Từ năm 1980 đến năm 2010, số người nhập cư châu Phi sống ở châu Âu tăng gấp đôi, lên đến con số 30,6 triệu người, theo Báo cáo năm 2014 của Ngân hàng Thế giới. Con số này đại diện cho 3 phần trăm tổng dân số của toàn lục địa. Các Giám mục của cả hai lục địa đã đề xuất những cách thế nhằm ngăn chặn dòng chảy nhập cư – đặc biệt là tình trạng “chảy máu chất xám” của những người châu Phi có học vấn cao – mà họ cho biết là sẽ giúp đỡ cho sự phát triển của lục địa châu Phi.
YAOUNDÉ, Cameroon – Khi các nhà lãnh đạo châu Phi và châu Âu chuẩn bị nhóm họp tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 của Liên hiệp châu Phi và Liên minh Châu Âu tại Abidjan, Bờ Biển Ngà vào ngày 28 – 29 tháng 11 năm 2017, các Giám mục của cả hai lục địa đang thúc đẩy các biện pháp thương mại công bằng được sử dụng để giúp chống lại cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra ảnh hưởng đến khu vực.
Hàng trăm ngàn người châu Phi đã rời bỏ quê hương xứ sở để đến Châu Âu mỗi năm, thường sử dụng những kẻ buôn lậu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), hơn 22.500 người di cư đã chết hoặc mất tích trên phạm vi toàn cầu kể từ năm 2014 – hơn một nửa trong số họ đã thiệt mạng trong khi đang cố gắng vượt biển Địa Trung Hải.
“Mặc dù tổng số những người di cư tìm cách vượt biển Địa Trung Hải theo tuyến đường phía đông đã được giảm đáng kể vào năm 2016 theo thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ lệ tử vong đã tăng 2,1 trên 100 vào năm 2017, tương đương với 1,2 vào năm 2016”, theo báo cáo của IOM.
“Một phần của sự gia tăng này là do tỷ lệ những người di cư hiện đang sử dụng tuyến đường nguy hiểm nhất – băng qua khu vực trung tâm Địa Trung Hải – do đó cứ 49 người di cư thì lại có 1 người thiệt mạng trên tuyến đường này vào năm 2016”, báo cáo cho biết.
Từ năm 1980 đến năm 2010, số người nhập cư châu Phi đang sinh sống ở châu Âu tăng gấp đôi, lên đến con số 30,6 triệu người, theo Báo cáo năm 2014 của Ngân hàng Thế giới. Con số này đại diện cho 3 phần trăm tổng dân số của toàn lục địa.
Và con số này tiếp tục gia tăng. Joe Walker-Cousins, người đứng đầu phái đoàn của Libya tại Anh vào năm 2012 và 2014, cho biết hồi tháng Tư rằng có tới một triệu người nhập cư từ khắp Châu Phi có thể đang trên đường đến Libya – một nơi khiến nhiều người bỏ đi chính yếu do việc thiếu một chính phủ hiệu quả – trước khi thực hiện các nỗ lực để đi đến châu Âu.
Các nhà lãnh đạo châu Âu không phải là những người duy nhất quan tâm đến dòng di cư này. Các nhà lãnh đạo châu Phi cũng hết sức lo lắng, vì thường là các công dân cần cù nhất và có học thức nhất của họ lại đang rời bỏ nơi này: Tình trạng “chảy máu chất xám” này có lẽ là một trong những mối đe dọa lớn nhất của châu Phi.
Những người nhập cư này thường nhập cảnh vào Châu Âu một cách hợp pháp, bao gồm 20.000 bác sỹ, các giảng viên đại học, kỹ sư và các chuyên gia khác mà IOM báo cáo là đã rời khỏi lục địa này mỗi năm kể từ năm 1990.
Đồng thời, ước tính gần 4 tỷ đô la được chi cho việc thuê người phương Tây để lấp đầy các vị trí ở Châu Phi vốn có thể được thực hiện bởi những người châu Phi thay vì sống ở nước ngoài.
Các Giám mục của cả hai lục địa đã đề xuất những cách thế nhằm ngăn chặn dòng chảy nhập cư – đặc biệt là tình trạng “chảy máu chất xám”– mà họ cho biết là sẽ giúp đỡ cho sự phát triển của lục địa châu Phi.
