Các Giám mục Công giáo ở châu Âu đã lên án dự thảo đưa quyền phá thai vào Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu, tuyên bố rằng nó “không thể biện hộ về mặt luân lý”, vì làm như vậy sẽ vi phạm cả luật pháp EU lẫn phẩm giá của tất cả mọi người.
“Tòa án Nhân quyền Châu Âu chưa bao giờ tuyên bố phá thai là một quyền con người được Công ước Châu Âu về Quyền Cơ bản bảo vệ. Ngược lại, Tòa án đã tuyên bố quyền được sống là một quyền cơ bản của con người và khẳng định trong án lệ của mình rằng đó là mục tiêu chính đáng của các quốc gia ký kết Công ước để bảo vệ sự sống chưa chào đời”, Ủy ban của Hội đồng Giám mục Liên minh Châu Âu (COMECE) cho biết trong một tuyên bố.
“Hơn nữa, Tòa án đã tự giới hạn trong các vấn đề công lý theo thủ tục liên quan đến phá thai khi điều này được luật pháp quốc gia của Hội đồng các quốc gia thành viên châu Âu công nhận. Nếu các điều kiện phá thai được quy định bởi luật trong nước, thì việc hạn chế hoặc từ chối áp dụng luật trong nước là hành vi vi phạm Công ước”, tuyên bố từ hiệp hội các Hội đồng Giám mục của Giáo hội Công giáo tại các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu cho biết.
Các Giám mục lập luận rằng biện pháp về quyền phá thai cơ bản của EU sẽ cấu thành một “sự không thể biện hộc về mặt luân lý” chống lại nhân quyền và luật pháp châu Âu. “Phẩm giá con người là một giá trị bao trùm trong các Hiệp ước và Hiến chương của EU. Các nhà sáng lập Liên minh Châu Âu, dựa trên truyền thống nhân văn chân chính đã tạo nên Châu Âu như hiện tại, hết sức ý thức về tầm quan trọng cơ bản của phẩm giá con người bất khả xâm phạm. Tôn trọng phẩm giá của mỗi con người trong mọi giai đoạn của cuộc đời, đặc biệt là trong những tình huống hoàn toàn dễ bị tổn thương, là một nguyên tắc nền tảng trong một xã hội dân chủ”, các Giám mục nói.
“Các thẩm quyền lập pháp của các Quốc gia Thành viên EU và nguyên tắc trao quyền, theo đó Liên minh sẽ chỉ hành động trong giới hạn thẩm quyền mà các Quốc gia Thành viên trao cho mình trong các Hiệp ước để đạt được các mục tiêu đề ra trong đó cần được tôn trọng. Không có thẩm quyền nào ở cấp độ EU để điều chỉnh việc phá thai và phải thấy rằng các quyền cơ bản không thể thiết lập thẩm quyền của Liên minh”, các Giám mục lập luận.
Tôn trọng phẩm giá của mỗi con người trong mọi giai đoạn của cuộc đời
Đã có nhiều cuộc tranh luận về việc đưa quyền phá thai vào Hiến chương về các quyền cơ bản của EU, với việc nhiều người yêu cầu quyền phá thai có phạm vi rộng rãi trên khắp lục địa. Phụ nữ có thể phá thai theo yêu cầu một cách hợp pháp ở hầu hết các quốc gia châu Âu, với Malta là thành viên duy nhất của EU cấm hoàn toàn thủ tục này và Ba Lan đã áp đặt lệnh cấm gần như hoàn toàn vào năm 2020 khi Tòa án Hiến pháp Ba Lan hạn chế khả năng chấm dứt thai kỳ của phụ nữ, nói rằng họ chỉ có thể làm như vậy trong trường hợp bị hãm hiếp, loạn luân hoặc nếu tính mạng của họ gặp nguy hiểm. Vào năm 2018, Công giáo Ireland đã bỏ phiếu hủy bỏ Tu chính án thứ tám của Hiến pháp Ireland, theo đó phá thai là hành vi bất hợp pháp.
Mặc dù đã có một xu hướng chung hướng tới tự do hóa, nhưng gần đây đã có những động thái nhằm rút lại các biện pháp bảo vệ pháp lý đối với việc tiếp cận quyền phá thai của phụ nữ ở các quốc gia châu Âu khác nhau. Đôi khi chúng dẫn đến việc thực hiện các yêu cầu mới và mang tính thoái bộ mà phụ nữ phải đáp ứng trước khi được điều trị phá thai. Chúng bao gồm thời gian chờ đợi bắt buộc và tư vấn bắt buộc, những thách thức tư pháp đặt vấn đề về tính hợp lệ của việc tiếp cận phá thai và củng cố quyền của các chuyên gia y tế trong việc từ chối cung cấp dịch vụ phá thai hợp pháp.
Các Giám mục châu Âu trước đó đã đề cập vấn đề phá thai khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Liên minh châu Âu đưa việc phá thai vào luật vào tháng 1 năm 2022. “Chúng tôi muốn bày tỏ sự bận tâm sâu sắc và sự phản đối của chúng tôi”, các Giám mục nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “việc chăm sóc những phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc xung đột vì việc họ mang thai là một phần trọng tâm trong sứ vụ của Giáo hội và cũng phải là một nghĩa vụ mà xã hội của chúng ta phải thực hiện. Không nên để phụ nữ lâm tình cảnh khó khăn cô độc một mình, cũng như không thể bỏ qua quyền được sống của đứa trẻ chưa được sinh ra. Cả hai đều phải nhận được mọi sự giúp đỡ và hỗ trợ cần thiết.”.
Minh Tuệ (theo La Croix)