Các Giám mục Hoa Kỳ tìm cách chống lại nạn phân biệt chủng tộc ở cả cấp quốc gia và địa phương

Sau tuyên bố của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ hồi tháng trước để thành lập một ủy ban đặc biệt chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, nhiều Giám mục khắp đất nước cũng đã tham gia vào cuộc chiến tại các Giáo xứ của họ, khởi động các sáng kiến và đồng thời tham gia vào các cuộc tranh luận tại địa phương mà họ tin là đang gia tăng sự căng thẳng về chủng tộc.

NEW YORK – Một tháng sau khi các Giám mục Công giáo Hoa Kỳ công bố họ sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt để chống lại tội ác của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, nhiều thành viên hàng giáo phẩm Giáo Hội cũng đang cân nhắc việc họ có thể chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong nội bộ của họ như thế nào.

Trong một bài thuyết trình chuyên đề vào tuần trước tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, Đức Giám mục Edward Braxton Địa phận Belleville, Illinois, cho biết các cuộc tranh luận về các công trình kỉ niệm cuộc nội chiến và tượng đài tử sĩ miền Nam ‘Confederate memorials’ đã không có một giải pháp duy nhất, nhưng sẽ được giải quyết cách tốt nhất ở cấp địa phương.

Trong khi các Giám mục Hoa Kỳ dự kiến sẽ phát hành bức thư mục vụ mới nhất về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vào năm 2018, Đức Cha Braxton cho biết Ngài hy vọng nó sẽ được đón nhận không chỉ bởi một số ít các nhóm da màu mà còn bởi “các giáo xứ lớn ở ngoại ô không có người da màu sẽ đọc nó” và đồng thời xem xét lại cách thức các giáo xứ của họ có thể giải quyết vấn đề như thế nào.

Những lời nhận xét của Đức Cha Braxton đã được đưa ra trong một ‘cuộc hội thảo’ diễn ra nguyên ngày tại trường Đại học Công giáo Hoa Kỳ dành cho các thành viên của ‘National Catholic School of Social Service’. Chương trình nhằm mục đích cung cấp một cuộc nghiên cứu về cách thức mà các sinh viên có thể học hỏi để giải quyết nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống.

Trong một mục báo vào tuần trước, Đức TGM José Gomez Địa phận Los Angeles đã lập luận rằng mặc dù luật pháp chính là một phần quan trọng của việc hòa hợp sắc tộc, thế nhưng sẽ cần nhiều hơn thế nữa.

“Chỉ có luật pháp thôi thì không thể thay đổi đầu óc và tâm trí của một người”, Đức TGM Gomez viết.

Khi quan tâm đến “những người đàn ông da đen và gốc Mỹ latinh trẻ tuổi chết trên đường phố”, Đức TGM Gomez khuyến khích Giáo hội nhìn vào những mẫu gương của Martin Luther King, Jr, Dorothy Day và Cesar Chavez, những người đã ủng hộ các giải pháp bất bạo động đối với các cuộc xung đột.

“Không ai sinh ra để thù ghét người khác. Thù hận là một điều gì đó học từ người khác. Và vì vậy nó phải là điều ‘không nên được biết đến’. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần trở thành những thầy dạy của tình yêu”, Đức TGM Gomez viết.

20161209T1144-6727-CNS-YEAR-END-RACISM-COMEBACK-690x450Một ví dụ thực tiễn về chủ trương phi bạo lực đang được in sâu nơi Tổng Giáo phận Chicago, nơi mà Đức Hồng Y Blase Cupich đã ban hành một quy định vào đầu tháng này cấm sử dụng súng tại tất cả các giáo xứ, các trường học cũng như các tài sản khác của Giáo phận.

Nỗ lực này là một quyết định theo sau quyết định của ĐHY Cupich vào hồi tháng Tư năm ngoái để chi 250.000 đô la để hỗ trợ các chương trình phòng chống bạo lực ở cấp cơ sở, đặc biệt là các chương trình nhằm giảm nghèo đói và thúc đẩy việc chữa lành và hòa giải sắc tộc.

Đức Thánh Cha Phanxicô thậm chí còn cân nhắc trong dịp này, Ngài đã gửi một bức thư cho ĐHY Cupich và cho biết rằng Ngài nhận thức được tình hình tại Chicago và đồng thời cầu nguyện cho việc chấm dứt bạo lực.

“Tôi biết rằng nhiều gia đình đã phải mất những người thân yêu vì vấn đề bạo lực. Tôi muốn gần gũi với họ, tôi chia sẻ sự đau buồn của họ, và đồng thời cầu nguyện để họ có thể cảm nghiệm được sự chữa lành và hòa giải thông qua ân sủng của Thiên Chúa”, ĐTC Phanxicô viết.

Trong khi đó tại El Paso, Texas, Đức Giám Mục Mark Seitz đã can thiệp vào nỗ lực của các nhà phát triển thành phố trong việc phá hủy khu phố Duranguito, một nơi của di sản văn hoá và niềm tự hào của các cư dân vùng biên giới.

Đức Cha Seitz đã phát biểu tại buổi điều trần của hội đồng thành phố gần đây về vấn đề này, và trong một tuyên bố được công bố vào tuần trước, vị Giám chức đã than phiền về điều mà Ngài mô tả là “một sự căng thẳng đang ngày càng tăng và việc thiếu tin tưởng lẫn nhau”.

Trong lời kêu gọi các cư dân thành phố để cùng cộng tác với nhau, Đức Cha Seitz đã nhắc lại những lời của ĐTC Phanxicô trong Thông điệp ‘Laudato si’ năm 2015, trong đó Đức Cha Seitz viết, “Điều quan trọng là nhiều khu vực khác nhau của thành phố đã được hòa nhập một cách tốt đẹp và những người dân sống ở đó có được sự ý thức về toàn thể cộng đồng. Những người khác sẽ không còn được coi là những người xa lạ, mà là một phần của “chúng ta”, mà tất cả chúng ta đang nỗ lực tạo ra”.

Các sự kiện đẫm máu tại Charlottesville, Virginia, nơi những người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, các thành viên thuộc nhóm ‘KKK’ và những người chủ trương ưu thế của những người da trắng phản đối mạnh mẽ việc loại bỏ bức tượng Confederate – đã thúc đẩy quyết định của các Giám mục Hoa Kỳ trong việc thành lập một ủy ban đặc biệt chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Tuy nhiên, thậm chí ngay cả trước khi các Giám mục thành lập ủy ban quốc gia, Đức Giám Mục Nicholas DiMarzio Địa phận Brooklyn, New York đã tuyên bố kế hoạch riêng của mình để thành lập một ủy ban đặc biệt của Giáo phận về vấn đề phân biệt chủng tộc.

Thông báo của Đức Cha DiMarzio đã được đưa ra trong một Thánh lễ được cử hành để cầu nguyện cách đặc biệt cho tinh thần liên đới và hòa bình được tổ chức vào tháng Tám, trong đó Đức Cha DiMarzio cho biết rằng Giáo phận sẽ xem xét những cách thực tế để lắng nghe những người đã phải “chịu đựng tội ác” này của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Tại San Diego, Đức Cha Robert McElroy đã yêu cầu các nhân viên Giáo phận phát triển một đơn vị học trình cho trẻ em và thanh thiếu niên vốn có thể giúp chia sẻ về “tầm quan trọng của Charlottesville”.

Sau những sự kiện tại Charlottesville, Đức Cha McElroy đã cùng với hàng chục nhà lãnh đạo đức tin khác tại miền Nam California lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và đồng thời cam kết cùng hợp tác nhằm chống lại vấn đề này.

Theo Đức Cha McElroy, “một trong những yếu tố gây phiền hà nhất” của các sự kiện ở Charlottesville đó chính là thực tế rằng rất nhiều người trẻ đã tham gia vào các hoạt động phân biệt chủng tộc.

“Ngày đó phải trở thành một điểm đánh dấu đối với tất cả chúng ta để dành một sự cống hiến mới cho việc loại bỏ việc đầu độc đối với tôn giáo và sắc tộc cũng như sự cuồng tín chủng tộc ra khỏi giữa chúng ta, và đồng thời làm cho chủ trương ưu thế của người da trắng trở thành một điều trong quá khứ”, Đức Cha McElroy nhấn mạnh.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết