Các Giám mục nói Venezuela muốn thiết lập "chế độ độc tài quân sự"

Người dân Venezuela đã trải qua ba năm suy thoái kinh tế trầm trọng. Cuộc suy thoái này đã dẫn đến sự thiếu hụt những lương thực và thuốc men thiết yếu trên các kệ hàng. Các nhà đối lập chính trị trong nước và các Giám mục đã lên án một kế hoạch được do Tổng thống Nicolas Maduro đưa ra nhằm soạn thảo một hiến pháp mới, coi đó là một việc làm không chính đáng và bất hợp pháp.

VenezuelaCác Giám mục Venezuela cho biết chính phủ nước này nhắm tới việc thiết lập “chế độ độc tài quân sự, xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa Mác và cộng sản”.

Giáo hội và các nhà chức trách Venezuela từ lâu đã có một mối quan hệ căng thẳng, nhưng những lời nhận định nói trên của Đức Tổng Giám mục Diego Padron Sanchez, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, có ý đề cập đến một tiến trình đơn phương bắt đầu hôm 1/5 bởi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, âm mưu soạn thảo một hiến pháp mới. Để soan thảo tài liệu này, người dân Venezuela sẽ bầu cử hàng trăm đại diện cho một hội đồng lập hiến vào ngày 30 tháng 7.

Tổng thống Maduro cho biết, sáng kiến này nhằm mục đích mang lại hòa bình cho đất nước, vốn đã bị chấn động bởi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ diễn ra trong hơn 100 ngày qua, trong đó, hơn 80 người đã thiệt mạng.

Nhưng phe đối lập chính trị và các Giám mục đã lên án mạnh mẽ kế hoạch này, coi đây là một hành động không chính đáng và bất hợp pháp. Họ tin rằng hội đồng lập hiến đó sẽ đại diện cho những khu vực ủng hộ chính phủ, bảo đảm một cơ quan có lợi cho chính phủ, đang khi các cuộc thăm dò đều cho thấy chưa tới 1/4 dân số ủng hộ chính phủ.

“Một hội đồng lập hiến mà không có sự tham vấn của người dân sẽ mang lại những hậu quả tiêu cực cho đất nước”, Đức Cha Padron cho biết.

Lời tuyên bố đã được chuẩn bị vào cuối ngày đầu tiên của cuộc họp toàn thể của Hội đồng Giám mục hôm 7 tháng 7 vừa qua. Đức Cha Padron cũng bình luận về cuộc vây hãm hôm 5 tháng 7 đối với quốc hội do phe đối lập kiểm soát, khiến năm nhà lập pháp bị thương. Hàng chục nhà hoạt động ủng hộ chính phủ đã xông vào tòa nhà quốc hội bất chấp các viên chức an ninh.

Các cuộc giao tranh xảy ra khi các nhóm tiếp cận các nhà lập pháp đối lập. Các video cho thấy các nhà hoạt động, một số trang bị mặt nạ phòng độc, sử dụng gậy gộc và gạch đá để tấn công các nhà lập pháp.

“Đây là một hành động tội ác, gây ra sự phẫn nộ, và là một dấu hiệu cho thấy chính phủ không có ý định loại trừ bạo lực cũng như cảnh chết chóc và không coi quốc hội như là biểu hiện chủ quyền của người dân”, Đức Cha Padron cho biết.

Tổng thống Maduro đã lên án bạo lực và đồng thời phủ nhận ý kiến cho rằng các quan chức hàng đầu của chính phủ đã khuyến khích bạo lực.

Trong khi các cuộc biểu tình đang diễn ra đã được khơi mào vào ngày 1 tháng 4 vừa qua sau một quyết định của Tòa án Tối nhằm tước đoạt mọi quyền lực của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, quan điểm chống chính phủ cũng đã được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với đất nước.

Người dân Venezuela đã trải qua ba năm suy thoái kinh tế trầm trọng, lương thực cơ bản và thuốc men khan hiếm. Một nghiên cứu gần đây cho thấy ít nhất ba phần tư dân số đã sụt mất trung bình 19 pounds vào năm ngoái. Tổ chức Caritas Venezuela đã nhận thấy rằng tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em đang tiến tới mức độ khủng hoảng ở các khu vực có thu nhập thấp.

Đức Cha Padron cho biết tổ chức Caritas Venezuela đã bắt đầu một kênh nhân đạo nhằm giải quyết tình trạng đói kém, nhưng việc này đã gặp phải “những trở ngại ở mọi góc cạnh” từ các quan chức chính phủ.

“Người dân muốn có sự tự do, thực phẩm, thuốc men, an ninh, và các cuộc bầu cử”, Đức Tổng Giám mục Padron cho biết.

Trong Thánh lễ được cử hành hôm 9 tháng 7 tại Vương Cung Thánh Đường kính Thánh Teresa tại Caracas, Cha Jose Rosendo Diaz đã né tránh việc trực tiếp phát biểu những vấn đề liên quan đến các hoạt động chính trị hay những lời lẽ đầy tuyên chiến của các Giám mục.

Nằm cách các tòa nhà chính phủ chỉ vài bước, ngôi thánh đường này đã trở thành tiêu điểm cho cuộc xung đột giữa chính phủ và Giáo hội. Các cuộc giao tranh giữa phe chống đối và những người ủng hộ chính phủ trước đây đã bùng nổ tại ngôi thánh đường này sau mỗi Thánh lễ. Các nhà chức trách thường cáo buộc các linh mục vì những tuyên bố chống lại chính phủ trong các bài giảng của họ.

Linh mục Rosendo Diaz cho biết người dân đã thường chất vấn ngài rằng: “Trong tình huống hiện nay mà chúng ta đang trải qua, Thiên Chúa đang ở đâu?”

“Thiên Chúa gần gũi với chúng ta hơn bao giờ hết, chỉ là họ không có đức tin mà thôi”, linh mục Rosendo nói.

Nhiều giáo dân, đặt câu hỏi đối với những tuyên bố gần đây của các Giám mục khi gán cho chính phủ là một chế độ độc tài, đã đưa ra lời kêu gọi đối với hòa bình và chống lại việc leo thang xung đột.

“Điều tôi muốn cho đất nước tôi đó chính là hòa bình”, ông Carmen Rodriguez, 79 tuổi, cho biết. “Tôi không đồng ý rằng đây là một chế độ độc tài, nhưng sự thực là những sự việc xảy ra ở đất nước này là hết sức tồi tệ. Tôi không thể tìm được thuốc men”.

“Giáo hội có khả năng kêu gọi mọi người dân ủng hộ hòa bình, không thù hận, và không kêu gọi việc can thiệp vào Venezuela, bà Ligia Araca cho biết. “Có những quan chức cấp cao trong Giáo hội đôi khi đã châm ngòi cho việc người dân tìm đến bạo lực”.

Những quan điểm ôn hòa của các tín hữu tại khu vực trung tâm thành phố Caracas, một thành trì của chính phủ truyền thống, có thể rất quan ngại cho chính phủ. Các quan chức sẽ cần đến những cử tri này để tham dự cuộc bầu cử quốc hội lập hiến vào ngày 30 tháng 7 sắp tới nhằm tạo ra một tiến trình hợp pháp.

Phe đối lập đã kêu gọi những người ủng hộ họ tẩy chay cuộc bầu cử, và nếu các cử tri thích ông Rodriguez quan tâm đến việc tìm kiếm thuốc men hơn là việc tham gia chính trị, họ có thể ở nhà.

“Tôi vẫn chưa quyết định có tham gia hay không”, bà Ligia nói. “Hãy chờ xem”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết