Các Giám mục Indonesia đã chính thức yêu cầu chính phủ tạm hoãn án tử hình.
Theo báo cáo được gửi tới Fides do Linh mục Paulus Christian Siswantoko – thư ký điều hành của Ủy ban Công lý, Hòa bình và Chăm Sóc Mục Vụ Di Dân thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Indonesia – lá thư được gửi đến các quan chức chính phủ nước này tuyên bố rằng “quả là một điều phù hợp đối với chính phủ để có thể đánh giá cách cẩn thận hơn nữa trong việc thi hành án tử hình để có thể nhận biết tác động của hình phạt tử hình, đồng thời đảm bảo rằng việc thi hành án đã thực sự có tác dụng răn đe và ngăn cản tội phạm”. Trong một cuộc phỏng vấn với Agenzia Fides, Linh mục Siswantoko nhắc lại rằng Giáo hội Công giáo đã nhiều lần yêu cầu một lệnh cấm đối với án tử hình tại nước này, “nhưng cho đến nay chính phủ đã không thực sự lắng nghe tiếng nói của những người mạnh mẽ lên tiếng phản đối án tử hình”.
Trong một Hội nghị gần đây với chủ đề “Quyền được sống và án tử hình trong nền thần học của các tôn giáo”, Linh mục Siswantoko cho biết rằng “Giáo Hội Công Giáo vẫn còn nuôi dưỡng hy vọng đối với một lệnh cấm về án tử hình”, không những vì những lý do tôn giáo mà còn cả những lí do về dân sự.
Thực ra, theo Linh mục Siswantoko, Giáo Hội Công Giáo phản đối án tử hình vì lí do tôn trọng quyền cơ bản của con người đối với sự sống, như đã được giải thích trong Thông điệp ‘Evangelium Vitae’ (Tin Mừng về Sự Sống) được công bố năm 1995 bởi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Mặt khác “án tử hình đi ngược lại với ‘ngũ giới Pancasila’ (năm nguyên tắc cơ bản của chính phủ) và Hiến pháp Indonesia – trong đó tuyên bố bảo vệ tính mạng và các quyền căn bản của con người”. “Kế đến, người ta có thể nhận thấy rằng án tử hình không hề làm giảm tội phạm”, Linh mục Siswantoko cho biết.
Kể từ năm 2015, hàng chục tội phạm ma túy đã bị thi hành án tử hình tại Indonesia: “Liệu đã có một tác động đáng kể cũng như hiệu ứng răn đe nào thực sự hiệu quả không?”, Linh mục Siswantoko chất vấn, ngài lưu ý rằng sự lan tràn và nạn buôn bán ma túy là một hiện tượng không những xảy ra ở cấp quốc gia mà còn cấp độ quốc tế.
Trong số các diễn giả khác, đó là Mục sư Gomar Gultom – đại diện của sự “Hiệp thông của Giáo Hội tại Indonesia” khẳng định “án tử hình không có tác dụng răn đe, đó không phải là một công cụ phù hợp với luân lý”. Ông Siti Musdah Mulia – một giáo sư Hồi giáo tại trường Đại học Hồi giáo ‘Syarif Hidayatullah’, đồng thời là tổng thư ký Hội nghị Indonesia về “Tôn giáo vì Hòa bình” nhắc lại rằng Hồi giáo dạy con người ta phải tôn trọng và bảo vệ đồng loại khỏi những hành vi phân biệt đối xử, bóc lột cũng như bạo lực. “Án tử hình quả không phù hợp với giáo lý cũng như niềm tin tôn giáo vốn đề cao tầm quan trọng của sự sống, phải bảo vệ sự sống như một ân ban vô giá nhất mà Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa – đã khấng ban cho con người. Hồi giáo dạy các tín hữu phải tôn trọng phẩm giá của con người, đồng thời xem trọng con người như một tạo vật hoàn hảo nhất của Thiên Chúa. Án tử hình chính là một sự khinh thường trước sự vĩ đại và quyền năng của Thiên Chúa. “Sau cùng – ông cho biết – “án tử hình không phù hợp với những giá trị về dân chủ cũng như những nguyên tắc về các quyền của con người”.
Minh Tuệ chuyển ngữ