Như kết luận của một cuộc thảo luận kéo dài về vấn đề nhập cư, hôm qua thứ Hai 13/11, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã quyết định soạn thảo một tuyên bố từ Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ, trình bày sự cần thiết đối với việc cải cách nhập cư nhân đạo và công bằng.
Đề xuất hôm 13 tháng 11 lần đầu tiên được đưa ra bởi Đức Tổng Giám mục Michael Sheehan, Nguyên Tổng Giám mục Địa phận Santa Fe. Sau khi thảo luận về việc làm thế nào để chuẩn bị một bản tuyên bố, Đức Hồng y Daniel DiNardo Địa phận Galveston-Houston, Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ, sẽ đưa ra một tuyên bố với sự trợ giúp của Ủy ban Di dân, do Đức cha Joe Vasquez Địa phận Austin làm Chủ tịch, với sự trợ giúp của Đức Tổng Giám mục Jose Gomez Địa phận Los Angeles.
Cuộc thảo luận được đưa ra theo sau các bài thuyết trình ngắn gọn của Đức Tổng Giám mục Gomez và Đức Giám mục Vasquez. Đức Tổng Giám mục Los Angeles đã vạch ra các nguyên tắc hướng dẫn các công việc của các Giám mục Hoa Kỳ về vấn đề di cư, xuất phát từ “Không Còn Là Những Người Lạ Nữa, Tất Cả Chúng Ta Cùng Nhau Trong Cuộc Hành Trình của Niềm Hy Vọng” (Strangers No Longer, Together on the Journey of Hope), một lá thư mục vụ năm 2003 được ban hành bởi các Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ và Mexico.
“Đây là thời điểm khi mà những người mới đến Hoa Kỳ đang phải chạy trốn cảnh bạo lực hoặc bách hại hoặc không thể kiếm sống ở đất nước của họ”, Đức TGM Gomez nói, đồng thời Ngài cũng cho biết thêm rằng chính quyền Trump đã thực hiện một số bước về nhập cư vốn đòi hỏi một phản ứng từ phía Giáo hội vì chúng “có ảnh hưởng trực tiếp đến công việc chăm sóc mục vụ cho những người nhập cư, những người tị nạn và các thanh thiếu niên thuộc diện DACA”.
Việc đầu tiên đó là quyết định cho phép chỉ có 45.000 người tị nạn trong năm tài chính sắp tới – mức thấp nhất kể từ khi thành lập chương trình vào năm 1980, và năm thứ hai liên tiếp mà trong đó số người tị nạn được tiếp nhận sẽ bị cắt giảm.
Động thái này, Đức Tổng Giám mục Gomez nói, “đơn giản chỉ là hết sức vô nhân đạo, đặc biệt khi quốc gia vĩ đại của chúng ta có các nguồn lực và khả năng để nỗ lực nhiều hơn” để giúp đỡ cho những người “phải trốn chạy khỏi cảnh bạo lực và bách hại”.
Đức TGM Gomez kêu gọi duy trì DACA, vốn trì hoãn nguy cơ trục xuất đối với những người không có giấy tờ đã được đưa đến Hoa Kỳ khi còn là những trẻ vị thành niên, nhiều người trong số họ chỉ biết Hoa Kỳ “và theo tất cả các chiều kích xã hội, là những thanh thiếu niên Hoa Kỳ “.
Đức Giám mục Vasquez sau đó cho biết rằng các Giám mục đang tán thành một giải pháp đối với các thanh thiếu niên thuộc diện DACA dưới dạng Đạo luật DREAM, nhằm cung cấp cho những người trẻ tuổi có nơi cư trú tại Hoa Kỳ.
Đức Giám mục Vasquez khuyến khích các Giám mục liên hệ với các nhà lập pháp của họ để thông qua Đạo luật DREAM hoặc các đạo luật tương tự như một giải pháp kịp thời và nhân đạo, đồng thời ghi nhận rằng 85% các ‘Dreamers’ đã sinh sống tại Hoa Kỳ 10 năm hoặc lâu hơn, 89% đã có công ăn việc làm, và 93% đã có bằng tốt nghiệp trung học.
Đức Giám mục Địa phận Austin cũng đề cập đến tình trạng được bảo vệ tạm thời, vốn đã được mở rộng cho những người nhập cư đến từ các quốc gia như: El Salvador, Honduras và Haiti do những điều kiện cấp bách về tình trạng không an ninh nơi quê nhà của mình.
“Đây không phải là thời điểm thích hợp để trả 300.000 cá nhân” trở về các quốc gia xuất xứ của họ khi họ vẫn đang trong tình trạng không an toàn, do các thảm họa và thiên tai con người gây ra, Đức Cha Vasquez nói. Những cá nhân này đã có công ăn việc làm và hỗ trợ cho các gia đình của họ, nhiều người đã có tài sản thế chấp, và họ có khoảng 270.000 trẻ em là công dân Hoa Kỳ.
“Một giải pháp lập pháp lâu dài cho các anh chị em này” là hết sức cần thiết, Đức Cha Vasquez nói. “Sự chống đối mãnh liệt” của các Giám mục Hoa Kỳ đối với nhiều hành động của chính quyền về vấn đề nhập cư đã được đưa ra vì Tin Mừng “đòi buộc chúng ta phải làm như vậy”, Đức Cha Vasquez nhấn mạnh.
“Cùng với những lựa chọn đúng đắn về việc tái định cư cho những người tị nạn, DACA, và Tình trạng bảo vệ tạm thời (TPS), chúng ta cũng cần phải cải cách nhập cư toàn diện”, Đức Cha Vasquez nói, đồng thời cũng cho biết rằng có một nhu cầu cấp thiết đối với việc hợp pháp hóa và quyền công dân. Đức Cha Vasquez cũng thừa nhận rằng “đất nước chúng ta cũng có quyền và trách nhiệm để đảm bảo các khu vực biên giới của mình”.
Đáp lại phần trình bày của Ủy ban di dân, Đức Giám mục Jaime Soto Địa phận Sacramento cho rằng “sự tồn tại của những người thuộc diện TPS, có một ý nghĩa nào đó, lên án sự bất lực của Quốc hội và chính quyền trong 21 năm qua trước việc cung cấp một cuộc cải cách toàn diện về vấn đề nhập cư”, đồng thời cho biết rằng việc giữ họ “trong mô hình tổ chức này trong nhiều thập kỷ là vô lý”.
Đức Tổng Giám Mục Gomez nhấn mạnh rằng “tất cả chúng ta cần phải có một sự thay đổi, và đó là lý do tại sao lại vô cùng quan trọng để nói về điều này, bởi vì người ta không biết điều mà Giáo Hội giảng dạy”, vốn vang vọng trong những lời nhận định của Đức Hồng y Blase Cupich Địa phận Chicago.
Đức Tổng Giám mục Chicago đã than thở về “những lời lẽ hùng biện đầy bại hoại vốn đang làm giảm giá trị của những người nhập cư, và thậm chí là làm mất nhân cách của họ”, điều đó “ảnh hưởng đến người dân của chúng ta, bởi vì có gì đó sai trái nơi các nhà thờ của chúng ta khi mà Tin Mừng được tuyên bố nhưng mọi người lại rời bỏ các giáo xứ với những lời lẽ hoa mỹ đó hiện vẫn còn in sâu trong lòng họ”.
Đức Tổng Giám Mục Gomez đã nhận định rằng “điều quan trọng đối với chúng ta đó là kêu gọi mọi người thay đổi, và đồng thời giải thích cho họ điều mà chúng ta đã giảng dạy; điều đó quả thực rất cần thiết cho tương lai của đất nước chúng ta”.
Đức Giám Mục Vasquez nhắc lại tầm quan trọng của việc truyền đạt giáo huấn của Giáo Hội, cũng như việc thúc đẩy các cuộc gặp gỡ cá nhân với những người nhập cư hoặc những người tị nạn. “Một khi chúng ta làm điều đó, chúng ta có thể hiểu được tình hình của người dân … cũng giống như chúng ta, do đó chúng ta cảm thông và liên đới với họ; đó là điều mang lại một sự hoán cải và thay đổi nơi tâm trí chúng ta”.
Đức Giám mục Oscar Cantu Địa phận Las Cruces cũng đã đề khởi vấn đề về việc làm thế nào để chống lại những cáo buộc rằng chính sách nhập cư là một vấn đề cần một sự phán quyết thận trọng, và việc người tín hữu có thể có một lương tâm ngay lành xuất phát từ một sự phán quyết vốn khác biệt so với phán quyết của các Giám mục.
Đức Giám mục Thomas Wenski Địa phận Miami đáp lại rằng “chúng ta cũng đang đưa ra một sự phán quyết thận trọng của mình … dưới ánh sáng của Giáo huấn Công Giáo”. Đức Cha Wenski nhấn mạnh rằng “những người nhập cư không phải là những vấn đề, nhưng là anh chị em của chúng ta; họ cũng không phải là những người xa lạ, nhưng là những người không quen biết cần phải được đón lấy và coi như anh chị em của chúng ta. Chúng tôi đang tạo ra điều mà chúng ta nghĩ là tốt nhất, không chỉ cho những người nhập cư, mà còn cho cả xã hội của chúng ta. Chúng ta có thể làm cho nước Mỹ trở nên tuyệt vời, nhưng chúng ta không làm cho nước Mỹ trở nên tuyệt vời bằng cách biến nó trở nên tầm thường”.
Việc cải cách vấn đề nhập cư, Đức Cha Wenski nhấn mạnh, cần phải “bao gồm lợi ích chung của tất cả mọi người: tất cả mọi công dân Hoa Kỳ và những người muốn trở thành những công dân của Hoa Kỳ”.
Đức Giám Mục Soto đã trả lời rằng các cuộc trục xuất không thuộc phạm trù của việc phán quyết thận trọng, nhưng thay vào đó nó nằm trong Thông điệp Evangelium Vitae năm 1995 của Thánh Gioan Phaolô II trong số những tội ác gào thét vang vọng lên tới tận trời cao, và không chỉ đơn thuần là “nhất quán với giáo huấn của Giáo Hội”, mà còn “loại bỏ nó như là một sự phán quyết thận trọng vốn không phản ánh truyền thống của chúng ta”.
Đức Tổng Giám mục Salvatore Cordileone Địa phận San Francisco đã khuyến cáo năm nguyên tắc từ lá thư mục vụ ‘Strangers No Longer’ như là một điều kiện tiên quyết, mà trong đó “không thể không có những bất đồng” giữa những người Công giáo. “Mặc dù có những lý do cho việc phán quyết một cách thận trọng, nhưng nó không phải là một điều gì đó có thể được thực hiện một cách nhẹ nhàng” bởi vì nó “bao gồm những cân nhắc cơ bản về vấn đề công lý”.
Minh Tuệ chuyển ngữ