Nhân kỷ niệm 54 năm độc lập ngày 29 tháng 4 vừa qua HĐGM Malawi đã công bố thư mục vụ kêu gọi mọi công dân thay đổi tâm thức, tận dụng các tài nguyên phong phú của quốc gia để thăng tiến phát triển và đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới thịnh vượng, công bằng, và hạnh phúc ấm no cho mọi người.
Thư mục vụ mang chữ ký của 2 Tổng giám mục và 6 Giám Mục và gồm ba chương. Chương một đề cập tới sự cấp thiết của một kỷ nguyên mới với một nhận thức thực thi dân chủ cao độ với tất cả tinh thần trách nhiệm. Chương hai đề cập tới việc phục vụ xã hội qua các chương trình y tế, giáo dục, phát triển nông nghiệp kỹ nghệ, các cơ cấu hạ tầng và việc tôn trọng môi sinh. Chương ba đề cập tới các cuộc bầu cử vào năm 2019, các đức tính cần thiết của các ứng cử viên, và việc thay đổi tâm thức của người dân Malawi.
Cộng hòa Malawi rộng 118.480 cây số vuông có 16,3 triệu dân, được độc lập khỏi Anh quốc năm 1964. Tên quốc gia là tên hồ Malawi trong tiếng Bantu cũng gọi là Niassa là hồ lớn hàng thứ ba của đại lục Phi châu. Trên tổng số dân có 95% là gốc phi châu da đen gồm nhiều chủng tộc khác nhau như: Nyanja, Yao, Tumbuka, Lomwe, Sena,
Tonga, Ngoni,
Ngonde. Cũng có các nhóm thiểu số da trắng, đông nhất là gốc Angloxason, Á châu và Ấn độ. Chủng tộc Chewa là nhóm đông nhất. Tiếng Chewa là ngôn ngữ được nói trong toàn nước. Tuy tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, nhưng chỉ được nói và hiểu tại thủ đô và trong các thành phố. Trên binh diện tôn giáo 75% tổng số dân theo Kitô giáo, trong đó có 55% là tín hữu tin lành và 20% là tín hữu công giáo, 15% còn lại theo Hồi giáo.
Malawi có nền kinh tế dựa trên nông nghiệp chiếm 38,6% tổng sản lượng quốc gia, cung cấp 80% công việc làm và 80% việc xuất cảng. Bốn sản phẩm chính là thuốc lá, chè, đường mía và bắp.
Bên cạnh đó là đậu, gạo, cassava và đậu phọng. Mới đây tổng thống Malawi khuyến khích dân chúng canh tác thêm các sản phẩm khác như bông gòn, lý do là vì số người hút thuốc tại các nước tây âu thuyên giảm. Sự kiện Malawi chỉ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, và không có các quặng mỏ khiến cho nền kinh tế dễ bị tổn thương, vì giá cả thị trường lên xuống thất thường. Ngoài ra còn có sự kiện các cơ cấu hạ tầng yếu kém, trình độ trí thức của người dân còn thấp, giới trẻ găp khó khăn trong việc đi du học và làm việc tại nước ngoài, nạn gian tham hối lộ lan tràn trong các giới chức chính trị, các dịch vụ y tế tùy thuộc các tổ chức nước ngoài, cơ sở hạ tầng như đường sá, điện nước thiếu thốn… tất cả đều là các yếu tố khiến cho Malawi vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo đói và chậm tiến.
** Chính trong bối cảnh này của đất nước các Giám Mục Malawi nhận định rằng: “Kể từ khi độc lập cho tới nay 54 năm đã qua rồi mà nhân dân Malawi đã không đạt được điều mọi người hy vọng. Chúng tôi đau buồn sâu xa ghi nhận rằng đa số dân chúng vẫn còn đang quằn quại dưới gánh nặng của nghèo nàn, dốt nát, bệnh tật, đói khát và một tâm thức méo mó nghiêm trọng, đã đưa tới tình trạng suy đồi luân lý xã hội. Chúng ta có các tài nguyên Thiên Chúa ban tặng như một dân tộc cần mẫn, hồ lớn thứ ba trong đại lục Phi châu, đất đai phì nhiêu, núi non hùng vĩ, các tài nguyên thiên nhiên và ơn quý báu là nền hòa bình mà Malawi đã được hưởng ngay từ ngày độc lập. Nhưng muốn có tiến bộ, chúng ta cần phải thay đổi hoàn toàn não trạng hầu có thể cải tiến tình hình.
Trước hết là suy tư về tình hình dân chủ sau 25 năm đề ra chính sách đa đảng bằng cách tự hỏi: “Chúng ta đang sống trong một nền dân chủ thực sự, hay trong một chế độ cho phép một ít người thực thi quyền bính và hưởng thụ sự giầu có của quốc gia gây thiệt thòi cho đại đa số dân? Một trong nút thắt phải tháo cởi đó là sự kiện lợi lộc của lãnh tụ các đảng phái, của đa số cầm quyền hay phe đối lập đã trở thành điểm quy chiếu của cung cách cai trị gây thiệt hại cho các thành viên và các cử tri. Chúng ta không thể chờ đợi để cho giới lãnh đạo bóp nghẹt nền dân chủ và thăng tiến nền văn hóa sợ hãi bên trong chính các đảng phái của họ, với các thành viên bất ngờ trở thành các nhân vật dân chủ lên cầm quyền cai trị đất nước. Mục đích của chính trị là thăng tiến hạnh phúc của tất cả mọi người, chứ không phải chỉ của những người gắn bó với người quyền thế thay nhau cai trị.
Trong thư mục vụ các Giám Mục lấy làm tiếc phải ghi nhận rằng từ năm 1993 đến nay đa số các đảng phái chính trị, nếu không nói là tất cả, đã thất bại trong việc thăng tiến ý thức và cung cách hành xử dân chủ giữa các đảng phái với nhau. Các Giám Mục đã trích lại một số điều trong Thư mục vụ năm 2008 về đề tài “Lãnh trách nhiệm đối với tương lai chúng ta và đọc hiểu các dấu chỉ thời đại” và ghi nhận tình hình đáng buồn đang xảy ra trong các đảng phái chính trị Malawi như sau: các quyết định chính đều do lãnh tụ của đảng định đoạt một mình, và đôi khi chỉ tham khảo ý kiến vài bạn thân, các người theo mình hay người của bộ tộc. Các đảng phái thất bại trong việc công khai thảo luận việc liên minh với các đảng nào trong các cuộc bầu cử tổng thống. Nhiều lập trường của đảng là do thủ lãnh đề ra, chứ không do ý kiến đóng góp của mọi người trong đại hội. Các đại hội ít khi được triệu tập, hay khi được triệu tập lại bị lèo lái, không có các cuộc thảo luận đầy đủ.
Các kết quả bầu cử thường đã được định đoạt trước. Việc lựa chọn các ứng viên của đảng thường không công khai trong sáng. Các viên chức cao của đảng được hưởng nhiều ưu tiên khiến cho mọi người bị tước đoạt. Những người có quan điểm khác với hàng lãnh đạo đảng đều bị bài trừ, và bị coi là những kẻ phản bội và luôn luôn được gọi với các từ tương tự. Có các mưu toan bóp nghẹt các đảng phái khác, mua chuộc các thành viên và khoe khoang đề bạt họ trong các cuộc diễn hành hay tụ họp công cộng. Chỉ đề ra các chương trình phát triển trong những vùng ủng hộ đảng cầm quyền. Thiếu sự tiếp nối trong các đường lối chính trị phát triển, vì mỗi chính phủ lên nắm quyền với chương trình riêng của mình. Thế rồi guồng máy chính phủ không phục vụ nhân dân đủ, mà chỉ ưu tiên cho những người ủng hộ đảng cầm quyền mà thôi. Và sau cùng các ứng cử viên độc lập được dân chúng ủng hộ lại bị khước từ trên bình diện đảng phái.
