“Ngày nay Giáo hội Công giáo vẫn còn chạy theo xu hướng là chỉ tin cậy vào một nhân vật duy nhất – Đức Giáo Hoàng. Một năm rưỡi sau bài phát biểu của ĐTC Phanxicô, có bao nhiêu Giám mục và Hội đồng Giám mục đã đón nhận lời mời gọi của Ngài để xây dựng một Giáo hội công nghị?”
Đã có một sự chú ý đối với ‘Amoris Laetitia’ – Tông huấn năm 2016 của ĐTC Phanxicô bàn về những vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình, sau Thượng Hội đồng Giám mục diễn ra vào năm 2014 và năm 2015.
Thế nhưng, có một điều gì đó đã bị lãng quên. Đó chính là việc tiếp nhận điểm nhấn của ĐTC Phanxicô về thể thức công nghị cũng như tầm quan trọng của nó đối với Giáo hội trong thế giới hiện nay.
Thứ hai sau Lễ Phục Sinh vừa qua là tròn một năm rưỡi kể từ khi ĐTC Phanxicô đưa ra một trong những phát biểu quan trọng nhất giải thích sự cần thiết của việc xây dựng một Giáo hội Công giáo công nghị.
“Thế giới mà chúng ta đang sống trong đó, và cũng là nơi chúng ta được mời gọi để yêu thương và phục vụ, mặc dù đầy mâu thuẫn chống đối, vẫn đang đòi hỏi Giáo hội tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực của sứ mạng của Giáo hội”, ĐTC Phanxicô tuyên bố hôm 17 tháng 10 năm 2015.
“Đó chính là thể thức công nghị mà Thiên Chúa mong muốn Giáo hội hướng tới trong thiên niên kỷ thứ ba”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh.
Sau đó, ĐTC Phanxicô mô tả ba cấp độ của thể thức công nghị. Cấp độ thứ nhất là cấp độ Giáo hội địa phương. Thứ hai là cấp độ các Giáo tỉnh, các hội đồng đặc biệt và đặc biệt là các Hội đồng Giám mục. Và thứ ba là cấp độ Giáo hội hoàn vũ.
ĐTC Phanxicô kết luận bài phát biểu bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của chiều kích công nghị của Giáo hội đối với thế giới hôm nay.
“Tầm nhìn của chúng ta cũng mở rộng đến toàn thể nhân loại”, ĐTC Phanxicô nói.
“Một Giáo hội Công nghị cũng giống như một cờ hiệu được giương cao giữa các dân tộc (xem Is 11, 12) trong một thế giới vốn – trong khi kêu gọi sự tham gia, tinh thần liên đới và tính minh bạch trong quản lý hành chính – thường giao phó số phận của cả dân tộc trong tay của những nhóm nhỏ nhưng lại nắm quyền lực”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh.
“Là một Giáo hội ‘cùng đồng hành’ với con người, chia sẻ những đau khổ trong lịch sử, chúng ta hãy trân trọng ước mơ rằng việc tái khám phá phẩm giá bất khả xâm phạm của các dân tộc cũng như trách nhiệm phục vụ của các nhà cầm quyền, sẽ có thể giúp cho xã hội dân sự được xây dựng trong công lý và tình huynh đệ, và do đó sẽ mang lại một thế giới tốt đẹp và nhân văn hơn cho các thế hệ mai sau”, ĐTC Phanxicô cho biết thêm.
Phát biểu quan trọng này cho thấy cách thế tiến triển của triều đại Giáo hoàng Phanxicô so với những triều đại Giáo hoàng tiền nhiệm.
Dưới thời Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, Giáo hội đã bị xơ cứng trong thể chế. Tình trạng đó được đánh dấu bởi sự bất lực không chỉ trong việc thực thi công nghị tính, mà còn cả trong việc dám tin vào ý tưởng về một Giáo hội có thể thảo luận các vấn đề theo thể thức công nghị.
Một trong những điều mà Giáo hội hình như đang lãng quên là việc Đức Giáo hoàng Phanxicô gắn kết với công nghị tính và thông điệp của sự kiện này đối với thế giới: “một Giáo hội Công nghị giống như một cờ hiệu được giương cao giữa các dân tộc”.
Đây là sự hiện tại hóa hai biến cố quan trọng nhất của Giáo hội trong nửa cuối thế kỷ trước. Thứ nhất là việc tổ chức Công đồng Vatican II trong suốt thời kỳ cao điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh.
Việc khai mạc Công đồng vào tháng 10/1962 trùng hợp với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, và từ cuộc khủng hoảng đó, Đức Gioan XXIII đã quyết định ban hành Thông điệp ‘Pacem in Terris’ (11 tháng 4 năm 1963). Thông điệp này đã trở thành tài liệu cơ bản cho Giáo huấn xã hội Công giáo trong thời kỳ hiện đại trên toàn cầu.
Sự kiện thứ hai là hội nghị của các Giám mục Mỹ Latin (CELAM) được tổ chức tại Medellin, Colombia từ tháng 8 đến tháng 9 năm 1968. Thật khó có thể hiểu sự kiện này ngoại trừ trong bối cảnh lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Mỹ Latin, kêu gọi Giáo hội Công giáo tại Mỹ Latin phục vụ lục địa vào thời kỳ khủng hoảng xã hội và chính trị.
(Nhân đây, ĐTC Phanxicô sẽ đến Colombia vào tháng 9 sắp tới và sẽ rất thú vị khi nghe những điều ngài phát biểu khi đến viếng thăm Medellin)
Cả Công đồng Vatican II (1962-1965) lẫn Hội nghị Medellin năm 1968 đều là những trường hợp cụ thể của việc Giáo hội lắng nghe Tin Mừng, và đó cũng là việc Giáo hội phục vụ nền hòa bình thế giới.
Hiện tại, vào năm 2017, với những căng thẳng đang leo thang giữa các cường quốc hạt nhân, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Giáo hội Công giáo là dấn thân cho hòa bình. Và một Giáo hội hướng tới tính công nghị sẽ là một dấu chống đối trong một thế giới mà ngôn ngữ của vũ lực dường như đang thay thế cho ngôn ngữ của sự đối thoại và sự tin tưởng.
Các Thượng Hội đồng cấp quốc tế vào năm 2014 và năm 2015 mà ĐTC Phanxicô quyết định triệu tập chỉ sáu tháng sau khi ngài bắt đầu sứ vụ Giáo hoàng, cho thấy sáng kiến mang tính “công đồng” nhất của Giáo Hoàng nhìn từ quan điểm thể chế.
Vấn đề là sự biến đổi thực sự để trở thành một Giáo Hội Công nghị lại phụ thuộc vào mức độ hàng giáo phẩm trên toàn thế giới sẵn sàng chấp nhận và ủng hộ sáng kiến của Đức Giáo hoàng.
Giáo Hội Công giáo ngày nay vẫn còn chạy theo xu hướng nguy hiểm là chỉ tin cậy vào một nhân vật duy nhất – Đức Giáo hoàng. Một năm rưỡi sau bài phát biểu của ĐTC Phanxicô, có bao nhiêu Giám mục và Hội đồng Giám mục đã đón nhận lời mời gọi của Ngài để xây dựng một Giáo hội Công nghị?
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện bước đi đầu tiên ở cấp độ cao nhất của công nghị tính, bằng cách đem lại sức sống mới cho Thượng Hội Đồng Giám Mục. Thế nhưng, cấp độ thứ nhất (Giáo hội địa phương) và cấp độ thứ hai (các Giáo tỉnh, các hội đồng đặc biệt và các Hội đồng Giám mục) thì không lệ thuộc vào ĐTC Phanxicô.
Có bao nhiêu Giám mụcđã triệu tập công nghị Giáo hội địa phương? Đức cha Robert McElroy đã thực hiện tại San Diego (California) vào mùa thu năm ngoái khi ngài triệu tập một công nghị giáo phận về Amoris Laetitia. Nhưng có bao nhiêu vị Giám mục khác làm như thế?
Và có bao nhiêu Hội đồng Giám mục đã bắt đầu chuẩn bị cho một công nghị cấp quốc gia? Năm ngoái, Đức Tổng Giám mục Mark Coleridge – TGM Địa phận Brisban,e đã tiết lộ kế hoạch cho một Hội nghị toàn thể các Giám Mục tại Úc, nhưng đây có thể sẽ chỉ là một trường hợp ngoại lệ.
Trong thời kì hậu Công đồng Vatican II, Giáo hội thể chế lo ngại rằng việc tiếp tục đường lối công đồng và công nghị sẽ mở tung chiếc hộp Pandora bằng cách nêu lên những vấn đề cũng như những tiếng nói mà Giáo hội không thể chặn lại được.
Nỗi sợ này không phải là điều mới mẻ trong lịch sử Giáo Hội.
Một trong những bí mật được giữ gìn cẩn thận nhất của Công đồng Trentô (1545-1563) là nó đã quy định việc tổ chức thường xuyên hơn các hội đồng và các công nghị địa phương. Tuy nhiên, thay vào đó, chủ nghĩa tập quyền về giáo hoàng ở trung ương đã chiếm ưu thế trong giai đoạn hậu công đồng vào thế kỉ thứ 17. Một điều tương tự cũng đã xảy ra sau Công đồng Vatican II.
Và ngày nay, chúng ta cần phải lo ngại hơn nữa nếu vẫn tiếp tục đi theo đường lối phủ nhận tương tự.
Trong một thời đại chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên và một cuộc đối đầu vũ trang, cũng như sự phân cực trong chính Giáo hội Công giáo, một hội nghị cấp châu lục các Giám mục Công giáo – chẳng hạn như từ Hoa Kỳ, Canada, và Mexico, hoặc giữa các Giám mục từ khắp Châu Á – sẽ gửi đến it nhất là một thông điệp biểu tượng.
Hội đồng Giám mục Italia sẽ có một vị tân chủ tịch vào tháng tới, và ngài có thể sẽ xem xét ý tưởng về một hội nghị Công giáo thực sự toàn diện cho quốc gia Italia. Hội nghị lần cuối cùng và duy nhất đã diễn ra vào năm 1976.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tìm kiếm sự cố vấn khắp nơi, giúp bổ nhiệm một vị Đại diện Tông tòa mới cho Giáo phận Rôma sắp tới.
Một trong những điều đầu tiên mà vị này phải thực hiện, là triệu tập công nghị giáo phận. Thành phố và Giáo hội địa phương tại Rôma rất cần đến công nghị này. Và việc triệu tập một công nghị như vậy sẽ khuyến khích các mục tử địa phương khác cũng sẽ làm như vậy.
Massimo Faggioli
Minh Tuệ chuyển ngữ