Các giám mục Đông Phi đặt ra mục tiêu đối với sự phát triển con người toàn diện

“Những khối đoàn kết xây dựng hòa bình này chính là cơ sở để nâng cao phẩm giá con người mà tất cả mọi người phải được thừa hưởng thông qua việc tôn trọng nhân quyền”.

Việc xây dựng sự thống nhất, hòa bình và các gia đình vững mạnh là một trong những chủ đề của một tài liệu đã được các giám mục Đông Phi phát hành sau một cuộc họp kéo dài 11 ngày được tổ chức tại Ethiopia trong tháng này.African_Woman_Credit_Victor_Tongdee_via_wwwshutterstockcom_CNA

Hiệp hội các Hội đồng Giám mục thành viên ở Đông Phi (AMECEA), đã gặp nhau vào tháng này để tham dự Hội nghị toàn thể, được tổ chức bốn năm một lần, tại Addis Ababa.

Hội nghị từ ngày 13-23 tháng 7 được tổ chức với chủ đề “Sự đa dạng sinh động, Phẩm giá bình đẳng, Sự hiệp nhất hòa bình nơi Thiên Chúa trong khu vực AMECEA”.

Hiệp hội bao gồm các Hội đồng giám mục Eritrea, Ethiopia, Malawi, Kenya, Tanzania, Sudan, Nam Sudan, Uganda và Zambia, cũng như các thành viên liên kết từ Djibouti và Somalia.

Vào cuối Hội nghị tòa thể, các giám mục đã phát hành một thông cáo nhận định về các vấn đề xã hội và mục vụ trong khu vực.

Tài liệu nhấn mạnh phẩm giá bình đẳng của tất cả mọi người, bất kể nguồn gốc xuất xứ hay sắc tộc của họ. Tài liệu cũng nhấn mạnh sự cần thiết đối với sự phát triển con người toàn diện, vốn “không thể chỉ giới hạn trong việc tăng trưởng kinh tế” mà phải “tập trung vào con người, phải toàn diện và bao quát mọi khía cạnh của đời sống con người và hướng đến công ích chung”.

“Chúng tôi khuyến khích và nỗ lực thúc đẩy kế hoạch xây dựng hòa bình cơ bản của Giáo hội với bốn nguyên tắc: công nhận và bảo vệ phẩm giá bình đẳng của tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại, thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện, ủng hộ các tổ chức quốc tế và tinh thần khoan dung trong khu vực AMECEA”, các giám mục nói.

“Những khối đoàn kết xây dựng hòa bình này chính là cơ sở để nâng cao phẩm giá con người mà tất cả mọi người phải được thừa hưởng thông qua việc tôn trọng nhân quyền”.

Thông cáo đã bày tỏ hy vọng trong việc giải quyết hai cuộc xung đột trong khu vực, đồng thời ghi nhận thỏa thuận hòa bình đã được ký kết trong tháng này sau 20 năm xung đột giữa Ethiopia và Eritrea, “phá vỡ các rào cản vốn chia rẽ hai quốc gia này trong hai thập kỷ”.

“Giáo hội Công giáo ở cả hai quốc gia đã lên tiếng lên án các cuộc xung đột và chiến tranh, cùng nhau cầu nguyện và trao hy vọng cho mọi người dân thông qua việc kiên trì giải quyết tình hình một cách ôn hòa và đồng thời thể hiện tinh thần liên đới với người dân của cả hai nước”, thông cáo cho biết.

“Khi tiến trình hòa giải này tiếp tục, Giáo hội Công giáo kêu gọi các bên liên quan cần phải đảm bảo rằng công lý và hòa bình phải được khôi phục để cho người dân của các nước này được tham gia vào quá trình, mọi tiếng nói của họ phải được lắng nghe và những người bắt giữ có thể trở về với gia đình của họ”.

Tài liệu cũng bày tỏ hy vọng về “những tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Nam Sudan”, đồng thời kêu gọi việc cầu nguyện và trợ giúp đối với người dân trong khu vực.

Nhìn một cách bao quát hơn nhằm vào những thách thức mà Đông Phi hiện đang phải đối mặt, các giám mục đã thu hút sự chú ý đến sự tấn công nhằm vào gia đình, bao gồm tình trạng đói nghèo, thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội.

“Một gia đình ổn định chính là một nền tảng cho sự đa dạng sinh động tích cực, phẩm giá bình đẳng và sự thống nhất hòa bình nơi Thiên Chúa trong khu vực AMECEA và xa hơn nữa”, các giám mục nói.

“Với tư cách là những vị Mục tử, chúng tôi tiếp tục ủng hộ việc triển khai và thực hiện phương pháp sư phạm và các chương trình đào tạo và giảng dạy giáo lý đang diễn ra cho các gia đình… Chúng tôi muốn cộng tác với các tổ chức có cùng chung tư tưởng để cung cấp việc giảng dạy giáo lý, đào tạo và chăm sóc mục vụ cho các gia đình ở mọi cấp độ”.

Các giám mục cũng ghi nhận sự cần thiết phải chăm sóc mục vụ đối với các thanh thiếu niên, thúc đẩy việc nhận định ơn gọi, luân lý, giáo dục và hòa bình. Hơn nữa, các giám mục cũng bày tỏ hy vọng vào sự phát triển của các trường đại học Công giáo và đồng thời khuyến khích các tổ chức này nắm bắt Giáo huấn xã hội của Giáo hội nhằm thúc đẩy phẩm giá con người và sự phát triển con người toàn diện.

Các giám mục cũng thảo luận về tầm quan trọng của trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong việc quản lý Giáo Hội, việc sử dụng cách hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và sự cần thiết phải giúp đỡ những người di cư và những người tị nạn.

Các giám mục đã lên án “tình trạng tham nhũng tràn lan” vốn tiếp tục gây ra những điều tai hại và đau khổ cho nhiều quốc gia của họ và đồng thời lên án “việc lạm dụng đối với trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương” trong khi kêu gọi “những chỉ dẫn theo xu hướng chủ đạo đối với việc bảo vệ trẻ vị thành niên”.

Thông cáo cũng thừa nhận “những mối đe dọa liên tục mà các thanh thiếu niên hiện đang phải đối mặt liên quan đến chủ nghĩa cực đoan và khủng bố” và đồng thời cam kết “tiếp tục hỗ trợ cũng như cộng tác với những nỗ lực của chính phủ nhằm phản đối chủ nghĩa cực đoan và giải thể cực đoan”.

Trong việc thực hiện các mục tiêu của hội nghị toàn thể, các giám mục nói, sự chú ý phải được dành cho các phương tiện giao tiếp mới.

“Nhận thức được những bước đi tích cực đã được thực hiện đối với việc truyền giáo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi trân trọng những nỗ lực được tạo ra nhằm đầu tư vào việc tạo ra những nội dung Công giáo mang tính tương tác trên các trang web Giáo phận và Giáo xứ cũng như các nền tảng truyền thông xã hội, các đài phát thanh Công giáo, truyền hình và báo chí”, các giám mục nói.

“Đồng thời, việc công nhận vai trò của giới truyền thông trong quá trình phát triển con người toàn diện, chúng tôi khuyến khích các chuyên viên về truyền thông phải có tinh thần trách nhiệm, đáng tin cậy và chính xác trong việc cung cấp thông tin cho xã hội”.

 Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết