
Một công nhân đi ngang qua một chiếc xe tải với một tấm áp phích của Thánh Cayetano. Người dân mừng lễ vị Thánh bảo trợ của người lao động đã tuần hành đến Plaza de Mayo để yêu cầu công việc và mức lương cao hơn, Buenos Aires, thứ Bảy, ngày 7 tháng 5 năm 2021 (Ảnh: Gustavo Garello / AP)
Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở một số quốc gia Mỹ Latinh gần đây đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo chính phủ nỗ lực làm việc vì một xã hội công bằng hơn.
Nicaragua
Quốc gia Trung Mỹ được cho là đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ra vào ngày 7 tháng 11. Tuy nhiên, Tổng thống Daniel Ortega và phu nhân, Phó Tổng thống Rosario Murillo, đã đảm bảo rằng các cuộc bầu cử chỉ là một trò hề: Trong 45 ngày qua họ đã cầm tù 30 nhà lãnh đạo đối lập, bao gồm mọi vị Tổng thống hy vọng đắc cử.
Người cuối cùng gục ngã là Oscar Sobalvarro, cựu lãnh đạo du kích chống Cộng, người đã tuyên bố ứng cử vào đầu tuần trước, cùng với Berenice Quezada, cựu hoa hậu 27 tuổi. Quezada bị bắt giữ hôm thứ Tư, và Sobalvarro bị cầm tù hôm thứ Sáu tuần trước, mà không có lý do nào được đưa ra, như mọi trường hợp khác.
Mặc dù chính phủ vẫn chưa tấn công các Linh mục và Giám mục trong cuộc đàn áp mới nhất này – họ đã bị đe dọa và thậm chí đôi khi bị tấn công về thể lý khi cuộc khủng hoảng đang diễn ra vào năm 2018 – bà Murillo đã gọi các giáo sĩ là những kẻ “phẫn nộ, cay độc và ngoan cố” vào ngày 3 tháng 8.
Đức Hồng y Leopoldo Brenes Địa phận Managua, thủ đô của đất nước, đã ngẩng cao đầu đáp trả những lời trên, trích dẫn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Các ý thức hệ rồi cũng sẽ qua đi, các chính phủ rồi cũng sẽ qua đi, nhưng Giáo hội vẫn còn mãi tồn tại”.
“Chúng tôi sẽ đáp lại dân chúng bằng lời nói, đồng hành với người dân của chúng tôi theo tinh thần Tin Mừng, chứ không phải các ý thức hệ”, Đức Hồng y Brenes nói.
“Tôi tin rằng ngày nay, hơn bao giờ hết chúng ta phải đồng hành với người dân trong mọi đau khổ của họ, trong mọi tình huống chính trị, xã hội, kinh tế, cũng như trong đại dịch”, Đức Hồng y Brenes nói. “Tôi tin tưởng vào sứ mạng lớn lao của Giáo hội, với tư cách là các Linh mục, đó là đồng hành với dân tộc này trong mọi hoàn cảnh, vì vậy chúng ta không thể tự đóng khung mình trong một thời điểm cụ thể của lịch sử”.
Tổng thống Ortega cũng theo sát các Giám mục trong những ngày gần đây, ông nói rằng Chúa Giêsu “đã gọi họ là Pha-ri-sêu khi Ngài nhìn thấy họ trong đền thờ và đánh đuổi họ ra ngoài. Những người Pha-ri-sêu vẫn chưa biến mất, họ đi loanh quanh, diện trang phục chỉnh tề, nói năng như thể họ là những thánh nhân, và những gì nhìn thấy đều là những điều ô trọc, nơi không có sự tôn kính đối với Đức Kitô, không có sự tôn kính đối với Thiên Chúa”.
Một số nhà xã hội học đã cảnh báo rằng bằng cách so sánh các Giám mục với những người Pha-ri-sêu và đề cập rằng Chúa Kitô đã đánh đuổi họ ra khỏi đền thờ một cách mạnh bạo, Tổng thống Ortega đang tạo ra một lời biện minh trước cho tình trạng bạo lực có thể xảy ra với các Giám mục nếu họ bị coi như là mối đe dọa cho sự tái đắc cử của ông.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị xã hội bắt đầu vào tháng 4 năm 2018, các nhà thờ Công giáo đã đóng vai trò như là những bệnh viện dã chiến và những kho dự trữ viện trợ quốc tế, đồng thời các Linh mục và Tu sĩ thường đặt mình vào giữa những người biểu tình và các lực lượng an ninh để cố gắng cứu sống người dân.
Đức Tổng Giám mục Rolando Alvarez, một trong những vị Giám mục nổi tiếng nhất ở Nicaragua, cũng đề cập đến các vụ tấn công nhắm vào Giáo hội trong những ngày gần đây, đồng thời so sánh Tổng thống Ortega với ma quỷ.
“Ma quỷ là kẻ thông minh và tất nhiên sử dụng trí thông minh của mình để làm điều gian ác, biết rằng nếu chúng làm tổn thương trái tim của vị Mục tử, chúng sẽ làm suy yếu ngài và khi đã làm suy yếu vị Mục tử thì nó sẽ làm suy yếu dân chúng, vị Mục tử sẽ bị tổn thương và đàn chiên sẽ bị phân tán. Đó là những cuộc tấn công của ma quỷ để tìm kiếm, lắng nghe, để làm tổn thương vị Mục tử, nhưng chúng đặc biệt nhắm vào trái tim của vị Mục tử vì nếu chúng làm tổn thương trái tim của vị Mục tử, vị Mục tử đó sẽ bị suy yếu và nếu vị Mục tử bị suy yếu, dân chúng cũng sẽ bị suy yếu”, Đức Tổng Giám mục Alvarez nói.
Argentina
Thứ Bảy tuần trước, khi Argentina cử hành lễ Thánh Cajetan, các Giám mục đã nói về cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội mà đất nước hiện đang phải đối mặt.
Trích dẫn Thông điệp Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô, Chủ tịch Hội đồng Giám mục địa phương đã nói về việc tạo ra nền chính trị tốt hơn, đồng thời lưu ý rằng “việc giúp đỡ người nghèo bằng tiền của luôn phải là một tình huống tạm thời; chúng ta phải đồng hành với họ bằng cách giúp họ tạo ra phẩm giá mà lao động mang lại”.
“Có những công việc phi chính thức, những công việc được thực hiện bởi vô số anh chị em thuộc nền kinh tế bình dân: Tái chế, những người thu gom bìa cứng, những người bán hàng rong, các xưởng sản xuất nhỏ, một số công việc thủ công mỹ nghệ, rất nhiều thứ, rất nhiều người tìm kiếm công việc để có thể kiếm sống bằng mọi cách bởi vì chúng ta đang ở trong tình trạng gần như tuyệt vọng ở một số khu vực”, Đức Cha Oscar Ojea nói, trước khi ủng hộ khả năng về một mức lương phổ thông giúp công nhận phẩm giá của những công việc thường không chính thức này.
“Thiên Chúa tạo dựng thế giới cho chúng ta và yêu cầu chúng ta chăm sóc nó và làm cho nó phát triển sinh sôi màu mỡ; đó là lý do tại sao lao động là thiên chức cao quý nhất của con người và phẩm giá tối thượng của con người, nhưng ngày nay phẩm giá này đã bị tổn thương”, Đức Cha Oscar Ojea nói. “Đó là một phẩm giá bị tổn thương bởi vì chúng ta có những vấn đề nghiêm trọng về tình trạng thất nghiệp, mất công ăn việc làm, đau khổ; chúng ta biết điều đó có ý nghĩa thế nào, chúng ta với tư cách là các Linh mục và những người đã làm việc trong Caritas [một tổ chức từ thiện Công giáo], khi các anh chị em đến tìm việc làm”.
Với tư cách là một Linh mục người Ý vào thế kỷ 15 và 16 và là Đấng sáng lập Dòng Theatine, Thánh Cajetan được biết đến như là Quan Thầy của Argentina và được người dân địa phương tôn kính như là Đấng bảo trợ cho đời sống lao động và thanh đạm. Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt sùng kính Thánh nhân khi ngài còn là Tổng Giám mục Địa phận Buenos Aires từ năm 1998 đến năm 2013.
Ước tính có khoảng 45% dân số Argentina sống trong cảnh nghèo đói, bao gồm 2/3 trẻ em và 11% dân số thất nghiệp.
Peru
Sau một cuộc bầu cử đầy tranh cãi, ông Pedro Castillo đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào cuối tháng Bảy. Mặc dù các Giám mục Công giáo vẫn đứng bên lề trong cuộc bầu cử, nhưng họ đã trở nên thẳng thắn hơn.
Ông Castillo, một người theo chủ nghĩa Marx, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với khoảng 40.000 phiếu bầu, cho thấy đất nước hiện vẫn còn cực kỳ chia rẽ. Ngoài ra, đảng của ông đã không giành được chiến thắng tại Quốc hội.
Đức Tổng Giám mục Miguel Cabrejos, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Peru, đã đặt câu hỏi về sự rạn nứt này trong nước và đồng thời cũng cho biết rằng “ai yêu giấc mơ chính trị của mình hơn chính quê hương tổ quốc thì cuối cùng sẽ phá hủy nó, người ấy yêu lựa chọn cá nhân của mình hơn là công ích”.
“Vì vậy, Giáo hội tái khẳng định cam kết tìm kiếm sự hiệp nhất thông qua việc đối thoại chân thành, tạo ra những nhịp cầu của sự hiệp thông và liên đới nhằm vượt qua những khác biệt và vượt qua sự phân cực”, Đức Tổng Giám mục Cabrejos nói. “Peru bị chia cắt, nó bị chia rẽ, nhưng chúng ta chẳng được gì khi bảo vệ giấc mơ cá nhân thay vì giấc mơ chung. Chúng ta cần tạo ra những nhịp cầu chân thành của tinh thần huynh đệ và liên đới. Chúng ta phải xây dựng chứ không phải phá hủy”.
Giáo hội, Đức Tổng Giám mục Cabrejos nói, tin tưởng vào công ích, và sự tiến bộ của tất cả mọi người, đồng thời lên án sự tiến bộ của một bộ phận thiểu số để loại trừ những người khác.
“Đó quả là một thách thức lớn để vượt qua sự phân cực ở đất nước này”, Đức Tổng Giám mục Cabrejos nói.
Trong 5 năm tới – Tổng thống Peru sẽ cầm quyền trong 5 năm và không được bầu lại vào cuối nhiệm kỳ – các Giám mục sẽ phải thận trọng: Mặc dù đất nước này có đông đảo người Công giáo, 7 cựu thành viên du kích hiện nay là các thành viên của Quốc hội ủng hộ ông Castillo.
Mặc dù không có gì lạ khi quân du kích của Mỹ Latinh tham gia chính trị sau khi bỏ bạo lực sang một bên, “Shining Path” (Con đường Sáng), một đảng cộng sản cách mạng Peru và nhóm du kích, đã nhắm mục tiêu vào các giáo sĩ trong thời kỳ bạo lực nhất của nó, giết hại một số Linh mục và ít nhất một Nữ tu.
Minh Tuệ (theo Crux)