Các Giám mục đã kêu gọi nhiều sự viện trợ từ nước ngoài nhằm trợ giúp cho 6,5 triệu người tại các quốc gia châu Phi hiện đang có nhu cầu về thực phẩm.
Tại Malawi, có tới 40% dân số hiện đang cần đến sự viện trợ lương thực, các Giám mục nước này đã kêu gọi sự viện trợ từ phía quốc tế nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng rất có thể xảy ra.
“Quả thực chúng tôi cảm thấy vô cùng nản lòng và đau đớn khi nghĩ đến hiện trạng 6,5 triệu anh chị em nơi đất nước chúng tôi đang cần đến sự hỗ trợ nhân đạo”, Hội Đồng Giám Mục Malawi cho biết trong một tuyên bố hôm 1/7 vừa qua với chữ ký của Đức Cha Thomas Msusa của Blantyre – Chủ tịch Hội đồng Giám mục.
Theo đánh giá của chính phủ hồi tháng Năm, ít nhất sẽ có tới 6,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng an ninh thực phẩm trong năm tới. Malawi có dân số 16 triệu người.
Các Giám mục cho biết, “theo báo cáo từ các bệnh viện trong nước, con số các trường hợp suy dinh dưỡng ngày càng chiếm tỉ lệ cao hơn”. Các Giám mục cũng lưu ý rằng tình hình có thể sẽ xấu đi bởi vì đất nước có khả năng sẽ rơi vào giai đoạn mất mùa.
Malawi được coi là đất nước chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất bởi hiện tượng thời tiết El Nino mạnh bất thường ở Nam Phi. Các vụ mùa bắp vốn là thứ cây trồng chủ lực của nước này đã bị phá hủy bởi những trận lũ quét và hạn hán.
Các Giám mục đã ngỏ lời khen ngợi Tổng thống Peter Mutharika vì một tuyên bố mang tính chất quốc gia về thảm họa này và nói rằng “mức độ nghiêm trọng của tình hình này” đòi hỏi phải có những giải pháp để giải quyết tình hình trước mắt cũng như những giải phắp lâu dài.
“Chúng tôi muốn thông báo rằng quốc gia cần khoảng 307.5 triệu đôla để hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng”, các Giám mục cho biết.
Các Giám mục ghi nhận rằng với ngân quỹ này, nhiều người dân sẽ được cứu sống. Các Giám mục cũng kêu gọi các nhà hảo tâm trong nước cũng như quốc tế hãy “hãy quảng đại và rộng tay trong việc hỗ trợ các anh chị em chúng ta đang rất cần đến sự viện trợ lương thực”.
Chính sách an ninh lương thực và các kế hoạch chiến lược “sẽ không là gì cả” nếu chúng ta không hành động – các Giám mục cho biết – đồng thời, các ngài cũng lưu ý rằng Malawi rất cần một “sự chuyển đổi mô hình trong cách làm việc của chúng ta”.
Đất nước đang rất cần “những phương cách bền vững và sáng tạo” nhằm hỗ trợ nông dân ở các vùng nông thôn – nơi phần lớn dân số đang sinh sống và sự phổ biến của an ninh lương thực là cao nhất, các Giám mục nói.
Đối với “một nghành nông nghiệp vốn là trụ cột kinh tế của quốc gia”, việc khẩn trương tiến hành cải tiến cơ sở hạ tầng nông nghiệp vốn đã trở nên đổ nát là một hành động tối cần thiết lúc này – các Giám mục nhấn mạnh – “Chúng tôi kêu gọi chính phủ phải cam kết đảm bảo an ninh lương thực tại Malawi bằng cách ban hành một dự luật về ‘Quyền được tiếp cận với thực phẩm’ đối với những người lâm cảnh đói kém”.
Minh Tuệ (theo Catholicherald)