Các Giám mục Công giáo Ireland đã ca ngợi quyết định của Tòa án Tối cao nước này vốn sẽ cho phép những người đang xin quyền tị nạn có thể tìm kiếm việc làm trong khi tình trạng của họ vẫn đang chờ để được quyết định.
Hôm 30 tháng 5 vừa qua, Toà án Tối cao Cộng hoà Ireland đã đưa ra phán quyết rằng các luật cấm vô thời hạn không cho những người đang xin quyền tị nạn được nhận việc làm là một hành vi vi hiến.
Vụ việc này đã được đưa ra bởi một người tị nạn Miến Điện vốn đã nằm trong danh sách hệ thống những người xin quyền tị nạn tám năm trời trước khi được xác nhận quyền tị nạn. Anh cho rằng việc được phép làm việc là điều quan trọng đối với giá trị bản thân, phẩm giá cũng như sự phát triển của mình.
Phán quyết đã xem xét quyền để được tìm kiếm việc làm là “một phần của nhân cách con người”, do đó, nó không thể bị hạn chế đối với mọi công dân.
Đức Giám mục John McAreavey Địa phận Dromore – Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hoà bình, Trực thuộc Hội đồng Giám mục Ireland, cho biết: “Những phán quyết của Tòa án rất mạnh mẽ và sâu sắc, và họ đã nói về những điều mà chúng ta nên khao khát: ‘Việc làm tổn hại đến giá trị bản thân, cũng như ý thức về bản thân, chính xác là những tổn hại mà quyền về Hiến pháp [trong việc tìm kiếm việc làm] muốn bảo vệ’”.
Đức Giám mục McAreavey đã viết trong một tuyên bố hôm 5 tháng 6 vừa qua rằng phán quyết này đã phản ánh các giá trị của ĐTC Phanxicô, người đã yêu cầu tất cả các quốc gia cần phải “cởi mở cách quảng đại” đối với những người di cư, vào thời điểm mà phần lớn thế giới hiện đang phải trải qua cái được gọi là cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Hàng triệu người hiện đang xin quyền tị nạn từ Trung Đông cũng như nhiều nơi khác đã đổ bộ vào Liên minh Châu Âu và nhiều khu vực khác để tìm kiếm nơi ẩn náu nhằm tránh khỏi cảnh bạo lực và nền kinh tế khó khăn của nước họ.
Các quốc gia trên khắp Châu Âu đã phải vật lộn để có thể đáp ứng được với số lượng lớn những người xin tị nạn. Ireland đã cam kết sẽ tiếp nhận 700 người tị nạn trong năm nay, mặc dù việc di cư của một số nơi trong số này đã bị đình trệ do các cuộc đàm phán thương lượng.
Đức Giám mục McAreavey lưu ý rằng sự an toàn mặt vật chất và tinh thần của những người di dân đã trở thành mối bận tâm của các Giám mục thuộc Ủy ban Công lý và Hoà bình, vốn đã công khai đề khởi những vấn đề có liên quan đến Trung tâm Tiếp tế Trực tiếp – một hệ thống của Cộng hòa Ireland để chăm sóc những người xin tị nạn.
“Việc loại bỏ lệnh cấm làm việc có nghĩa là những người trong các Trung tâm Tiếp tế Trực tiếp có nhiều khả năng để có thể hội nhập và trở thành một phần của một xã hội phong phú, đa dạng và thống nhất hơn; những người tìm kiếm quyền tị nạn sẽ hồi phục việc nhận được sự tôn trọng của họ thông qua công việc và tất cả chúng ta sẽ được hưởng lợi từ những kỹ năng cũng như những quà tặng mà họ đem lại”, Đức Giám mục McAreavey nhấn mạnh.
Đức Giám mục McAreavey đồng thời khuyến khích Chính phủ “nhìn nhận những phẩm chất tuyệt vời – về luân lý, tinh thần công dân, văn hoá và kinh tế – cho phép những người nhập cư đã đến Ireland để tham gia và đóng góp cho xã hội chúng ta nơi đây. Tôi sẽ khuyến khích các nhà hoạch định chính sách cần phải cân bằng nhiệm vụ của Chính phủ để quản lý các nguồn lực quốc gia với nhiệm vụ song hành nhằm đối đãi với những người xin tị nạn một cách nhân đạo.
Đức Giám mục McAreavey cũng lưu ý rằng những người xin tị nạn cũng như gia đình họ có một “ước muốn thân thiện để được hòa nhập và đóng góp vào lợi ích chung của xã hội Ireland chúng ta”.
“Tôi biết ơn Tòa án Tối cao vì đã nhắc nhở chúng tôi, trong những thời điểm đầy bất ổn và hoài nghi, về những điều mà chúng ta phải làm như một nền văn hoá, cụ thể là một xã hội vừa bảo vệ con người và đồng thời phải cho phép những tài năng của họ có cơ hội được phát triển”, Đức Giám mục McAreavey kết luận.
Việc cấm những người xin tị nạn được làm việc dựa trên một số luật, và nó có thể được điều chỉnh bằng nhiều cách thức. Do đó, Tòa án Tối cao đã quyết định đợi sáu tháng để cho phép những sửa đổi về mặt hành pháp và lập pháp trước khi đưa ra những sắc lệnh cụ thể.
Minh Tuệ chuyển ngữ