** Nhìn vào hiện tình chính trị Malawi người ta nhận thấy không có dân chủ bên trong các đảng phái cũng như giữa các đảng phái với nhau. Việc tôn thờ cá nhân trong các đảng phải chính trị vẫn tiếp tục. Chính vì thế cần có sự thay đổi não trạng hoàn toàn, và chúng tôi kêu gọi giới lãnh đạo mọi đảng phái chính trị thăng tiến dân chủ thực sự trong các đảng của mình. Chỉ như thế chúng ta mới có thể tạo dựng một nền dân chủ đúng nghĩa tại Malawi.
Đa số dân Malawi đánh giá cao các ích lợi của nền dân chủ, vì nó đề cao quyền tự do thành lập các hiệp hội, tự do phát biểu, tự do hội họp, tự do tôn giáo và tự do báo chí. Nhưng họ không tin tưởng các đảng phái chính trị và giới lãnh đạo, vì các đảng phái và cơ cấu chính quyền đã liên tục thất bại, không có khả năng đáp ứng các nhu cầu nền tảng và lo lắng an sinh cho nhân dân có công ăn việc làm, nhà ở, lương thực, điện nước, sức khỏe, giáo dục và các cơ cấu hạ tầng cần thiết cho cuộc sống xã hội. Trái lại, người dân chỉ thấy giới lãnh đạo và các đảng phái lo cho các lợi lộc phe nhóm, bộ tộc của mình. Điều này khiến cho người dân nghĩ rằng chính quyền hiện hữu không phải để lo cho dân và cho công ích, nhưng chỉ để vinh thân phì gia và vơ vét cho chính mình. Nền dân chủ vô nghĩa, nếu nó không là dụng cụ đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của người dân. Vì thế hàng lãnh đạo chính trị cần phải duyệt xét lại các cung cách hành xử và đường lối chính trị của mình, và sửa đổi để tái chiếm sự tin tưởng của quốc dân. Mọi người đều phải hiểu rằng nền dân chủ tinh túy đòi hỏi mọi người phải có tinh thần trách nhiệm và chu toàn các bổn phận của mình, chứ không phải chỉ đòi hỏi các quyền lợi và đặc ân. Cần duy trì việc phân biệt rõ ràng các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, và thực thi Hiến Pháp quốc gia một cách nghiêm minh, liêm chính.
Trong chương II của thư mục vụ các Giám Mục Malawi duyệt qua vài lãnh vực cụ thể trong đời sống của người dân. Trước hết là việc săn sóc sức khỏe. Lãnh vực y tế tại Malawi đang bị khủng hoảng nặng nề, vì thiếu các nhân viên được đào tạo tới nơi tới chốn, thiếu các loại thuốc nền tảng cần thiết như các thuốc chống đau và thuốc chống sốt rét rừng, găng tay giải phẫu, bông gòn và thuốc sát trùng giải phẫu. Thêm vào đó là số các bác sĩ quá ít, trong khi số bệnh nhân quá đông. Tình trạng vệ sinh quá thấp và nghèo nàn, các nhà thương chật chội thiếu giường và vải trải giường vv… Có những người biến hệ thống cung cấp thuốc thành mỏ vàng khai thác cho các lợi nhuận cá nhân. Và có cả một hệ thống cướp bóc tất cả những gì có thể đem lại tiền bạc, trong đó có cả các nhân viên nhà thương tư và nhân viên dân sự cũng như các tổ chức cung cấp thuốc nhận cả các loại thuốc đã hết hạn và bán đi để kiếm lời. Toàn hệ thống y tế Malawi trở thành nạn nhân của gian tham hối lộ. Các bệnh nhân và người canh giữ họ bị bắt buộc trở thành kẻ ăn mày. Bất cứ gì cũng phải đút lót tiền bạc, mặc dù trên lý thuyết mọi phục vụ đều không mất tiền. Mọi sự xảy ra dưới mắt của hàng lãnh đạo, nhưng họ lại không làm gì cả để cải tiến tình trạng tồi tệ này.
** Trong lãnh vực giáo dục tình hình cũng thê thảm không kém: số học sinh sinh viên đông, nhưng thiếu giáo sư chuyên môn được đào tạo kỹ lưỡng, tiền lương của các giáo chức quá ít, các điều kiện phục vụ nghèo nàn, cơ cấu hạ tầng nghèo nàn thiếu thốn, thiếu các vật liệu giáo dục, thay đổi trường học mà không có chương trình riêng và không được chuẩn bị. Trích lại thư mục vụ năm 2016 các Giám Mục Malawi khẳng định rằng giới lãnh đạo phải đầu tư nhiều hơn cho nền giáo dục, nếu muốn cho đất nước tiến bộ.
Trong lãnh vực nông nghiệp, là nguồn lợi kinh tế chính của Malawi, các Giám Mục ghi nhận tình trạng thiếu hệ thống cung cấp nước cho mùa màng, nông nghiệp tùy thuộc vào nước mưa, thiếu các loại ngũ cốc khác nhau, nông dân quá nghèo, giá sản xuất mắc mỏ, nạn gian tham hối lộ lan tràn, thiếu chương trình trợ giúp nông dân, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Quyền có thực phẩm để sống là quyền căn bản của con người. Vì thế chính quyền phải nỗ lực cải tiến nông nghiệp thế nào để đất nước có đủ lương thực, và giới nông dân bớt cơ cực hơn.
Các Giám Mục Malawi cũng đề cập tới là các cơ cấu hạ tầng cần thiết cho việc phát triển an sinh liên quan tới nhà ở, hệ thống giao thông, đường sá cầu cống và các phương tiện di chuyển cho dân. Ở đây nạn gian tham hối lộ, bao che chính trị, phương án nghèo nàn và thiếu nguồn tài chánh khiến cho biết bao nhiêu công trình mắc tiền nhưng dang dở không hoàn thành. Nó làm giầu cho một thiểu số, nhưng gây thiệt hại cho toàn dân và bao thế hệ tương lai phải trả nợ, mà không đáp ứng các nhu cầu thực tiễn của người dân.
54 năm đã qua rồi từ ngày đất nước được độc lập, nhưng đại đa số dân Malawi vẫn chưa có nước trong lành để uống, chưa có các điều kiện sống vệ sinh, chưa có điện và hệ thống lưu thông, đường sá sạch sẽ, nhà ở khang trang. Trái lại, họ vẫn phải sống trong cảnh nghèo túng và bần cùng như ông Ladaro, trong khi một thiểu số trong đó có hàng lãnh đạo sống sang giầu như lão phú hộ trong Phúc Âm. Hố sâu ngăn cách giữa đại đa số dân nghèo và thiểu số giầu ngày càng gia tăng. Thiểu số giầu được hưởng mọi đặc ân đăc lợi trong cuộc sống: từ xe cộ tới nhà ở, giáo dục săn sóc sức khỏe và nhiều quyền lợi khác nữa hoàn toàn miễn phí.
Vấn đề cuối cùng là ô nhiễm môi sinh gắn liền với khoảng cách ngày càng xa giữa người giầu và dân nghèo. Môi sinh là nguồn lợi đem lại rất nhiều lợi nhuận. Vì thế việc khai thác và tàn phá rừng Chikangawa đem lại lợi nhuận cho giới giầu, nhưng gây ô nhiễm để lại các hậu quả tiêu cực trên thiên nhiên và đời sống của dân nghèo.
Trong chương 3 thư mục vụ của các Giám Mục Malawi hướng tới các cuộc bầu cử năm 2019, kêu gọi toàn dân thay đổi tâm thức, và biết lựa chọn các chính trị gia tài đức để bắt đầu một kỷ nguyên mới cho quốc gia. Các ứng cử viên phải có cuộc sống liêm chính, biết lo cho công ích, yêu nước, thương dân, có tinh thần phục vụ, cương nghị, biết tôn trọng luật lệ, không thiên vị, vượt lên trên các lợi lộc của bộ tộc vùng miền và đảng phái phe nhóm chính trị, không tham quyền cố vị, và biết kính sợ Thiên Chúa.
Để phát triển và thăng tiến quốc gia mọi người dân Malawi phải ý thức trách nhiệm chung xây một xã hội mới thực sự dân chủ, công bằng, văn minh, tôn trọng nhân quyền và thăng tiến đất nước.
Linh Tiến Khải Radio Vatican