Các Giám mục Hoa Kỳ sát cánh cùng với ĐTC Phanxicô trong việc kêu gọi một thế giới không có vũ khí hạt nhân

Bom nguyên tử đã phá hủy thành phố Hiroshima

Quả bom nguyên tử đã phá hủy thành phố Hiroshima

Một tuyên bố được đưa ra bởi Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ kêu gọi hành động hướng tới việc giải trừ hạt nhân.

Trước lời kêu gọi mạnh mẽ của Đức Thánh Cha Phanxicô vì một thế giới không có chiến tranh nguyên tử, và sự khẳng định xác quyết của Ngài rằng không chỉ việc triển khai mà cả việc sở hữu vũ khí hạt nhân cũng đều là những hành động vô đạo đức, các Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã ra một tuyên bố kêu gọi quốc gia của họ “thực hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu đối với việc giải trừ vũ khí hạt nhân lẫn nhau và có thể kiểm chứng”.

Tuyên bố, được ký bởi Đức Giám mục David Malloy, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế trực thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, lưu ý rằng chủ đề của chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nhật Bản vào cuối tuần qua đó là: “Bảo vệ tất cả mọi sự sống”.

“Tại Nagasaki và Hiroshima”, Đức Cha Malloy viết, “ĐTC Phanxicô đã đưa ra một lời chứng mạnh mẽ liên quan đến mối đe dọa nghiêm trọng được đặt ra đối với sự sống của con người bởi các loại vũ khí hạt nhân. Theo bước chân của Thánh Gioan Phaolô II, và nhắc lại Giáo huấn của các vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.

Cam kết đối với việc giải trừ hạt nhân toàn cầu

Các Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, tuyên bố tiếp tục, vẫn kiên quyết cam kết đối với việc giải trừ hạt nhân toàn cầu.

“Chúng tôi đã đưa ra tuyên bố vào năm 1993: ‘Việc loại bỏ vũ khí hạt nhân cuối cùng không chỉ là một lý tưởng luân lý; nó cần phải là một mục tiêu chính sách’”, các Giám mục nhắc lại.

Tuyên bố lưu ý rằng, “Hoa Kỳ và Nga sở hữu hơn 90% các loại vũ khí hạt nhân của thế giới”.

Hiệp ước START với Nga

“Sự kiện này”, tuyên bố kết luận, “kêu gọi quốc gia của chúng ta thực hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu đối với việc giải trừ hạt nhân lẫn nhau và có thể kiểm chứng. Việc gia hạn Hiệp ước START mới với Nga sẽ là bước tiếp theo đầy thận trọng”.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) được Nga và Hoa Kỳ ký ngày 8 tháng 4 năm 2010 tại Prague và có hiệu lực vào ngày 5 tháng 2 năm 2011. Nó đã thay thế hiệp ước START I năm 1991, vốn đã hết hạn vào tháng 12 năm 2009, và thay thế Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí tấn công chiến lược năm 2002 (SORT).

New START tiếp tục quá trình lưỡng đảng trong việc cắt giảm đáng kể các kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Hoa Kỳ và Nga do cựu Tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush khởi xướng. Cả Nga và Hoa Kỳ đều tuyên bố rằng họ đã đáp ứng những hạn chế của Hiệp ước New START vào ngày 5 tháng 2 năm 2018.

Hoàng Thịnh (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết