Các Giám mục Nigeria được trao giải thưởng hòa bình ở Châu Phi

Giám mục Công giáo Matthew Hassan-Kukah Địa phận Sokoto (trái) và Đức Hồng y John Oniyekan, Tổng Giám mục Địa phận Abuja đã nghỉ hưu.

Giám mục Công giáo Matthew Hassan-Kukah Địa phận Sokoto (trái) và Đức Hồng y John Oniyekan, Tổng Giám mục Địa phận Abuja đã nghỉ hưu.

Những công dân châu Phi nổi bật, bao gồm cả những nhân vật tôn giáo được lựa chọn, những người đã thực hiện những nỗ lực hòa bình quan trọng trên khắp Nigeria, lục địa châu Phi và thế giới gần đây đã được trao giải thưởng “100 biểu tượng hòa bình đáng chú ý nhất ở châu Phi”.

Đức Giám mục Công giáo Matthew Hassan-Kukah Địa phận Sokoto, Đức Hồng Y John Oniyekan, Tổng Giám mục đã nghỉ hưu của Địa phận Abuja, và nhà truyền giáo nổi tiếng qua phương tiện truyền thông (truyền hình), Mục sư Chris Oyakhilome, đều lọt vào danh sách này. Những người Nigeria nổi bật khác như cựu Tổng thống Goodluck Jonathan, cựu phó Tổng thống Yemi Osibanjo, Quốc vương Sokoto, Mohammadu Sa’ad Abubakar, Olu thức 21 của Vương quốc Warri, Ogiame Atuwatse III, và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Phi, Akinwumi Adeshina nằm trong số những người được trao giải.

Trong ‘100 biểu tượng hòa bình đáng chú ý nhất ở châu Phi’ có Tổng thống Rwanda, Paul Kagame, Tổng thống Kenya William Ruto, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Nữ tổng thống đầu tiên của Malawi, Joyce Hilda Banda. Ngoài ra còn có những người nhận giải như ngôi sao bóng đá người Cameroon Samuel Eto’o Fils, nam diễn viên kỳ cựu người Ghana John Dumelo, ca sĩ người Senegal gốc Mỹ, Akon cũng như đệ nhất phu nhân Namibia, Monica Geingos.

Các di sản sáng kiến hòa bình của Đức Hồng Y Onaiyekan và Đức Giám mục Kukah

Việc lựa chọn Đức Giám mục Kukah không khiến nhiều người ngạc nhiên vì chuyên môn và kinh nghiệm của ngài cả về đối thoại liên tôn lẫn chủ nghĩa đại kết. Vào năm 2012, Đức Bênêđíctô XVI đã bổ nhiệm Đức Giám mục Kukah làm thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn. Vị giáo sĩ 70 tuổi này cũng là người triệu tập hai tổ chức tư vấn quốc tế, Trung tâm Kukah và Ủy ban Hòa bình Quốc gia, Abuja, những tổ chức đi đầu trong việc củng cố đức tin, vai trò lãnh đạo, chính sách công và quá trình chuyển đổi dân chủ hòa bình trên khắp Châu Phi.

Đức Hồng Y Onaiyekan đã dành phần lớn thời gian trong bốn thập kỷ để thực hiện các sáng kiến hòa bình. Quỹ vì Hòa bình Hồng Y Onaiyekan (COFP) Abuja của ngài đã đi đầu trong việc thúc đẩy các biên giới hòa bình trên khắp châu Phi về mặt thực tế thông qua việc đào tạo nội bộ đức tin cho những người tham gia về cách thức loại bỏ những rạn nứt về tôn giáo và sắc tộc.

Được thúc đẩy bởi các nguyên tắc vì công ích được tìm thấy trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo, Tuyên bố Nostra Aetate của Công đồng Vatican II về Đối thoại liên tôn và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), quỹ được thành lập vào năm 2010 nhằm củng cố việc xây dựng hòa bình trên khắp châu Phi.

Vào tháng 6 năm 2022, tổ chức phi chính phủ của Giáo hội đã giới thiệu 60 đại sứ hòa bình từ các tín đồ của cả các nhóm tín ngưỡng Kitô giáo lẫn Hồi giáo trên khắp các quốc gia châu Phi như Ghana, Liberia, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cameroon, Kenya, Zambia, Somalia, Morocco và Nam Phi với tư cách là đại sứ hòa bình.

“Sáng kiến nhằm khơi dậy niềm hy vọng và sự đoàn kết” ở Châu Phi

Kinsley Amafibe, Giám đốc dự án 100 biểu tượng hòa bình đáng chú ý nhất ở châu Phi, giải thích rằng sáng kiến “100 biểu tượng hòa bình đáng chú ý nhất ở châu Phi” nhằm khơi dậy hy vọng, sự đoàn kết và sự phát triển của lục địa này trong bối cảnh dường như có nhiều thách thức. “Di sản của những biểu tượng châu Phi này sẽ tồn tại như một nguồn cảm hứng cho các cá nhân, quốc gia và toàn bộ lục địa châu Phi”, ông Amafibe nói.

Về tầm quan trọng của những tấm huy hiệu được trao cho mỗi người được trao giải, một phát ngôn viên của nhóm nói rằng “Việc công bố tấm huy hiệu này không chỉ mang tính biểu tượng mà còn đóng vai trò như một lời kêu gọi hành động, một lời khuyến khích duy trì các giá trị mà các biểu tượng châu Phi thể hiện”, đồng thời cũng cho biết thêm rằng nó “sẽ đóng vai trò như một lời nhắc nhở không ngừng cho cả các thế hệ hiện tại lẫn tương lai rằng hòa bình đòi hỏi nhiều hơn là không có xung đột; nó bao gồm việc chủ động vun đắp sự hiểu biết, hợp tác và thịnh vượng chung”.

Các nhà tổ chức cho biết những người được trao giải “đã vượt qua ranh giới và vượt qua thử thách để để lại những di sản không thể xóa nhòa, với mỗi câu chuyện là một lời tri ân đối với sự kiên trì và quyết tâm, ẩn chứa trong các giá trị ấp ủ của châu Phi – đoàn kết, hòa hợp và tiến bộ”. Một tuyên bố được đưa ra bởi trang web chính thức của giải thưởng cho biết rằng những người được trao giải đã được lựa chọn một cách cẩn thận vì “cam kết của họ đối với các sáng kiến nhân đạo, ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng và trao quyền cho giới trẻ”.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết