Các cơ quan của các Giám mục Công giáo Hoa Kỳ và Châu Âu đã kêu gọi tất cả các quốc gia triển khai một kế hoạch nhằm loại bỏ vũ các loại khí hạt nhân ra khỏi kho vũ khí của họ.
Một tuyên bố chung được công bố hôm 6 tháng 7 vừa qua bởi Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ và Hội nghị các Ủy ban Công lý và Hoà bình Châu Âu, đã kêu gọi Hoa Kỳ và các quốc gia Châu Âu cùng cộng tác với các quốc gia khác nhằm “lập ra một chiến lược đáng tin cậy, có thể kiểm soát được và có hiệu lực thi hành, để loại bỏ hoàn toàn các loại vũ khí hạt nhân.”
“Bản chất mù quáng và thiếu cân đối của các loại vũ khí hạt nhân buộc thế giới phải vượt qua rào cản hạt nhân”, tuyên bố cho biết.
Với nhan đề “Giải trừ quân bị hạt nhân: Tìm kiếm An ninh nhân loại”, bản tuyên bố được công bố một ngày trước phiên bế mạc, hôm 7/7 vừa qua, của Hội nghị lần thứ hai của LHQ thảo luận về một hiệp ước nhằm ngăn cấm hoàn toàn các loại vũ khí hạt nhân.
Tuyên bố này mang chữ kí của Đức Giám mục Oscar Cantu Địa phận Las Cruces, New Mexico – Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình Quốc tế của HĐGM Công giáo Hoa kỳ, và Đức Tổng Giám mục Jean-Claude Hollerich Địa phận Luxembourg – Chủ tịch Hội nghị Các Ủy ban Công lý và Hoà bình Châu Âu.
“Giáo huấn của Giáo hội chúng ta, từ sách Giáo lý Giáo hội Công giáo cho đến Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và ĐTC Phanxicô, về nhu cầu cấp bách đối với việc giải trừ hạt nhân, quả là hết sức rõ ràng”, Đức Cha Cantu phát biểu trong một tuyên bố kèm theo bản tuyên bố chung này. “Đã đến lúc chúng ta phải chú ý đến sự đòi buộc về luân lý này và đồng thời thúc đẩy vấn đề an ninh nhân loại cả ở Hoa Kỳ và châu Âu cũng như trên toàn cầu”.
Hoa Kỳ và hầu hết các quốc gia Châu Âu đã ngồi bên lề trong các cuộc họp của LHQ thảo luận về lệnh cấm vũ khí, ưu tiên tập trung vào nhu cầu phải có các biện pháp an ninh rộng rãi hơn nhằm cho phép mưu cầu sự ổn định mang tính chiến lược trên con đường hướng tới việc giảm bớt có thể thực hiện được đối với các kho vũ khí hạt nhân. Nói chung, khoảng 40 quốc gia đang tẩy chay các cuộc đàm phán nhằm ngăn cấm các loại vũ khí như vậy. Hầu hết các quốc gia đều tiếp tục ủng hộ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân nhằm ngăn chặn sự lan rộng của các loại vũ khí hạt nhân và công nghệ vũ khí hạt nhân.
Đức Cha Cantu phát biểu với Catholic News Service rằng Ủy ban của ngài và các Giám mục Âu Châu muốn nhấn mạnh “sự vắng mặt rõ rệt” của các quốc gia có vũ khí hạt nhân, kể cả Mỹ, trong hội nghị của LHQ.
“Sự vắng mặt này rõ ràng khiến chúng ta phải thúc giục tiếng nói của luân lý, phải lên tiếng một cách mạnh mẽ. Hãy nhìn từ khía cạnh luân lý những ưu tiên của chúng ta như một quốc gia khi chúng ta tìm kiếm việc đầu tư hàng trăm tỷ đô la vào việc hiện đại hóa và đổi mới kho vũ khí hạt nhân”, Đức Cha Cantu nói.
Tuyên bố này, Đức Cha Cantu giải thích, nhằm khuyến khích các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tham gia các cuộc họp của LHQ và thực hiện những chỉ dẫn trong việc giảm bớt và cuối cùng hướng tới việc loại bỏ các kho vũ khí hạt nhân.
“Có một số vấn đề về luân lý thực sự nghiêm trọng, các vấn đề về kinh tế, các vấn đề ưu tiên, các vấn đề chính sách mà chúng ta muốn nêu bật đối với xã hội cũng như toàn bộ cử tri của chúng ta”, Đức Cha Cantu nói.
“Chúng ta cũng có thể mượn tiếng nói cũng như tuyên bố của Vatican được ban hành vào năm 2014, vốn thực sự quan trọng, đã làm sáng tỏ ít nhất đối với thế giới Công giáo cũng như những người khác, rằng vấn đề luân lý đối với hành động ngăn chặn này được cho là một bước đi trên con đường hướng tới việc loại bỏ các loại vũ khí hạt nhân.” “Kho dự trữ vũ khí hạt nhân tự nó không phải là một lộ trình”, Đức Cha Cantu cho biết thêm.
Tuyên bố thừa nhận rằng các quốc gia có vũ khí hạt nhân đã chi hàng tỷ đô la để hiện đại hóa các kho vũ khí hạt nhân của họ. “Những chương trình tốn kém này sẽ chuyển hướng các nguồn lực khổng lồ khỏi những nhu cầu cấp bách khác nhằm bảo đảm vấn đề an ninh”, tuyên bố cho biết.
“Thực tế là hầu hết các quốc gia trên thế giới đang tham gia vào nỗ lực này, chứng tỏ tính cấp bách đối với mối bận tâm của họ, một sự cấp bách được tăng cường bởi viễn cảnh của chủ nghĩa khủng bố hạt nhân và việc phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng như sự bất bình đẳng và sự bất mãn của các quốc gia phi hạt nhân về sự thiếu tiến bộ trong quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân”, tuyên bố nhấn mạnh.
Tuyên bố này đã trích dẫn lời của ĐTC Phanxicô. Trong suốt triều đại Giáo hoàng của mình, ĐTC đã nhiều lần kêu gọi loại bỏ vũ khí hạt nhân, gần đây nhất là trong Sứ điệp gửi tới phiên khai mạc Hội nghị của Liên hợp quốc về một hiệp ước cấm các loại vũ khí như vậy vào hồi tháng Ba vừa qua.
Minh Tuệ (theo The Catholic Register)