Các Giám mục Scotland: Trợ tử dẫn đến văn hóa 'chết theo yêu cầu'

26.09.2019 An tử và  trợ tử (Ảnh: Vatican News)

26.09.2019 An tử và trợ tử (Ảnh: Vatican News)

Các Giám mục Công giáo Scotland đã lên án mạnh mẽ Dự luật Trợ tử cho người lớn mắc bệnh nan y của nước này, trong một tuyên bố gửi tới chính phủ, cho biết dự luật này “cung cấp một giải pháp thay thế nhanh chóng, rẻ tiền” cho việc chăm sóc và có nguy cơ ép buộc những người dễ bị tổn thương và người cao niên phải cảm thấy “có nghĩa vụ phải chết”.

Cùng với phần còn lại của Vương quốc Anh, trợ tử hiện là điều bất hợp pháp ở Scotland. Tuy nhiên, nếu được thông qua, dự luật sẽ cho phép những người lớn mắc bệnh nan y trên 16 tuổi được hỗ trợ để kết thúc cuộc sống của chính họ.

Dự luật được đưa ra vào tháng 3 bởi thành viên Quốc hội Scotland Liam McArthur, người đã bày tỏ quan điểm rằng điều này sẽ cho phép “quyền tự chủ, phẩm giá và quyền kiểm soát” lớn hơn đối với giai đoạn cuối đời của bệnh nhân và “giúp biến Scotland trở thành một xã hội nhân ái hơn”.

Trợ tử là hành động cung cấp phương tiện tự tử cho bệnh nhân, sau đó bệnh nhân sẽ tự mình hành động. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe được ủy quyền khác sẽ được phép kê đơn cho bệnh nhân một liều thuốc gây tử vong mà bệnh nhân có thể tự dùng.

Giáo hội Công giáo phản đối việc trợ tử vì nó “hoàn toàn trái ngược với tình yêu chính đáng dành cho bản thân” và “trái ngược với tình yêu dành cho Thiên Chúa hằng sống”.

Trong tuyên bố gửi tới chính phủ, 10 Giám mục Công giáo Scotland đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về dự luật này, đồng thời cho rằng nó làm xói mòn phẩm giá con người và làm suy yếu những nỗ lực nhằm giảm tỷ lệ tự tử và cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm đau thực sự cho những bệnh nhân giai đoạn cuối.

Biện pháp này quy định rằng bệnh nhân cần phải có sự đánh giá của cả hai bác sĩ, những người đồng ý rằng bệnh nhân đó khỏe mạnh về mặt tinh thần và hành động không bị ép buộc. Tuy nhiên, các Giám mục cho biết việc trợ tử tiềm ẩn nguy cơ của việc ép buộc những người dễ bị tổn thương.

(Ảnh: nito/Shutterstock)

(Ảnh: nito/Shutterstock)

Họ chỉ ra một nghiên cứu gần đây ở tiểu bang Oregon cho thấy hơn 40% số người sử dụng thuốc hỗ trợ tự tử đã liệt kê gánh nặng cho gia đình, bạn bè và người chăm sóc là lý do khiến họ tìm cách tự tử.

“Điều này cho thấy xã hội đang bỏ rơi những người cần được giúp đỡ và cần được hỗ trợ nhất, khiến những người dễ bị tổn thương, bao gồm người cao niên và người khuyết tật, cảm thấy áp lực phải kết thúc cuộc sống của mình để giảm bớt tác động đến gia đình, bạn bè, người chăm sóc và nhà nước”, các Giám mục cho biết. “Trong những tình huống như vậy, lựa chọn trợ tử không còn là việc có ‘quyền’ được chết mà là cảm nhận toàn bộ gánh nặng và mong đợi về ‘nghĩa vụ’ phải chết”.

“Nói thẳng ra, đề xuất này cung cấp một giải pháp thay thế nhanh chóng và rẻ tiền cho dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ tốt”, các Giám mục viết. “Điều này được hỗ trợ bởi các tuyên bố trong đề xuất của ông McArthur về một dự luật, trong đó thừa nhận một cách lạnh lùng rằng việc kết thúc cuộc sống rẻ hơn là cung cấp dịch vụ chăm sóc. Trọng tâm phải là cung cấp dịch vụ chăm sóc, chứ không phải cung cấp một cái chết rẻ tiền”.

Các Giám mục cũng bày tỏ sự quan ngại rằng việc hợp pháp hóa trợ tử cho một số nhóm nhất định chắc chắn sẽ mở đường cho việc mở rộng hơn nữa cho nhiều cá nhân và nhiều nhóm khác.

Các Giám mục khẳng định rằng “không ai có thể lựa chọn việc trợ tử”.

“Bất kể các biện pháp bảo vệ có thiện chí đến đâu, không một chính phủ nào có thể soạn thảo luật trợ tử bao gồm cả biện pháp bảo vệ pháp lý khỏi việc mở rộng các luật đó trong tương lai”, các Giám mục cho biết. “Một khi luật cho phép hỗ trợ tự tử và/hoặc an tử được thiết lập, cái gọi là các biện pháp bảo vệ sẽ bị xói mòn và các tiêu chí đủ điều kiện sẽ được mở rộng nhằm tạo ra một hệ thống chết theo yêu cầu và chết theo đơn thuốc, được nhà nước tạo điều kiện thuận lợi”.

“Như đã được chứng minh ở các phạm vi quyền lực pháp lý khác, đây là một chuyến tàu mất kiểm soát”, các Giám mục cho biết thêm.

Hiện nay có 11 tiểu bang của Hoa Kỳ cho phép trợ tử và nhiều tiểu bang khác đang cân nhắc thông qua dự luật hợp pháp hóa hoạt động này.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết