YAOUNDÉ, Cameroon – 26 năm sau khi hệ thống phân biệt chủng tộc bị sụp đổ ở Nam Phi, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn là một vấn đề đòi hỏi “một cuộc trò chuyện nghiêm túc”, theo các Giám mục Công giáo tại “quốc gia cầu vồng”.
Trong Lá thư mục vụ vào tháng Sáu, các Giám mục Nam Phi cho biết rằng tình trạng phân biệt chủng tộc không chỉ tồn tại trong xã hội mà còn cả trong Giáo hội, và họ đã thúc giục các Kitô hữu khẩn trương giải quyết vấn đề này.
Tài liệu thúc giụ Giáo hội và người dân Nam Phi làm mọi thứ có thể để vượt qua nạn phân biệt chủng tộc, giống như cách thức Thánh Phêrô và Giáo hội sơ khai đã vượt qua nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Các Giám mục kêu gọi việc giải quyết những tổn thương xã hội do tình trạng bạo lực của nhiều thế kỷ của chủ nghĩa thực dân và các thập kỷ bạo lực của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
“Chúng ta cần đối thoại và cùng cộng tác với nhau để đạt được sự chữa lành với tư cách là một quốc gia. Chúng ta cần thừa nhận mối liên hệ giữa chủng tộc, quyền lực và đặc quyền”, các Giám mục viết. “Chúng ta cần khẩn cấp khắc phục sự bất bình đẳng kinh tế hiện diện trong xã hội của chúng ta do hậu quả của các luật lệ và tập quán phân biệt chủng tộc trong quá khứ; hầu xóa tan những nỗi sợ hãi vô căn cứ và đồng thời thúc đẩy công lý”.
Bức thư mục vụ cho biết rằng đã đến lúc Giáo hội cần phải cam kết với “một cuộc đối thoại đáng tin cậy và toàn diện về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”, và điều đó nên biến thành việc Giáo hội cầu xin sự tha thứ “vì sự đồng lõa trong quá khứ với sự kì thị chủng tộc trong Giáo hội”.
Một giám mục Nam Phi cho biết sáng kiến này là hết sức kịp thời.
“Vẫn còn rất nhiều sự phân biệt chủng tộc tại Nam Phi”, Đức Giám mục Victor Phalana thuộc Giáo phận Klerksdorp cho biết.
“Ở một số trường, bao gồm cả các trường học Công giáo, người học tự tách biệt, họ không hòa nhập với bạn bè. Các câu lạc bộ những người Ấn Độ, câu lạc bộ những người da màu, câu lạc bộ những người da đen và câu lạc bộ những người da trắng đều hoàn toàn tách biệt với nhau. Đó luôn luôn chỉ là một nhóm thiểu số nhỏ những người tương tác với nhau qua các dòng chủng tộc”, Đức Giám mục Phalana phát biểu với Crux trong một cuộc phỏng vấn độc quyền.
Ở Nam Phi, “người da màu” là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả khoảng 3,6 triệu cá nhân đa chủng tộc của nước này. Họ là kết quả của sự giao thoa giữa những người định cư da trắng, những người bản địa châu Phi và những người nô lệ châu Á được đưa đến Nam Phi từ các thuộc địa của Hà Lan vào thế kỷ thứ XVIII và XIX.
“Có một sự kì thị chủng tộc trong các trường học và các trường đại học của chúng tôi”, Đức Giám mục Phalana nói. “Một số người trong số họ sử dụng tiếng Nam Phi làm phương tiện giảng dạy để loại trừ các học viên da đen”, đề cập đến ngôn ngữ của những người định cư da trắng của Nam Phi.
“Một số trường giữ mức học phí cao ngất ngưởng, để đảm bảo rằng những người da đen không thể tiếp cận họ. Anh hùng cricket da đen của chúng tôi, Makhaya Ntini, đã chia sẻ kinh nghiệm của mình về sự kì thị chủng tộc trong lĩnh vực thể thao. Makhaya Ntini đã che giấu sự giày vò và tổn thương của chính mình để có thể được nhìn nhận như “một người da đen xinh đẹp”. Nhờ có ‘Black Lives Matter, Makhaya Ntini đã quyết định chia sẻ với chúng tôi những gì anh ấy đã phải trải qua”.
“Có những cuộc xung đột trong các nhà thờ của chúng tôi, cả Công giáo và Tin lành, trong đó một nhà thờ vốn chủ yếu là những người da trắng nhận thấy rất khó để có thể tiếp đón những anh chị em giáo dân da đen. Nếu cộng đoàn này chào đón họ, những anh chị em giáo dân da đen chắc chắn cũng sẽ phải ‘hành xử’ và ‘thờ phượng y như chúng tôi ở đây, đừng mang não trạng của người da đen và những bài hát của người đen của anh chị em đến đây!”, Đức Giám mục Phalana nói.
“Một số nhà thờ của chúng tôi là những mô hình mẫu mực về sự hội nhập và chủ nghĩa đa văn hóa. Họ có thể được sử dụng để dạy cho những người khác vẻ đẹp của sự thống nhất và sự hội nhập”, Đức Giám mục Phalana nói. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có những nhà thờ khác vẫn chỉ tiếp đón những người da trắng. Họ không xin lỗi bất cứ ai vì điều đó. Họ không thể chạm tới”.
“Sự kì chủng tộc tinh vi có thể được nhìn thấy khi bạn đặt phòng cho kỳ nghỉ của mình, và bạn được yêu cầu thông báo chủng tộc của mình. Nếu bạn nói, ‘chúng tôi là người da đen’, bạn sẽ nhận được thông báo: ‘Xin lỗi, chúng tôi đã hết phòng!’. Một số trong những thực hành này đã bị phô bày trên các phương tiện truyền thông, các chủ nhà nghỉ tuyên bố một cách rõ ràng rằng họ chỉ tiếp đón những khách hàng da trắng”, Đức Cha Phalana giải thích.
Gọi sự kì thị chủng tộc là tội ác chống lại nhân loại, Đức Cha Phalana cho biết rằng hệ thống phân biệt chủng tộc khiến những người da đen “lâm vào tình cảnh khốn đốn”.
Tuy nhiên, những người da trắng được hưởng lợi từ hệ thống phân biệt chủng tộc đã cho thấy một chút thiên hướng để kêu gọi sự tha thứ, Đức Cha Phalana nói.
“Nhiều người da trắng không đồng ý với điều này. Ý tưởng của họ là, ‘hãy quên đi sự kì thị chủng tộc và tiến về phía trước’. Họ không biết rằng hòa giải sẽ không thể xảy ra nếu không có sự hồi phục về kinh tế”, Đức Cha Phalana nói.
Vị Giám chức cho biết rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chính thức đã kết thúc vào năm 1994, nhưng điều đó không làm thay đổi đặc quyền kinh tế xã hội của người da trắng hoặc tình cảnh túng thiếu nghèo khổ xảy ra với những người dân Nam Phi da đen.
“Chúng tôi nhận ra rằng chúng ta đã không đối phó với tác động của nạn phân biệt chủng tộc đối với xã hội, bắt nguồn từ gần 400 năm cai trị của chế độ phân biệt thuộc địa”, Đức Cha Phalana phát biểu với Crux.
Đức Cha Phalana cho biết rằng con đường dẫn đến sự tha thứ và hòa giải đã trở nên khó khăn hơn bởi vì hiện vẫn còn các nhóm ở Nam Phi “ủng hộ và thúc đẩy chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”.
“Họ vẫn truyền bá cho con cái họ sự thù hận và phân biệt đối xử. Thật không may, một số nhà thờ có nguồn gốc Calvinist vẫn bảo vệ sự kì thị và phân biệt chủng tộc. Họ không có kế hoạch hòa nhập, hội nhập hoặc hòa giải. Họ cảm thấy rằng họ đã mất đi quyền lực chính trị. Họ mang theo nỗi sợ hãi của đa số những người dân da đen, nỗi sợ mất đi quyền lực kinh tế, sự an ninh và các đặc quyền”, Đức Cha Phalana nói.
Những nhà thờ như vậy, Đức Cha Phalana nói, “cảm thấy họ đang bị tiêu diệt. Các nhà lãnh đạo của họ đang bảo họ chống lại sự thay đổi, từ chối mọi lời kêu gọi đoàn kết và hòa giải, và thay vào đó họ phải thành lập các cộng đồng độc quyền với an ninh của riêng họ”.
Đức Cha Phalana cho biết các nhà lãnh đạo tôn giáo như vậy thường phóng đại các yêu cầu từ phần đông những người da đen tại Nam Phi. Vị Giám chức cũng cho biết “Ủy ban Hòa giải và Sự thật” (TRC) đầy tiếng tăm của nước này chỉ đạt được kết quả hạn chế.
“Ủy ban này đã thất bại bởi vì nó chú trọng ‘sự thật’ hơn là vào việc chữa lành những người dân bị tổn thương”, Đức Cha Phalana nói. “Những kẻ thủ phạm, những người có đặc quyền đặc lợi, những người được hưởng lợi từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, trong hầu hết các trường hợp đã không thể hiện sự ăn năn, sự hổ thẹn và hối tiếc. Nhiều nạn nhân đã rời khỏi TRC và nói, ‘người này chưa bao giờ nói ‘xin lỗi’, làm sao tôi có thể tha thứ cho anh ta?’”.
Đức Cha Phalana phát biểu với Crux rằng các Giám mục coi việc chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc như là “một nhiệm vụ và một lời mời gọi chính đáng”, và đồng thời lưu ý rằng Giáo hội luôn đứng về phía những người đang phải hứng chịu sự kì thị chủng tộc.
“Giáo hội, thông qua các Lá thư Mục vụ, các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề và các bài giảng, đang cố gắng vạch trần nạn phân biệt chủng tộc, phản đối và giáo dục mọi người về tệ nạn này để họ có thể đối phó với nó. Chúng ta không thể bỏ qua các dấu hiệu và triệu chứng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”, Đức Cha Phalana nói.
“Chúng ta đã chứng kiến những vụ việc liên quan đến ‘những phát ngôn thù hận’. Chúng tôi rất biết ơn vì trong một số trường hợp, những người bị bắt gặp, với những phát ngôn thù hận, đã bị truy tố”, Đức Cha Phalana nói.
Vị Giám chức cũng cho biết những ảnh hưởng của sự kì thị và phân biệt chủng tộc có thể kéo dài “cả một thế hệ”.
“Những người sinh sau năm 1994 bị ảnh hưởng bởi chế độ phân biệt chủng tộc vì cha mẹ họ vẫn mang vết thương của sự kì thị chủng tộc và chủ nghĩa thực dân”, Đức Cha Phalana nói. “Có những lúc người dân hay các thế hệ mang vết thương của tổ tiên của họ: sự tức giận và định kiến, nỗi sợ hãi và lo lắng”.
Đức Cha Phalana cho biết rằng trừ khi những thực tế trong quá khứ bị đảo ngược, Nam Phi không thể tiến lên phía trước. Để điều đó xảy ra, Đức Cha Phalana nhấn mạnh, cần phải có sự chuyển đổi về cơ cấu, sự bình đẳng thực sự, tái phân phối đất đai và cơ hội kinh tế cho những người nghèo và bị gạt ra bên lề xã hội.
“Chúng ta cần được chữa lành. Chúng ta cần phải khôi phục ‘hình ảnh của Thiên Chúa’. Nếu chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa nơi tha nhân, sẽ không có chỗ cho sự kì thị chủng tộc và chủ nghĩa bài ngoại”, Đức Cha Phalana nói.
Minh Tuệ (theo Crux)