguyên tắc của Luật không gửi trả (tiếng Anh: Non-refoulement) trong trường hợp người xin tị nạn đã trốn khỏi đất nước của họ”.

Phần lớn là do áp lực từ chính phủ Hoa Kỳ về vấn đề nhập cư, Mexico đã điều chỉnh chính sách của mình về vấn đề này, chuyển từ cách tiếp cận hứa hẹn giúp đỡ những người di cư chuyển sang một hành động quân sự đe dọa đối với những người vi phạm.

Khi Trump, vào hồi tháng Năm, đã đe dọa làm tê liệt thuế quan đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mexico, chính phủ nước này đã tăng cường nỗ lực nhằm ngăn cản những người di cư, thường chạy trốn bạo lực và nghèo đói, khỏi việc vượt biên. Đội Vệ binh Quốc gia mới đã được triển khai để giám sát các trạm kiểm soát đường cao tốc trên các tuyến đường di cư phổ biến và các công ty xe buýt được thông báo không bán vé cho những hành khách không có giấy tờ.

Cho đến nay, hơn 40.000 người di cư đang xin tị nạn ở Hoa Kỳ đã được gửi trả lại Mexico để chờ đợi quá trình thủ tục giấy tờ được tiến hành. Trong khi đó, tờ ‘Associated Press’ báo cáo rằng các văn phòng chính phủ tại cơ quan di trú Mexico đã được đưa ra hạn ngạch đối với số lượng những người di cư bị giam giữ mà họ bắt buộc phải thực hiện.

Sự thay đổi trong chính sách của Mexico đã làm dấy lên nỗi sợ hãi nơi một số người rằng những luật lệ nghiêm ngặt hơn sẽ dẫn đến số lượng ngày càng gia tăng của những người di cư bị mắc kẹt ở các thành phố biên giới đầy nguy hiểm, có nghĩa là họ có thể dễ dàng trở thành con mồi của những kẻ buôn lậu và chọn cách trả tiền cho những kẻ buôn lậu để được đưa qua biên giới một cách bất hợp pháp.

“Trước tình hình này, chúng tôi phải khẳng định lại một cách dứt khoát rằng những người di cư và những người tị nạn cũng chính là những người anh chị em của chúng ta xứng đáng được giúp đỡ, bởi vì họ có quyền được tôn trọng, được chăm sóc bảo vệ và được an toàn”, các giám mục nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng họ sẽ tiếp tục bảo vệ và cung cấp đối với những nhu cầu cơ bản của những người di cư.

Các Giám mục kêu gọi tất cả mọi tín hữu Công giáo “cần phải vượt qua sự cám dỗ của sự thờ ơ, phân biệt đối xử và chủ nghĩa bài ngoại. Mỗi người di cư đều là anh chị em của chúng ta”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết