Các Giám mục Hoa Kỳ: ‘Cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một cuộc chiến dài hạn - nhưng là một cuộc chiến cấp bách’

Việc đối thoại nhằm thúc đẩy việc hoán cải tâm hồn chính là mục tiêu của Ủy ban đặc biệt của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đối với Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, Chủ tịch Ủy ban này cho biết trong bài diễn văn đầu tiên với Hội đồng Giám mục hôm thứ Hai 13/11.

 Sad_boy_Credit_pixelheadphoto_digitalskillet_Shutterstock_CNA

“Đức tin của chúng ta cho chúng ta một sự xác quyết rằng Đức Kitô muốn phá vỡ những bức tường được tạo nên bởi những tai họa của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Ngài muốn chúng ta tận dụng chúng như những công cụ của Ngài trong công việc tuyệt vời này”, Đức Giám mục George V. Murry, SJ Địa phận Youngstown, Ohio, cho biết.

 Lời mời gọi này được ghi sâu trong thông điệp Tin Mừng, Đức Cha Murry nói, khi chúng ta chịu trách nhiệm đối với những người mà thậm chí ngày nay vẫn còn phải tiếp tục chịu đựng tình trạng phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ.

 Đức cha Murry đã phát biểu tại Đại hội đồng mùa thu của Hội đồng các Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, được tổ chức từ ngày 13/11 đến ngày 14/11 tại Baltimore.

 Đức cha Murry đã cung cấp những thông tin cập nhật về Ủy ban Đặc biệt chống phân biệt chủng tộc, mà Ngài đứng đầu.

 Ủy ban này được thành lập vào cuối tháng Tám vừa qua, sau khi những người theo chủ trương ưu thế của người da trắng và những người theo chủ nghĩa phát xít mới tập hợp biểu tình tại Charlottesville, VA, và một thanh niên 20 tuổi đã lái một chiếc xe hơi đâm vào đám đông biểu tình, khiến một người thiệt mạng và làm bị thương 19 người khác.

 Việc thành lập ủy ban – hình thức phản ứng cao nhất mà HĐGM có thể cho phép – xây dựng dựa trên những nỗ lực khác của các Giám mục, để chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong những năm gần đây, trong đó bao gồm một nhóm đặc nhiệm để khám phá vấn đề này cả bên trong nội bộ lẫn bên ngoài Giáo Hội, và một lá thư mục vụ về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, hiện đang trong quá trình soạn thảo.

 Trong khi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không phải là duy nhất đối với Hoa Kỳ, điều quan trọng là phải nhận ra bối cảnh lịch sử vốn đã dẫn đến thời điểm đặc biệt này, Đức Giám mục Murry nói, đồng thời Ngài cũng chỉ ra lịch sử nô lệ của nước này, Cuộc nội chiến và những tiến bộ trong Phong trào Dân Quyền.

 “Thậm chí ngay cả với tiến bộ đó, người ta không cần phải nhìn xa để thấy rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại và đã nhận thấy một sự hồi sinh đầy đau buồn trong những năm gần đây”.

 Trong nhiều thập kỷ, Giáo hội Công giáo đã nỗ lực làm việc để phản ứng lại những vấn đề của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, Đức Cha Murry nói.

 Đôi khi, một số nhà lãnh đạo Công giáo đã trở thành một phần của vấn đề, không tuân theo giáo huấn của Giáo hội, và “điều này cần phải được nhận thức rõ ràng và thẳng thắn thừa nhận”, Đức Cha Murry nói.

 Tuy nhiên, quả thực cũng rất quan trọng để nhận ra sự đóng góp của nhiều người Công giáo trong những năm đấu tranh cho bình đẳng và công bằng về chủng tộc, Đức Cha Murry nói.

 Cho đến nay, công việc của Ủy ban đặc biệt bao gồm một cuộc họp báo vào tháng trước tại Tượng đài Martin Luther King Jr. tại Washington DC và việc tạo ra các nguồn lực cho dịp Lễ kính Thánh Phêrô Claver vào ngày 9/9 hàng năm, cầu nguyện cho hòa bình trong các cộng đồng.

 Ủy ban cũng đang nỗ lực làm việc về các kế hoạch tổ chức một hội nghị quốc gia vào đầu năm tới, cũng như hàng loạt các buổi lắng nghe và đối thoại trên toàn quốc, mà Đức Cha Murry đã miêu tả như là chìa khóa cho công việc của nhóm.

 Những buổi lắng nghe này, Đức Cha Murry nói, sẽ tìm cách “lắng nghe tiếng nói của những người đau khổ vì hậu quả của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”, khám phá những nguyên nhân và hậu quả của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ.

 Uỷ ban cũng sẽ nỗ lực làm việc để thúc đẩy giáo dục, các nguồn lực, các chiến lược truyền thông, việc vận động chính sách công cũng như việc chăm sóc các nạn nhân.

 Đức Cha Murry cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công việc của ủy ban.

 “Một số người nghĩ rằng không cần phải đối mặt với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, hoặc chúng ta chỉ nên đối đầu với nó một cách kín đáo”, Đức Cha Murry nói.

 Tuy nhiên, Đức Cha Murry tiếp tục, “việc đối mặt với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là cần thiết – trên thực tế, nó cần thiết – bởi vì Tin Mừng mời gọi chúng ta nỗ lực dấn thân cho công lý, và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc phủ nhận sự công bằng đối với người khác đơn giản chỉ bởi vì chủng tộc của họ.

 Và những biểu lộ công khai về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc – chẳng hạn như những gì đã được chứng kiến tại Charlottesville vào hồi tháng Tám vừa qua – đòi hỏi một phản ứng từ công chúng, từ xã hội và từ Giáo Hội, Đức Cha Murry nói.

 Trong một cuộc thảo luận sau phần trình bày của Đức Cha Murry, các Giám mục đã chia sẻ những quan sát và kinh nghiệm của mình về việc nỗ lực làm việc để chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

 Một số Giám mục ghi nhận sự cần thiết của các hành động mang tính tượng trưng, vốn có thể có sức mạnh trong việc thay đổi tâm trí và tâm hồn mọi người.

 Các Giám mục đã quan sát giao điểm của tầng lớp xã hội và những sự chia rẽ sắc tộc, cũng như sự cần thiết để hiểu về việc những ý tưởng phân biệt chủng tộc được lan rộng thế nào, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông xã hội và trong giới trẻ.

 Phát biểu về vấn đề liệu những phát ngôn phân biệt chủng tộc có được bảo vệ theo hiến pháp hay không, Đức Cha Murry gợi ý rằng vấn đề cuối cùng là một trong những khát vọng của con người, chứ không phải là tính hợp pháp.

 Mục tiêu đó là việc hoán cải, Đức Cha Murry nói, thay đổi tâm hồn để mọi người không muốn nói những điều mang tính chất kỳ thị, thậm chí ngay cả khi việc làm như vậy cũng được bảo vệ theo Hiến pháp.

 Việc bảo vệ tự do ngôn luận là cực kì quan trọng, Đức Tổng Giám mục Thomas Rodi Địa phận Mobile, Ala. cho biết thêm, bởi vì một số bao gồm những người phản đối những Giáo huấn của Giáo hội Công giáo cáo buộc các Giám mục vì “những phát ngôn gây thù hận”.

 Trong khi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là chủ đề mà nhiều người cảm thấy không thoải mái, vấn đề sẽ chỉ được khắc phục nếu như các cơ hội được tạo ra cho việc thảo luận sẽ diễn ra, các Giám mục cho biết.

 Đức Giám mục Robert Baker Địa phận Birmingham, Ala., đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia cá nhân của các Giám mục trong việc chống lại tai hoạ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Đức Cha Baker cho biết rằng Ngài đã thành công lớn trong các buổi lắng nghe trong Giáo phận của mình, và đã nhận thấy một mức độ tiếp thu mạnh mẽ từ phía giáo dân của mình.

 Đức Giám mục Baker cũng nhấn mạnh rằng mọi người đều cởi mở đối với việc giải quyết vấn đề, và Ngài cũng cho biết rằng đây chính là “thời gian quan trọng” để làm điều này, theo một cách thức mà có thể không thể có được cách đây 50 năm hoặc thậm chí 20 năm.

 Thách thức tiếp theo, Đức Tổng giám mục Rodi gợi ý, đó là việc tìm ra một cách thức để tiếp cận nhiều người hơn, bởi vì những người sẵn sàng tham dự các buổi lắng nghe có vẻ đã sẵn sàng cho việc đối thoại về vấn đề này.

 Đức Tổng Giám mục Wilton Daniel Gregory Địa phận Atlanta nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc phải được xem như là một cuộc chiến lâu dài.

 Trái tim và tâm trí sẽ không bị thay đổi một sớm một chiều, Đức Cha Gregory nói. Tuy nhiên, Ủy ban đặc biệt đã nâng vấn đề lên mức độ đáng chú ý mà nó xứng đáng, và cho phép các Giám mục đưa ra một phản ứng toàn diện hơn.

 Trong suốt nhiều thập kỷ, Đức Cha Gregory nói, các Giám mục Hoa Kỳ đã đưa ra những tuyên bố trong những khoảnh khắc then chốt, bao gồm việc xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc tại Trường Little Rock vào năm 1957, vụ ám sát Martin Luther King, Jr. vào năm 1968 và lá thư mục vụ “Anh chị em chúng ta với Hoa Kỳ” (Brothers and Sisters to Us) năm 1979.

 Mặc dù các tuyên bố này cho phép các Giám mục có một lập trường quan trọng trong việc tái khẳng định giáo huấn Công giáo, việc thành lập Ủy ban đặc biệt sẽ cho phép HĐGM Hoa Kỳ nỗ lực làm việc nhiều hơn là chỉ nói suông, Đức Cha Gregory nói.

 Đức Cha Gregory đã so sánh chủ nghĩa phân biệt chủng tộc với tình trạng phá thai, đồng thời cho biết rằng cả hai vấn đề đều đòi hỏi sự tham gia tích cực vào các nỗ lực truyền giáo, giảng dạy giáo lý và giáo dục để thay đổi tâm trí và trái tim con người.

 “Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc sẽ không bao giờ bị chinh phục bằng những lời nói”, Đức Cha Gregory nói, “nhưng chỉ bằng những hành động”.

 Minh Tuệ chuyển ngữ 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết