Các Giám mục Hoa Kỳ ca ngợi chương trình đoàn tụ gia đình mới dành cho di dân

Những người nhập cư xin tị nạn ở Hoa Kỳ chờ đợi để được các nhân viên Biên phòng Hoa Kỳ giải quyết vào đầu giờ sáng sau khi từ Mexico vượt biên Arizona vào ngày 10 tháng 5 năm 2023 tại Yuma, Arizona (Ảnh: Mario Tama / Getty Images)

Những người nhập cư xin tị nạn ở Hoa Kỳ chờ đợi để được các nhân viên Biên phòng Hoa Kỳ giải quyết vào đầu giờ sáng sau khi từ Mexico vượt biên Arizona vào ngày 10 tháng 5 năm 2023 tại Yuma, Arizona (Ảnh: Mario Tama / Getty Images)

Hôm thứ Hai, Đức Giám mục El Paso Mark Seitz, người đứng đầu Ủy ban Di dân của các Giám mục Hoa Kỳ, đã ca ngợi chương trình Tạm tha để Đoàn tụ Gia đình mới (Family Reunification Parole) dành cho người nhập cư của chính quyền Biden và đồng thời kêu gọi cải cách nhập cư nhiều hơn.

“Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực này nhằm mang lại cơ hội thiết thực để đạt được sự thống nhất và đoàn tụ gia đình”, Đức Giám mục Seitz cho biết trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 10 tháng 7.

Theo Đức Giám mục Seitz, sự đoàn kết và thống nhất là “nền tảng” cho cả “hệ thống nhập cư của Hoa Kỳ lẫn các nguyên lý trọng tâm của Giáo huấn xã hội Công giáo”.

Trích dẫn báo cáo của Thượng Hội đồng Giám mục năm 2015 gửi cho Đức Thánh Cha, Đức Giám mục Seitz nói rằng “các mối quan hệ gia đình góp phần quyết định vào việc xây dựng xã hội loài người lành mạnh trong tình bằng hữu, vốn không thể chỉ đơn thuần là cư dân của một lãnh thổ hoặc công dân của một quốc gia chung sống với nhau”.

Chương trình mới, được Bộ An ninh Nội địa (DHS) công bố vào ngày 7 tháng 7, cho phép những người di cư đến từ Colombia, El Salvador, Guatemala và Honduras có thành viên gia đình đã cư trú hợp pháp tại Hoa Kỳ “được xem xét tạm tha tùy theo từng trường hợp trong khoảng thời gian tối đa 3 năm trong khi họ chờ nộp đơn xin trở thành thường trú nhân hợp pháp”.

Theo chương trình này, các cá nhân từ các quốc gia này bị bắt giữ vì vượt biên có thể được trả tự do, được “tạm tha” để cư trú hợp pháp tại quốc gia đó trong tối đa 3 năm, với điều kiện là một thành viên gia đình là công dân hoặc thường trú nhân hợp pháp đã đệ trình kiến nghị thư thành công thay mặt họ.

Bộ trưởng DHS, ông Alejandro Mayorkas, nói rằng các quy trình được đưa ra trong chương trình mới “thúc đẩy sự thống nhất gia đình và cung cấp các lộ trình hợp pháp phù hợp với luật pháp và các giá trị của chúng ta”.

Theo ông Mayorkas, “bộ đã chứng minh rằng việc mở rộng các lộ trình an toàn, trật tự và hợp pháp, kết hợp với việc thực thi mạnh mẽ, có hiệu quả trong việc giảm thiểu tình trạng di cư nguy hiểm, bất thường đến Hoa Kỳ”.

Theo thông cáo của DHS, chương trình mới cho phép những cá nhân được chọn đã được bộ chấp thuận ở lại Hoa Kỳ trong tối đa 3 năm.

Sự chấp thuận sẽ được đưa ra “khi chứng minh được các lý do nhân đạo khẩn cấp hoặc lợi ích công cộng đáng kể, cũng như chứng minh rằng người thụ hưởng đảm bảo thực hiện tốt quyền tự quyết định”.

“Những cá nhân được tạm tha vào Hoa Kỳ theo các quy trình này thường sẽ được xem xét tạm tha trong tối đa 3 năm và sẽ đủ điều kiện để yêu cầu giấy phép làm việc trong khi họ chờ được cấp thị thực nhập cư”, DHS cho biết.

Sau khi thị thực của các cá nhân được tạm tha có sẵn, họ có thể nộp đơn xin trở thành thường trú nhân, DHS giải thích.

Bên cạnh việc ca ngợi chương trình mới của chính quyền, Đức Giám mục Seitz cũng chỉ ra sự cần thiết phải cải cách nhập cư bổ sung.

“Thật không may, nhu cầu của các chương trình như vậy chứng tỏ – và như các chương trình tương tự được tạo ra cho người Cuba và người Haiti đã được nhấn mạnh – là các hồ sơ tồn đọng tiếp tục đặt ra những thách thức không thể giải quyết được đối với những người nhập cư khao khát tìm cách tận dụng các con đường hợp pháp hạn chế hiện có, cho dù bản chất là dựa trên gia đình hay việc làm”.

“Đây là lý do tại sao các Giám mục anh em của tôi và tôi, cùng với đại đa số các nhà lãnh đạo dân sự và công chúng Hoa Kỳ, biết rằng cải cách nhập cư cuối cùng là giải pháp thực sự và bền vững duy nhất cho những thách thức này”, Đức Giám mục Seitz kết luận. “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Quốc hội hợp tác trên cơ sở lưỡng đảng để đạt được điều này, một nhiệm vụ khó khăn nhưng không phải là không thể”.

Đức Giám mục Seitz đề cập đến Đạo luật về Phẩm giá năm 2023 là bằng chứng cho thấy việc cải cách nhập cư lưỡng đảng là điều khả thi.

Đạo luật về Phẩm giá đã được giới thiệu tại Hạ viện bởi Hạ nghị sĩ María Salazar, R-Florida, và Veronica Escobar, D-Texas. Nếu được thông qua, Đạo luật này sẽ cung cấp cho những người di cư không có giấy tờ một con đường để có được tư cách pháp nhân nếu họ đáp ứng một số yêu cầu, bao gồm vượt qua kiểm tra lý lịch tư pháp và hoàn trả bất kỳ khoản thuế nào họ có thể nợ.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết