ROME – Các vị Giám chức đến từ khắp nơi trên thế giới cùng nhau quy tụ tại Rome tham dự Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng này cho biết những người trẻ tuổi có thể trở thành những tác nhân của sự thay đổi tích cực và có thể giúp chữa lành những vết thương của Giáo hội với tinh thần nhiệt thành của họ đối với đức tin.
Trong tài liệu chung kết của họ cho Thượng Hội đồng Giám mục từ ngày 3-28 tháng 10, dành riêng cho Giới trẻ, Đức tin và việc Phân biệt Ơn gọi, các tham dự viên cho biết rằng những người trẻ tuổi phải là nhân vật chính trong Giáo Hội và trở thành những nhà lãnh đạo Giáo hội, “chúng ta không chỉ muốn làm một điều gì đó ‘cho họ’, nhưng còn là sống trong sự hiệp thông ‘với họ’”.
Sự tham gia của những người trẻ tuổi “không phải là không bắt buộc” mà là “một yếu tố không thể thiếu trong đời sống của mọi cộng đồng”, tài liệu nhấn mạnh, đồng thời cũng cho biết thêm rằng những mệt mỏi khó nhọc và mong manh dễ vỡ của giới trẻ “giúp chúng ta trở nên tốt hơn”.
“Những chất vấn của họ thách thức chúng ta, những nghi ngờ của họ thách thức chúng ta về phẩm cách đức tin của chúng ta. Thậm chí ngay cả những lời chỉ trích của họ là hết sức cần thiết, bởi vì hiếm khi thông qua những vấn đề này, chúng ta lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng đề nghị chúng ta cải hóa tâm hồn và đổi mới các cấu trúc”, tài liệu cho biết.
Nhiều người trẻ đã rời bỏ Giáo hội “vì họ không tìm thấy sự thánh thiện, mà là sự tầm thường, sự kiêu căng ngạo mạn, sự chia rẽ cungxn hư sự đồi bại”, văn bản tiếp tục, và đồng thời than phiền về thực tế rằng thế giới đã bị “tổn thương” bởi những hành vi lạm dụng gây ra bởi một số nhân tố nhất định trong Giáo hội, “thay vì được truyền sức sống bởi sự thánh thiện của các thành viên”.
Do điều này, tài liệu cho biết rằng Giáo hội “cần phải thực hiện một sự thay đổi quan điểm triệt để, tức thì và mang tính quyết định! Những người trẻ cần những con người thánh thiện để hình thành nên những con người thánh thiện khác”.
“Hương thơm của sự thánh thiện được tạo ra bởi cuộc sống tốt đẹp của rất nhiều bạn trẻ có thể chữa lành những vết thương của Giáo Hội và thế giới, đưa chúng ta trở lại với tình yêu trọn vẹn mà chúng ta luôn được mời gọi: những người trẻ thánh thiện thúc đẩy chúng ta trở lại với tình yêu đầu tiên của chúng ta”.
Với việc bế mạc các cuộc thảo luận kéo dài một tháng, tài liệu dài 56 trang theo cùng một cách thức “xem xét, đánh giá, hành động” như tài liệu ban đầu, Instrumentum Laboris, hoặc tài liệu làm việc, nhưng chỉ dài bằng một nửa so với tài liệu này.
Được phát hành sau khi kết thúc phiên họp hôm 27/10, tài liệu đụng chạm đến nhiều vấn đề, bao gồm các chủ đề gây tranh cãi chẳng hạn như cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục, phụ nữ và đồng tính luyến ái, cũng như những lợi ích và thách thức của công nghệ, các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tính dục và sự cần thiết cần phải lắng nghe và cùng đồng hành với những người trẻ tuổi.
Các câu hỏi về vấn đề tính dục
Với những câu hỏi về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tính dục trong số những vấn đề cấp thiết nhất trong cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng này, tài liệu chung kết đưa ra một cái nhìn toàn diện về Giáo huấn của Giáo hội về vấn đề tính dục cũng như những thách thức của việc sống Giáo huấn đó.
Sự tiến bộ trong khoa học và công nghệ y sinh “ảnh hưởng mạnh mẽ đến mối quan hệ mà cả những người trưởng và những người trẻ đều có với cơ thể, dẫn đến sự nhận thức rằng nó có thể thay đổi được mà không có giới hạn”, tài liệu cho biết.
Tình dục bừa bãi, “du lịch tình dục” và “sự tôn thờ thái quá đối với khía cạnh thể chất” của con người chính là tất cả những biến tướng của vấn đề tính dục mà Thiên Chúa đã định sẵn, tài liệu cho biết. Thêm vào đó là những thách thức mới trong thế giới kỹ thuật số, chẳng hạn như ‘sự lây lan’ rộng khắp của những nội dung khiêu dâm trực tuyến và việc phô bày cơ thể của một người trên internet.
Đáp lại, các tham dự viên tham dự Thượng Hội đồng cho biết rằng Giáo huấn lâu đời của Giáo Hội về sự khiết tịnh ngoài hôn nhân “cần phải được lưu ý, cho thấy sự liên quan của nó trong các hoàn cảnh sống khác nhau, mà không có thái độ phán xét”.
Tài liệu lưu ý rằng nhiều người tìm thấy Giáo huấn của Giáo Hội về sự khiết tịnh là khó hiểu, và tự nhận thấy một khoảng cách nào đó với Giáo Hội bởi vì giáo huấn luân lý của Giáo hội về vấn đề tính dục, tin rằng nó là một sự khắc nghiệt và một sự xét đoán. Những vấn đề lớn, tài liệu cho biết, đó chính là sự khác biệt giữa “bản sắc nam tính và nữ tính, sự tương hỗ giữa nam giới và phụ nữ, và vấn đề đồng tính luyến ái”.
Công nghệ
Một chủ đề chính trong cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng đó chính là sự phát triển của thế giới số, với nhiều vị Giám mục nổi bật với cử chỉ tiêu cực hơn trong khi những người khác chụp ảnh selfies với ĐTC Phanxicô mà họ chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội.
Tài liệu chung kết ghi nhận tác động của công nghệ đối với “khái niệm về thời gian và không gian, về nhận thức về bản thân, về người khác và của thế giới”.
Thay đổi cách thức thế giới giao tiếp, tài liệu cho biết, công nghệ cung cấp một cách tiếp cận đối với thực tế vốn “có xu hướng ưu tiên hình ảnh hơn là việc nghe, và việc đọc đang thay đổi cách thức học hỏi và sự phát triển những phán đoán quan trọng”.
Về mặt tích cực, tài liệu cho biết truyền thông xã hội có thể trở thành một “cơ hội phi thường” cho việc đối thoại, gặp gỡ, trao đổi ý tưởng và việc tiếp cận thông tin. Thế giới kỹ thuật số cũng có thể dẫn đến việc tham gia chính trị – xã hội lớn hơn và “quyền công dân tích cực”, và đồng thời, nó cũng có thể giúp bảo vệ những người dễ bị tổn thương bằng cách tiết lộ những vụ vi phạm quyền của họ.
Tuy nhiên, mặt khác, tài liệu cũng lưu ý rằng các nền tảng kỹ thuật số thường có thể bị cô lập, trở thành những nơi “cô quạnh, thao túng, khai thác và bạo lực”, chẳng hạn như cái gọi là “web đen”.
Vấn nạn đe dọa trực tuyến cũng được gọi như là một hình thức bạo lực mới gây hại cho mọi người trên khắp thế giới cũng như những rủi ro khác được kể đến như tình trạng cờ bạc, những nội dung khiêu dâm và lạm dụng tình dục trực tuyến.
Sự gia tăng sự lan truyền của “những tin tức giả mạo”, dễ dàng lan truyền qua các nền tảng trực tuyến, “đã tạo ra một nền văn hóa vốn đánh mất đi ý nghĩa về chân lý và đồng thời bẻ cong chân lý thành những quyền lợi đặc biệt”, tài liệu nhấn mạnh, đồng thời cũng cho biết thêm rằng danh tiếng của mọi người cũng sẽ bị đe dọa thông qua hành động giám sát trực tuyến, kể cả các vị Mục tử của Giáo Hội.
Di dân và những vấn đề khác
Một chủ đề thảo luận quan trọng khác xuyên suốt Thượng Hội đồng đó chính là vấn đề di dân, mà tài liệu cho biết đó chính là “một hiện tượng mang tính cấu trúc, chứ không phải là trường hợp khẩn cấp tạm thời”, đặc biệt là với số lượng lớn những người trẻ di cư.
Sự chú ý đặc biệt cần phải được dành cho những người đã bị buộc phải rời bỏ quê hương xứ sở của họ do “những mâu thuẫn và bất công của thế giới chúng ta”, chẳng hạn như vấn đề bạo lực, chiến tranh, đàn áp chính trị hay tôn giáo, tình trạng nghèo đói cùng cực hoặc thiên tai.
Những người khác chọn việc di cư bởi vì họ bị thu hút bởi văn hóa phương Tây, đôi khi chứa đựng những “kỳ vọng phi thực tế khiến họ thất vọng nặng nề”, tài liệu cho biết.
Đề cập đến những rủi ro mà những người di cư thường phải đối mặt trong suốt cuộc hành trình của họ, bao gồm việc buôn bán ma túy, vũ khí, bạo lực và các vụ lạm dụng về thể chất và tâm lý, tài liệu đã thu hút sự chú ý đặc biệt đối với hoàn cảnh của những đứa trẻ vị thành niên không có thân nhân đi cùng và những người bị buộc phải trải qua ‘nhiều năm’ ở các trại tị nạn hoặc các quốc gia quá cảnh, “mà không được tiếp tục việc học hành và thể hiện những tài năng của mình”.
Sự chú ý cũng đã được đưa ra đối với những thái độ “bài ngoại” đối với những người di cư ở một số quốc gia phát triển, mà tâm lý thường có thể trở thành một thái độ “khép kín và rút lui vào chính mình”, thay vì phản ứng với thái độ chào đón và sẵn sàng đối thoại.
Một vấn đề khác cũng đã được nhấn mạnh trong tài liệu đó chính là sự cần thiết để bảo vệ những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người sống trong những hoàn cảnh nghèo khổ hoặc bị bách hại.
Sự chú ý đặc biệt cũng đã được thực hiện đối với “những đóng góp quý giá” của những người trẻ tuổi sống chung với những người khuyết tật hoặc những hạn chế khác như đau yếu bệnh tật. Các tham dự viên đã thúc giục những sáng kiến vốn công nhận những cá nhân khuyết tật và đồng thời “cho phép họ trở thành những nhân vật chính: từ việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cho những người khiếm thính, những chỉ dẫn về mặt Giáo lý được thiết kế phù hợp cũng như những hình thức liên kết với các vị trí công việc khác”.
Tài liệu cũng đã lên án “sự lây lan của bệnh dịch phá thai” cũng như sự gia tăng của việc sử dụng ma túy và tình trạng cờ bạc giữa những người trẻ tuổi và những thanh thiếu niên phải vật lộn với tình trạng nghèo đói hoặc phải sống trong những điều kiện bất lợi trong xã hội.
Một số khuyến nghị
Đến một lúc nào đó, tài liệu chung kết cho thấy rằng những người trẻ phải thực hiện “tinh thần đồng trách nhiệm” trong các Giáo hội địa phương của họ, cũng như trong các Hội đồng Giám mục và Giáo Hội toàn cầu.
Một đề nghị đã được đưa ra nhằm tăng cường vị thế của những người trẻ trong Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sựsống, với đề xuất tạo ra một cơ quan đại diện cho những người trẻ ở cấp độ quốc tế. Các Hội đồng Giám mục quốc gia cũng đã được đề nghị để đưa ra một “sự chỉ dẫn mục vụ về giới trẻ” để giúp đào tạo những người chịu trách nhiệm đối với công tác mục vụ giới trẻ, với một sự nhấn mạnh đặc biệt về việc phân biệt ơn gọi.
Cuối cùng, một đề xuất đã được đưa ra đối với “một sự đổi mới sáng tạo và linh hoạt” của các tổ chức và trung tâm đào tạo cho việc truyền giáo hướng đến giới trẻ có khả năng trở thành những nơi của sự gặp gỡ trong cuộc sống hàng ngày.
Minh Tuệ chuyển ngữ