Các đề xuất của họ đã được đưa ra trong một tuyên bố chung được công bố bởi Ủy Ban Các Hội đồng Giám mục tại Liên minh châu Âu (COMECE) và Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu phi và Madagascar (SECAM).
“Chúng tôi kêu gọi công lý và sự công bằng trong thương mại hàng hoá và dịch vụ, nhưng đặc biệt là đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, vốn đã bị lấy đi mỗi năm từ châu Phi. Các ngành công nghiệp địa phương mới và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp có thể giúp giảm sự căng thẳng vốn đã buộc những người trẻ phải rời bỏ quê hương và đồng thời làm giảm bớt hiện tượng này nói chung được biết đến như là tình trạng “chảy máu chất xám”, các Giám mục cho biết trong một tuyên bố.
Lưu ý rằng di cư chính là bản chất của sự tồn tại của con người, các Giám mục kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị đối xử với những người di cư với phẩm giá con người và đồng thời bảo vệ họ “chống lại việc bóc lột hình sự”.
Các Giám mục cũng cho biết thêm rằng những người trẻ châu Phi – những người có nhiều khả năng có thể trở thành nạn nhân của những tay buôn người – thiếu sự tin tưởng vào các lãnh đạo chính trị cũng như các tổ chức tư nhân trên cả hai châu lục, các Giám mục đã kêu gọi việc đưa ra các chính sách toàn diện vốn sẽ mang lại cho những người trẻ tuổi một tiếng nói trong các quá trình chính trị.
“Để đạt được hoặc khôi phục lại sự tin tưởng, việc tham gia và cảm giác thuộc về chính là chìa khóa. Việc tham gia hiệu quả đòi hỏi sự minh bạch và trách nhiệm giải trình từ tất cả các bên”, các Giám mục cho biết trong bản tuyên bố.
Các Giám mục cho biết Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp châu Phi – Liên hiệp châu Âu cần phải tập trung vào những vấn đề về giới trẻ, và đồng thời nghiêm túc giải quyết vấn đề di dân ở châu Phi.
“Do đó, chúng tôi hy vọng một tuyên bố mạnh mẽ từ các tham dự viên tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp châu Phi – Liên hiệp châu Âu về vấn đề di dân và đặc biệt là cuộc chiến chống lại nạn buôn người. Hơn nữa, chúng tôi hy vọng EU sẽ tăng cường những cam kết của mình đối với các chương trình phát triển bền vững nhân dịp hội nghị thượng đỉnh”, các Giám mục cho biết.
Các Giám mục cho biết rằng cần phải tạo cơ hội cho các bạn trẻ châu Phi và châu Âu “chia sẻ niềm hy vọng và mong đợi của họ về một môi trường thích hợp cho sự phát triển bền vững”.
Các Giám mục cũng đã bày tỏ sự cần thiết đối với hội nghị thượng đỉnh để giải quyết những vấn đề của việc tạo công ăn việc làm, phát triển các ngành công nghiệp địa phương và phát triển nông nghiệp bền vững, nhưng đồng thời cũng cho biết thêm rằng các ngành công nghiệp địa phương như vậy sẽ chỉ đạt được tiến bộ nếu các bạn trẻ được cung cấp các kỹ năng thích hợp để duy trì công việc.
“Để tận dụng các cơ hội trong giáo dục và đào tạo cho tất cả mọi người, các bé trai và bé gái cần được tăng cường và tính toàn lại xét về mặt các kỹ năng truyền thông và kỹ thuật mới cần thiết”, tuyên bố cho biết.
“Các câu trả lời cần phải được dành cho giới trẻ khi họ hiện đang phải đối mặt với các ý thức hệ mới liên quan đến vấn đề văn hoá, sự thánh thiêng của sự sống con người, hôn nhân và gia đình, và việc đánh mất tính chất tinh thần trong một thế giới mà văn hoá vật chất hiện đang chiếm ưu thế”.
Các Giám mục cho biết rằng họ hy vọng hội nghị thượng đỉnh Abidjan sẽ là “một cơ hội để hiểu rõ hơn mối bận tâm của nhau, dẫn đến các quyết định cụ thể và hữu ích, và do đó trở thành một bước quan trọng hướng tới một mối quan hệ hợp tác thực sự giữa các lục địa của chúng ta”.
Minh Tuệ chuyển ngữ