Các thành viên của Nhóm Những người trẻ có tầm ảnh hưởng Kỹ thuật số của Thượng Hội đồng châu Phi vừa tốt nghiệp Chương trình Đào tạo những người có ảnh hưởng về Đức tin thời kỹ thuật số Châu Phi của Mạng lưới Thần học và Mục vụ Công giáo Toàn Châu Phi (PACTPAN) được đề nghị “chuẩn bị cho những thách thức đặt ra phía trước họ ở vùng ngoại vi kỹ thuật số mà họ muốn truyền bá Phúc Âm”.
Trong bài phát biểu quan trọng tại lễ tốt nghiệp ngày 12 tháng 9, Đức Giám mục Godfrey Igwebuike Onah của Giáo phận Nsukka, Nigeria đã cảnh báo 56 tham dự viên tham gia chương trình PACTPAN về sự phức tạp tồn tại trong không gian kỹ thuật số.
Đức Giám mục Onah nhắc nhở những người tốt nghiệp chương trình này rằng trong Giáo hội, thế giới kỹ thuật số vẫn còn nằm ở vùng ngoại vi cần được Phúc Âm hóa.
“Cuộc sống ở vùng ngoại vi không dễ dàng. Không có trật tự. Nếu bạn đã từng trải nghiệm khu ổ chuột ở bất kỳ thành phố nào, thì bạn sẽ hiểu rằng việc truyền giáo ở vùng ngoại vi không phải là chuyện đùa”, vị Giám chức nói.
“Nếu chúng ta coi thế giới số là vùng ngoại vi cho công cuộc truyền giáo của mình, chúng ta không nên mong đợi sự trật tự mà chúng ta tìm thấy trong các không gian và cấu trúc truyền giáo thông thường. Một phần của điều đó là tính linh hoạt của thế giới số”.
“Chúng ta phải được khích lệ bởi Thánh Phanxicô, người thách thức chúng ta bước ra khỏi trung tâm và đến với vùng ngoại vi”, vị Giám chức nói.
Chương trình đào tạo Những người có tầm ảnh hưởng về Đức tin kỹ thuật số của PACTPAN khai giảng vào tháng 2 với hơn 100 ứng viên đến từ 52 quốc gia châu Phi.
Trong một cuộc phỏng vấn với ACI Africa, đối tác tin tức của CNA tại Châu Phi, sau lễ tốt nghiệp, Sơ Josephine Bakhita, một viên chức tại “Church of Now” (Giáo hội Hiện tại) của PACTPAN, người điều phối chương trình đào tạo, cho biết một số ứng viên đã phải bỏ dở chương trình, vốn chỉ diễn ra trực tuyến.
“Một số học viên của chúng tôi không thể theo kịp các lớp học do những thách thức về internet và họ đã phải bỏ học giữa chừng. Nhưng phần trăm lớn hơn trong số họ đã hoàn thành khóa đào tạo và công bố các dự án mà họ sẽ tham gia tại các Giáo phận và Giáo xứ của mình”, Sơ Bakhita, thuộc Dòng Nữ tu Mary Kakamega, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 13 tháng 9.
Khóa học PACTPAN được thiết kế nhằm trang bị cho các tham dự viên tham gia các kỹ năng để trở thành những người bảo vệ đức tin giữa những bạn bè đồng trang lứa đang sống ở nơi mà các điều phối viên chương trình mô tả là “các vùng ngoại vi kỹ thuật số”.
Chương trình được phát triển nhằm trao quyền cho các nhà lãnh đạo trẻ châu Phi những kỹ năng cần thiết để tham gia truyền giáo kỹ thuật số, ủng hộ công lý xã hội và cung cấp dịch vụ cộng đồng có tác động.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp, Đức Giám mục Onah nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “tái Phúc Âm hóa” các vùng ngoại vi kỹ thuật số, đồng thời lưu ý rằng thế giới kỹ thuật số “đang thúc đẩy văn hóa hiện đại”.
“Nếu người châu Phi không chung tay định hình các giá trị sẽ được thúc đẩy bởi thế giới kỹ thuật số, chúng ta sẽ bị hủy diệt bởi những giá trị đó”, vị Giám chức nói.
“Công nghệ số đã trở nên rất quan trọng”, vị Giám chức nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng: “Khi chúng ta nghĩ rằng mình lạc lõng trong một góc khuất mà không ai để ý đến mình, công nghệ số sẽ đưa chúng ta vào trung tâm sự chú ý của thế giới, ngay cả khi chúng ta không muốn. Đây là dấu hiệu cho thấy tất cả chúng ta không thể coi bất kỳ điều nào trong số những điều này là điều hiển nhiên nữa; chúng ta đang sống trong một thực tế mới”.
Đức Giám mục Onah ca ngợi những người tổ chức chương trình đào tạo ảnh hưởng kỹ thuật số, đồng thời lưu ý rằng những người tham gia sáng kiến này đã được trang bị, trao quyền và sẵn sàng loan báo Tin Mừng.
Nhấn mạnh thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô về việc vươn tới các vùng ngoại vi, Đức Giám mục Onah bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha, người mà ngài cho biết luôn khuyến khích dân Chúa thực hiện các sáng kiến mới, không chỉ tiếp tục làm việc như thường lệ “mà còn khám phá những vùng đất mới ngay cả khi có nguy cơ bị tổn thương”.
“Chúng ta nhớ đến lời Đức Thánh Cha nói rằng ngài yêu thích một Giáo hội bị vấy bẩn, nhơ nhuốc và bầm dập trong khi phục vụ mọi người, đặc biệt là ở những khu vực khó khăn, hơn là một Giáo hội giữ sự tươm tất sạch sẽ và tinh khiết vì không dám mạo hiểm”, Đức Giám mục Onah cho biết.
Ngài nói thêm: “Khi chúng ta trình diện trước mặt Chúa, có lẽ, chúng ta sẽ chìa đôi bàn tay sạch sẽ của mình trước Ngài, đã làm mọi thứ để ngăn mình khỏi bị thế gian làm hoen ố. Tôi có thể nói, ‘Cha ơi, con đã giữ đôi bàn tay con sạch sẽ’, nhưng Ngài sẽ nói với tôi: ‘Đúng, chúng sạch sẽ, nhưng chúng cũng trống rỗng’. Đó là một công việc mạo hiểm, một công việc mà chúng ta có thể làm vấy bẩn đôi bàn tay của mình, nhưng chắc chắn sẽ không trống rỗng”.
Đức Giám mục Onah khuyến khích những người có tầm ảnh hưởng về đức tin kỹ thuật số, đặc biệt là những người thích sáng tạo nội dung, đón nhận việc truyền giáo trên các nền tảng kỹ thuật số.
Vị Giám chức cho biết thế giới số là “đối tượng tiếp nhận việc truyền giáo” rất ảo, và ngài nói thêm: “Thách thức của tôi đối với những người tốt nghiệp và tất cả chúng ta trong thời đại số này không chỉ là coi thế giới số là công cụ truyền giáo, bất kể chúng ta có thể sử dụng nó tốt đến đâu, mà là những đối tượng cần được Phúc Âm hóa”.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp, trợ lý thứ nhất của Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM), Cha Alfred Bebodu, đã khuyến khích các sinh viên khuếch đại tiếng nói của lý trí trong không gian kỹ thuật số.
Đức Giám mục Bebodu khen ngợi những người trẻ có tầm ảnh hưởng vì đã đầu tư công sức và sự tận tâm của mình để hoàn thành tám tháng đào tạo, ngài nói rằng: “Cam kết của các bạn phản ánh sức sống của Giáo hội tại Châu Phi và mang đến cho chúng ta hy vọng về tương lai”.
“Giờ đây, các bạn được giao phó một trách nhiệm to lớn như là tiếng nói của đức tin và lý trí trong không gian số, đề cập không chỉ các vấn đề tâm linh mà còn cả những thách thức về xã hội, kinh tế và môi trường mà lục địa chúng ta đang phải đối mặt”, Đức Giám mục Bebodu nói.
Đức Giám mục Bebodu nhắc nhở những người tốt nghiệp rằng sứ mệnh của SECAM luôn là thúc đẩy công cuộc truyền giáo và phát triển con người toàn diện cho tất cả mọi thành phần dân Chúa ở Châu Phi và các đảo của châu lục này.
Vị Giám chức cho biết vai trò của những người trẻ là “người có sức ảnh hưởng đến đức tin trên nền tảng số” hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh của SECAM.
“Khi chúng ta chuẩn bị cho Năm Thánh, đánh dấu một cột mốc quan trọng cho Giáo hội tại Châu Phi vào năm tới, chúng ta cũng hướng đến tương lai với tầm nhìn và cam kết. Một trong những ưu tiên trong 25 năm tới sẽ là tích hợp công nghệ vào công cuộc truyền giáo”, Đức Giám mục Bebodu nói.
Quan chức SECAM cảnh báo những người trẻ có tầm ảnh hưởng về đức tin rằng kỷ nguyên số là thời đại nhạy cảm, đòi hỏi phải nghiên cứu cẩn thận.
Công nghệ số, Đức Giám mục Bebodu cho biết, là công cụ có thể mang lại nhiều thành công trong việc hỗ trợ công cuộc truyền giáo hoặc mang đến sự hủy diệt.
“Chiến lược sẽ phát huy tác dụng”, Đức Giám mục Bebodu cho biết, đồng thời nói thêm: “Chúng tôi hình dung ra những nền tảng sẽ vun đắp trái tim của những người trẻ tuổi và cộng đồng rộng lớn hơn, thúc đẩy cả sự phát triển về mặt tinh thần lẫn sự gắn kết xã hội. Sự sáng tạo, kiến thức và sự nhiệt huyết của các bạn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa tầm nhìn này”.
Hoàng Thịnh (theo CNA)