Các Giám mục tái cam kết để đối phó với những thách đố của Châu Phi

Cuộc họp toàn lục địa lần thứ hai của các Giám mục châu Phi – Chủ tịch Hội đồng Giám mục châu Phi và Chủ tịch Caritas tại Châu Phi đã bế mạc gần đây tại Dakar, Senegal đã được các Giám mục mô tả như là việc bao gồm các phiên họp nghiêm trọng nhằm tìm kiếm các chiến lược liên quan được đưa ra để đáp ứng các nhu cầu mục vụ cũng như các nhu cầu xã hội của Giáo Hội tại Phi Châu. Các Giám mục cho biết họ đánh giá cao những giây phút của việc suy tư, cử hành phụng vụ, và thậm chí là các sự kiện văn hoá trong ba ngày diễn ra Hội nghị.

Trong thông điệp và tuyên bố cuối cùng của mình, các Giám mục đã bày tỏ sự liên đới với sứ điệp gần đây của ĐTC Phanxicô rằng châu Phi không phải là một vùng đất để bị khai khẩn hay lợi dụng mà là một người bằng hữu để được yêu thương.

“Chúng tôi lấy ý tưởng của ĐTC Phanxicô trong cuộc phỏng vấn trên chuyến bay từ Colombia trở về Rome vào ngày 10 tháng 9 năm 2017, trong đó, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng Phi Châu không phải là vùng đất để bị khai khẩn hay lợi dụng mà là một người bằng hữu được yêu thương, để giúp đỡ phát triển. Chúng tôi rất cảm kích các tổ chức của Giáo hội huynh đệ đã cùng đồng hành với chúng tôi và đồng thời nhắc lại mong muốn để cùng đồng hành với họ trong niềm hy vọng Kitô giáo, trong tinh thần hiệp thông huynh đệ, trong sự hỗ trợ và củng cố lẫn nhau mà không thay thế lẫn nhau để phục vụ những người thiệt thòi nhất là các anh chị em của chúng ta, để chúng ta rao giảng Tin Mừng cho họ”, tuyên bố của các Giám mục nói.

RV28474_ArticoloCác Giám mục nhắc lại sự xác tín của họ rằng chỉ có người nghèo mới có thể thực sự tự phát triển. Các Giám mục đã chỉ trích một số các nhà lãnh đạo châu Phi đã đồng lõa với các cường quốc nước ngoài để rồi phải trả giá bằng chính người dân của họ. Các vị đã công khai chỉ trích mạnh mẽ việc quản lý yếu kém cũng như nền chính trị sai lệch, vốn đã làm dấy lên những ngọn lửa của sự chia rẽ sắc tộc và tôn giáo trên lục địa. 

“Tâm hồn của chúng ta như đang rỉ máu khi nhận thấy rằng nỗi khốn khổ của người dân chúng ta thường được gây ra bởi một số nhà lãnh đạo của chúng ta, cùng cộng tác với các cường quốc nước ngoài, trong khi lẽ ra họ phải chống lại đói nghèo và phải dập tắt nó. Cuối cùng, họ buộc chúng ta phải hành động như những nhân viên chữa cháy đối với những lò lửa của những căng thẳng mà họ đã gây ra, vì thế, họ đã đẩy những người trẻ của chúng ta phải lâm cảnh lưu vong hoặc biến họ trở thành những chiến binh của chủ nghĩa cực đoan chính trị hay tôn giáo”, các Giám mục nói.

Cuộc họp của các Giám mục Phi Châu từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 9 tại Dakar, Senegal đã quy tụ các Hồng y, các Tổng Giám mục, các Giám mục, các đối tác quốc tế cũng như các nhân viên quốc gia đến từ nhiều văn phòng Caritas Châu Phi khác nhau dưới sự bảo trợ của tổ chức Caritas Quốc tế. Tất cả có 43 quốc gia đã được đại diện khiến cho hội nghị này trở thành một cuộc quy tụ của hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế.

Đức Tổng Giám mục Địa phận Manila và đồng thời là Chủ tịch Caritas Quốc tế, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle đã khai mạc Hội nghị, trong khi Đức Hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển con người Toàn diện đã bế mạc hội nghị. Tham dự hội nghị có Chủ tịch Caritas Châu Phi, Đức TGM Gabriel Anokye của Ghana. 

Trong Thánh lễ khai mạc hội nghị, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle đã chia sẻ về tính chất liên kết của toàn thể nhân loại. 

“Chúng ta là một cộng đồng nhân loại. Điều gì xảy ra ở một phần của thế giới đều ảnh hưởng đến những khu vực còn lại …  Chúng ta ảnh hưởng lẫn nhau. Hãy thử tưởng tượng sức mạnh của việc cầu nguyện cho nhau!”, ĐHY Tagle nói. 

Đức Hồng y Tagle đã mời gọi toàn thể hội nghị cầu nguyện cho những người Rohingya cũng như chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tới Myanmar và Bangladesh vào tháng Mười Một sắp tới.

Chủ đề của hội nghị toàn lục địa đó là: “Tổ chức phục vụ bác ái tại Châu Phi: vai trò của các Giám mục”.

Hội nghị diễn ra 5 năm sau cuộc họp đầu tiên của các Giám mục Phi Châu về Caritas được tổ chức tại Kinshasa (RDC) vào tháng 11 năm 2012.

Dưới đây là tuyên bố đầy đủ của các Giám mục:

CARITAS PHI CHÂU – TUYÊN BỐ SAU CÙNG 

“TỔ CHỨC PHỤC VỤ BÁC ÁI TẠI PHI CHÂU: VAI TRÒ CỦA CÁC GIÁM MỤC”

HỘI NGHỊ CÁC GIÁM MỤC

1. Chúng tôi các Hồng Y, các Tổng Giám Mục và Giám Mục, các Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục và các tổ chức Caritas Quốc Gia đến từ 43 quốc gia thuộc tổ chức Caritas Quốc Tế khu vực Châu Phi, tạ ơn Thiên Chúa đã quy tụ chúng ta tại Dakar từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 9 năm 2017 với chủ đề: “Tổ chức phục vụ Bác ái tại Phi Châu: vai trò của các Giám mục”. Cuộc họp này đã diễn ra 5 năm sau cuộc họp tại Kinshasa vào tháng 11 năm 2012 về chủ đề: “Căn tính và sứ mạng của Caritas dưới ánh sáng của Thông điệp Deus Caritas Est”, được phê chuẩn bởi tuyên bố sau cùng mạnh mẽ, nhấn mạnh vào bản chất Giáo Hội của tổ chức Caritas và sứ mạng cụ thể của nó dưới ánh sáng Tin Mừng và Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo.

2. Chúng tôi tái khẳng định nội dung của tuyên bố này và đồng thời mời gọi những ai tham gia vào hoạt động mục vụ xã hội của Giáo Hội để tiếp tục hành động và trở thành những chứng nhân đáng tin cậy của Đức Kitô (Cv 1, 8).

3. Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha Phanxicô với sứ điệp đã được gửi cho chúng tôi thông qua Đức Tổng Giám mục Michael W. BANACH, Sứ Thần Tòa Thánh tại Senegal; sứ điệp này là một dấu chỉ của sự lo lắng như một người cha của ĐTC Phanxicô đối với các Giáo Hội của chúng ta.

4. Chúng tôi cảm ơn Giáo Hội tại Senegal vì đã chào đón chúng tôi và sự hiếu khách của người dân nơi đây.

5. Chúng tôi muốn tỏ lòng biết ơn và sự cảm kích của chúng tôi tới Ngài Macky SALL, Tổng thống Cộng hòa Senegal và Chính phủ của ông về những sự ưu ái đặc biệt cung cấp cho chúng tôi để tổ chức hội nghị này. 

6. Chúng tôi đã có được niềm vui khi đọc lại Thông điệp Deus Caritas Est và Tông huấn Evangelii Gaudium, cũng như Tự sắc Intima Ecclesiae Natura và Humanam Progressionem, và để hiểu rõ hơn về việc phục vụ bác ái như là trọng tâm sứ mạng của Giáo Hội như một cộng đoàn đức tin và yêu thương (Jn 4, 7-11).

7. Sự hiện diện của Đức Hồng y Peter Kodwo Appiah TURKSON, Tổng Trưởng Thánh Bộ cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, Đức Hồng y Luis Antonio TAGLE, Chủ tịch tổ chức Caritas Quốc tế, chính là một sự khích lệ đối với chúng tôi và những phát biểu của các Ngài đã tạo cảm hứng cho tinh thần trách nhiệm của chúng tôi như là những người cha giàu lòng nhân ái nơi từng Giáo Hội cụ thể của chúng ta. Chúng tôi hoan nghênh việc thành lập Thánh Bộ cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện và đồng thời khuyến khích việc khởi đầu cơ cấu tổ chức và các cách tiếp cận của Thánh Bộ này mà chúng ta sẽ xem xét trong sứ mạng mục vụ và tổ chức của mình. 

ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA

8. Chúng ta chia sẻ đức tin của tất cả những người, nơi những tế bào nhỏ bé của đời sống Kitô hữu tại các giáo xứ cũng như các cộng đồng địa phương, cho đến các cơ cấu mang tính toàn cầu hơn góp phần vào sự hữu hiệu của tinh thần bác ái cũng như sự hiện diện của Giáo Hội và Chúa Kitô trên thế giới. Những kinh nghiệm tích cực phong phú được chia sẻ trong suốt hội nghị này cho thấy hình ảnh của một Giáo hội sống động, kiên quyết cam kết phục vụ tất cả mọi người và toàn thể nhân loại nói chung (Populorum Progressio, số 14) bất chấp những thách đố và đòi hỏi phải ngày càng có nhiều trí tưởng tượng cũng như khả năng sáng tạo trong sứ mạng mục vụ của chúng ta.

9. Chúng tôi lấy ý tưởng của ĐTC Phanxicô trong cuộc phỏng vấn trên chuyến bay từ Colombia trở về Rome vào ngày 10 tháng 9 năm 2017, trong đó, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng Phi Châu không phải là một vùng đất để bị khai khẩn hay lợi dụng mà là một người bằng hữu được yêu thương, để giúp đỡ phát triển. Chúng tôi rất cảm kích các tổ chức của Giáo hội huynh đệ đã cùng đồng hành với chúng tôi và đồng thời nhắc lại mong muốn để cùng đồng hành với họ trong niềm hy vọng Kitô giáo, trong tinh thần hiệp thông huynh đệ, trong sự hỗ trợ và củng cố lẫn nhau mà không thay thế lẫn nhau để phục vụ những người thiệt thòi nhất là các anh chị em của chúng ta, để chúng ta rao giảng Tin Mừng cho họ.

 10. Các phương tiện hành động hạn chế của chúng ta không được trở thành một cái cớ cho thái độ chờ đợi, và vì sự phát triển của người nghèo chỉ có thể đạt được bởi chính những người nghèo. Đó là lý do tại sao chúng tôi khuyến khích mạnh mẽ việc trao đổi giữa hai miền Nam-Nam cũng như Bắc-Nam trong các Giáo Hội của chúng ta, việc tận dụng các kinh nghiệm và tập hợp các chuyên gia cũng như các nguồn lực, sự hài hòa ở tất cả các cấp độ của các chỉ dẫn vốn hướng dẫn các cam kết chung của chúng ta.

 11. Tâm hồn của chúng ta như đang rỉ máu khi nhận thấy rằng nỗi khốn khổ của người dân chúng ta thường được gây ra bởi một số nhà lãnh đạo của chúng ta, cùng cộng tác với các cường quốc nước ngoài, trong khi lẽ ra họ phải chống lại đói nghèo và phải dập tắt nó. Cuối cùng, họ buộc chúng ta phải hành động như những nhân viên chữa cháy đối với những lò lửa của những căng thẳng mà họ đã gây ra, vì thế, họ đã đẩy những người trẻ của chúng ta phải lâm cảnh lưu vong hoặc biến họ trở thành những chiến binh của chủ nghĩa cực đoan chính trị hay tôn giáo.

CAM KẾT CỦA CHÚNG TA

12. Chúng ta khẩn cầu sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để có thể trở thành những người thợ lành nghề cũng như những đầy tớ trung tín và không ngoan trong tinh thần phục vụ bác ái nơi các Giáo hội của chúng ta (Mt 24,45; Tt 1,7).

13. Do đó, tất cả chúng ta tự cam kết:

1) Đứng về phía các cộng đồng cũng như các cá nhân, những người mà Thiên Chúa đã ban cho các nguồn lực và phương tiện kiếm sống, kể cả đất đai của họ, đang bị đe doạ khai thác bởi cả những lợi ích nội bộ và bên ngoài; 

2) Chú ý nhiều hơn đến những vấn đề về nhập cư và tị nạn, đối với những hậu quả của các cuộc khủng hoảng chính trị và thiên tai, khi cần thiết, để có thể nỗ lực chủ động lội ngược dòng nhằm góp phần tốt hơn cho việc xóa bỏ các nguyên nhân gây ra đói nghèo trên một lục địa vốn giàu có về dân số, đặc biệt là giới trẻ, nền văn hoá cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên của nó;

3) Dành hết tâm trí cho việc chuẩn bị và tham dự Thượng Hội đồng sắp tới dành cho giới trẻ, vốn chính là của cải của Giáo Hội cũng như của quốc gia, và đồng thời làm tất cả mọi thứ có thể để khiến họ cảm thấy Giáo Hội như một ngôi nhà của mình;

4) Tạo ra cùng với các đối tác của chúng ta những cơ hội để những người trẻ đóng góp vào sự hình thành không tách rời của họ cũng như sự tăng trưởng Kitô giáo và công dân của họ;

5) Củng cố sự tham gia của phụ nữ và đồng thời ghi nhận những đóng góp của họ vào sự phát triển của các gia đình cũng như các cộng đồng của chúng ta;

6) Khuyến khích các nhà lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm và các tầng lớp thượng lưu phục vụ lợi ích chung và không ngừng tố cáo những người ăn hối lộ và duy trì sự nghèo khổ đối với dân chúng như là một chiến lược để duy trì hoặc chinh phục quyền lực; 

7) Dần dần thích ứng các cơ cấu mục vụ xã hội của chúng ta với những người thuộc Thánh Bộ mới về Cổ võ sự phát triển con người toàn diện, theo bối cảnh của các Giáo Hội đặc thù của chúng ta;

8) Góp phần cải thiện quản trị trong các công việc từ thiện xã hội của chúng ta bằng cách thông qua các văn bản hiến định phù hợp và qua việc chỉ định những người có thẩm quyền và thích hợp; 

9) Hội nhập vào việc hình thành nên các hệ thống Giáo huấn xã hội của Giáo Hội và những điều tối thiểu về các nguyên tắc liên quan đến việc quản lý minh bạch đối với những tài sản của Giáo Hội thuộc về người nghèo;

10) Phát triển sự hiệp lực thực sự trong hành động ở cấp độ lục địa, các phân khu (khu vực), các Hội đồng Giám mục và các Giáo phận với mục đích tạo ra sự hiệp thông phong phú trong Giáo hội trong việc phục vụ việc cổ võ sự phát triển con người toàn diện;

11) Củng cố tinh thần liên đới huynh đệ với các Giáo Hội anh em, việc hợp tác liên tôn và hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự nhằm xây dựng hòa bình cũng như sự phát triển ở các khu vực của chúng ta, đồng thời tôn trọng căn tính Công giáo của chúng ta cũng như ngăn chặn chúng ta khỏi việc bị dẫn dắt bởi các ý thức hệ hiện đại. 

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương của Châu Phi, cầu bầu cho tất cả chúng ta.

Dakar, ngày 20 tháng 9 năm 2017
Minh Tuệ
chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết