
Một gia đình ngồi trong lều tại trại tị nạn ở thị trấn biên giới Moyale của Kenya với Ethiopia, cách thủ đô Nairobi khoảng 484 dặm về phía bắc, vào ngày 17 tháng 3 năm 2018 sau khi chạy trốn khỏi Ethiopia (Ảnh Brian Ongoro/AFP qua Getty Images)
Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 7 tháng 8, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB) đã kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu hành động nhiều hơn nữa để đảm bảo an ninh lương thực cho tất cả mọi người.
Đức Giám mục David J. Malloy Địa phận Rockford, Illinois, đã trích dẫn các con số từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), tổ chức nhân đạo toàn cầu giải quyết vấn đề an ninh lương thực, ước tính khoảng 258 triệu người ở 58 quốc gia đã trải qua nạn đói cấp độ khủng hoảng vào năm 2022.
“Quyết định gần đây của Nga không còn cho phép Ukraine xuất khẩu hàng tấn ngũ cốc có nghĩa là nhiều người có thể sẽ bị đói kém”, theo Đức Giám mục Malloy, người cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “hãy nhìn xa hơn những lợi ích quốc gia hạn hẹp, tập trung vào công ích và tham gia vào việc đảm bảo rằng nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng có thể đến được với những người cần được giúp đỡ nhất”.
Đức Giám mục Malloy chỉ ra rằng trước cuộc xâm lược của Nga, Ukraine được coi là “vựa lúa mì của châu Âu” và là nguồn cung cấp một lượng lớn lúa mì, ngô và lúa mạch cũng như gần một nửa lượng dầu hướng dương của thế giới — tất cả đều được vận chuyển qua các cảng trên Biển Đen. Những cảng đó đã bị phong tỏa khi Nga xâm chiếm Ukraine.
Vào tháng 6 năm ngoái, Đức Thánh Cha đã kêu gọi chấm dứt các cuộc phong tỏa đang ngăn cản dòng chảy ngũ cốc qua các cảng biển Ukraine. Tuyên bố của Đức Giám mục Malloy đã cung cấp thêm bối cảnh về thời điểm của lời kêu gọi mới nhất này:
“Từ tháng 7 năm 2022, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen (BSGI), thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian giữa Nga và Ukraine, cho phép Ukraine xuất khẩu khoảng 33 triệu tấn ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác. Quyết định của Nga rút khỏi BSGI và vụ đánh bom nhắm vào các cơ sở lưu trữ ngũ cốc ở Ukraine sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp thực phẩm vào thời điểm khi mà nhiều người đang rất cần thực phẩm. Với số người buộc phải di tản ở mức cao kỷ lục, Chương trình Lương thực Thế giới ước tính 345 triệu người sẽ phải đối mặt với nạn đói kịch tính trong năm nay, với 129.000 người có khả năng phải đối mặt với nạn đói ở những nơi như Afghanistan, Syria, Yemen, Sừng châu Phi và Myanmar”.
Như tuyên bố thừa nhận, cuộc chiến ở Ukraine không phải là lý do duy nhất khiến tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng trên toàn cầu trong vài năm qua. Thiên tai, đại dịch, chiến tranh khu vực và các cuộc xung đột khác cũng góp phần làm gia tăng tỷ lệ đói.
Ví dụ, Haiti đang rất cần lương thực. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, tổng cộng 4,9 triệu người – gần một nửa dân số cả nước – đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng và số lượng lớn bị ảnh hưởng là trẻ em. The Guardian đưa tin rằng WFP sẽ không thể cung cấp lương thực cho 100.000 người Haiti trong tháng này vì không đủ kinh phí để đáp ứng nhu cầu.
“Lạm phát lương thực gia tăng ở Haiti có nghĩa là chi phí cho mỗi người ăn tăng lên trong khi số người cần hỗ trợ cũng tăng lên, làm tăng chi phí cung cấp viện trợ của WFP”, bài báo của tờ The Guardian đưa tin.
Ở phía bên kia của thế giới, miền bắc Ethiopia là một quốc gia khác đang phải chịu tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Các quốc gia ở vùng sừng châu Phi phụ thuộc vào ngũ cốc của Ukraine và khu vực Tigray vừa mới thoát khỏi một trong những cuộc xung đột tồi tệ nhất gần đây sau hai năm giao tranh giữa quân đội liên bang của Ethiopia và các lực lượng trong khu vực. Cuộc xung đột đã tạo ra hàng triệu người tị nạn; tỷ lệ tử vong, thương tật và chấn thương cao; và tình trạng mất an toàn thực phẩm lan rộng. Hạn hán dai dẳng đã làm cho tình trạng khan hiếm lương thực trở nên tồi tệ hơn, và đầu mùa hè này, Hoa Kỳ đã đình chỉ viện trợ lương thực ở đó do có báo cáo rằng các quan chức chính phủ đang chuyển hướng viện trợ lương thực. Hơn 20 triệu người ở Ethiopia sống dựa vào hỗ trợ lương thực.
Đức Giám Mục Malloy đã kết thúc lời kêu gọi của các vị Giám chức bằng một lời nhắc nhở chua xót rằng nhiều anh chị em của chúng ta trên khắp thế giới đang phải chịu đau khổ.
“Những người dễ bị tổn thương nhất đang khóc vì đói kém. Với lòng trắc ẩn của Chúa Kitô, chúng ta cần chú ý đến tiếng kêu cầu sự giúp đỡ của họ”, Đức Giám Mục Malloy nói.
Minh Tuệ (theo CNA)