Hạ viện Philippine sẽ bỏ phiếu vào cuối năm nay về việc khôi phục án tử hình.
Các Giám mục Công giáo tại Philippines đã lên tiếng chống lại việc tái thi hành án tử hình, mà nhiều người dân tại quốc gia phần lớn theo Công giáo này đã lên án cách tiếp cận cứng rắn đối với tội phạm của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Hạ viện Philippine sẽ bỏ phiếu vào cuối năm nay về việc khôi phục hình phạt tử hình, một lời tuyên án mà một nghị sĩ đối lập đã gọi là “món quà Giáng sinh tồi tệ nhất” đối với người dân Philippines.
Một vị Tổng Giám Mục tại nước này đã gọi đây là một động thái lười biếng mang tính né tránh thay vì giúp đỡ những người phạm tội.
Trong bối cảnh của cuộc chiến chống ma túy, ông Duterte đã đưa ra bản án tử hình như một biện pháp cần thiết nhằm trấn áp tội phạm. Ông đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ trong việc này từ các nhà lập pháp.
Jose Manuel Diokno – người đứng đầu trường học luật tại Đại học De La Salle tại Manila, cho biết ông nghĩ rằng các thành viên của Hạ viện – những người ủng hộ việc tái thi hành án tử hình “đơn giản chỉ để thỏa mãn chính quyền ông Duterte và cố gắng tìm cách cầu cạnh chính trị với tổng thống”.
Ông Diokno cho biết trong khi chưa có các cuộc thăm dò nào gần đây cung cấp số liệu cho thấy sự chuyển động của các công dân có thể bắt nguồn từ những người đang chán nản với hệ thống tư pháp yếu kém của Philippines. Những người chỉ trích cáo buộc cách làm việc kém hiệu quả thường xuyên của cảnh sát điều tra đồng thời lưu ý rằng các công tố viên chỉ đem một trong năm trường hợp ra xét xử.
Năm 1987, Philippines trở thành quốc gia châu Á đầu tiên xóa bỏ án tử hình. Quốc gia này đã phục hồi hình phạt tử hình từ năm 1993-2006, nhưng các nhà phê bình xác quyết rằng đã có đầy rẫy những sai sót áp dụng với những người nghèo. Một trường hợp vào năm 2004 cho thấy 71% tỷ lệ các bản án oan sai được gây ra bởi các tòa án cấp thấp hơn.
Vì quốc gia này đang trên đà hướng tới việc phục hồi án tử hình, các Giám mục Công giáo đã và đang lên tiếng.
“Hãy làm sạch hàng ngũ cảnh sát! Hãy canh tân guồng máy của tất cả các tòa án!” Đức Cha Socrates Villegas – Tổng Giám mục Địa phận Lingayen-Dagupan, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines – đã mạnh mẽ lên tiếng trong một cuộc cầu nguyện tại thành phố San Carlos hôm 12/12 vừa qua.
“Án tử hình là một hình thức lười biếng của một hình phạt thay vì giúp đỡ các phạm nhân sửa chữa những sai phạm của họ”.
Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle Địa phận Manila cũng đã nhắn nhủ với các tín hữu hiện diện trong buổi càu nguyện hôm 11/12 rằng Thiên Chúa không bỏ quên những kẻ tội lỗi, và Ngài cũng không quên những người dân Philippines.
“Mỗi cuộc sống đều có một hy vọng”, Đức Hồng Y Tagle nói. “Đó là niềm hy vọng để được thay đổi”.
Một lời cầu nguyện chống lại án tử hình được đọc tại các giáo xứ khắp địa phận Manila hồi đầu tháng này đã nói về “một tiếng kêu ai oán” ẩn giấu như một lời mời gọi cho công lý, theo báo cáo của Reuters – một hãng thông tấn của Anh quốc.
Trong một quốc gia – nơi có ít nhất 80% dân số là người Công giáo, Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines đã thúc giục sự đoàn kết giữa hàng giáo sĩ.
“Chúng ta hãy thể hiện một lập trường mạnh mẽ hơn chống lại án tử hình”, Cha Rodolfo Diamante – một Linh mục Tuyên úy nhà tù thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines – cho biết vào giữa tháng Mười Hai vừa qua. “Bây giờ và hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải hành động nhanh chóng hầu có thể chống lại nền văn hóa sự chết đang hoành hành trong xã hội đương đại của chúng ta”.
Nhưng một số nhà quan sát nói rằng để có thể có được sự lắng nghe ý kiến cách trọn vẹn, các Giám mục không nên để cho người ta nhận thấy Hội đồng Giám mục chống lại Tổng thống Duterte.
“Nhiều người dân Philippines không thích việc các Linh mục sử dụng tòa giảng để nói về chính trị”, ông Jayeel Serrano Cornelio – giám đốc chương trình nghiên cứu phát triển tại Đại học Ateneo de Manila cho biết.
Ông Cornelio lưu ý rằng vào năm 2012, Philippines giới thiệu việc tiếp cận phổ cập về một biện pháp tránh thai – biện pháp mà 71% người Công giáo đều ủng hộ – thế nhưng Giáo hội lại phản đối.
Tuy nhiên – ông Cornelio nói – Giáo Hội có thể là một lực lượng đối lập đối với một nhà nước độc tài.
“Chẳng hạn như nhiều người dân đang tìm kiếm sự giải thích rõ ràng từ các nhà lãnh đạo Công giáo khi nói đến cuộc chiến chống ma túy, và hiện tại là án tử hình”, ông Cornelio nói. “Quan trọng là việc các Giám mục xem xét cách thể hiện sao cho [có thể] phát biểu với mọi người cách rộng rãi và dễ dàng mà không bị coi là chống Tổng thống Duterte. [Vì] Đó sẽ là một sai lầm, chắc chắn trong những ngày này, khi Duterte vẫn nhận được sự tín nhiệm cao từ người dân”.
Ông Duterte thắng cử tổng thống năm nay hứa hẹn sẽ giảm tỉ lệ tội phạm tại nước này. Ông đã tuyên bố rằng trong vai trò trước đây là thị trưởng của thành phố Davao, cá nhân ông đã hành quyết bọn tội phạm tình nghi nhằm tỏ cho các quan chức cảnh sát rằng ông ủng hộ cách tiếp cận không cần đến việc bàn luận trước.
Khoảng 5.000 nghi phạm liên quan đến ma túy đã chết trong vụ thảm sát đường phố trên toàn quốc từ hồi tháng Bảy vừa qua, khi ông trở thành tổng thống.
Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cho phép hình phạt tử hình nếu nó là “cách duy nhất nếu nó có thể bảo vệ cách hiệu quả cuộc sống của con người trước những kẻ gây hấn cách phi lý”.
Những người ủng hộ dự luật tử hình đã tùy tiện làm tổn hại đến vị thế của Giáo hội. Ông Pantaleon Alvarez – Chủ tịch Hạ viện đồng thời là tác giả của dự luật này – đã nhạo báng cách tiếp cận của các Giám mục.
“Ở đâu ra lại có một Giáo Hội muốn bảo vệ cho những kẻ dữ. Tại sao quý vị lại muốn bảo vệ sự ác? Tại sao quý vị lại muốn những sự dữ chiến thắng sự thiện? “, Ông Alvarez đã phát biểu với trang mạng tin tức xã hội Rappler của Philippines.
“Tất cả các quốc gia châu Á đều thi hành bản án này; trong khi quốc gia chúng ta lại ngu ngốc tới mức không thi hành bản án này tại quốc gia của mình. Hầu hết các quốc gia không thi hành án tử hình đều là các quốc gia tại châu Âu”, ông cho biết: “Đó là văn hóa của họ; không thể áp đặt nó tại quốc gia chúng ta”.
Minh Tuệ chuyển ngữ