Các Giám mục Châu Phi lên tiếng: ‘Thượng Hội đồng về Hiệp hành đã tác động như thế nào đến Giáo hội tại Châu Phi?’

Đức Hồng Y  Fridolin Ambongo Besungu người Congo, Đức Tổng Giám mục Andrew Nkea Fuanya của Cameroon, và Đức Hồng Y Edouard Sinayobye của Rwanda trò  chuyện với các nhà báo tại cuộc họp báo của Thượng Hội đồng về Hiệp hành vào tháng 10 năm 2024 (Ảnh: Daniel Ibañez/CNA)

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu người Congo, Đức Tổng Giám mục Andrew Nkea Fuanya của Cameroon, và Đức Hồng Y Edouard Sinayobye của Rwanda trò chuyện với các nhà báo tại cuộc họp báo của Thượng Hội đồng về Hiệp hành vào tháng 10 năm 2024 (Ảnh: Daniel Ibañez/CNA)

Khi Vatican tiến gần đến phần kết thúc giai đoạn phân định toàn cầu kéo dài 4 năm của Thượng Hội đồng về Hiệp hành, các đại biểu cấp cao của Châu Phi tham gia các cuộc họp năm nay đã chia sẻ quan điểm của họ về hành trình “cùng nhau bước đi với tư cách là dân Chúa” và tác động của hành trình này đến đời sống của Giáo hội tại Châu Phi.

Đức Hồng y Fridolin Ambongo Besungu người Congo, Chủ tịch Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM) đã trả lời các nhà báo vào hôm thứ Ba về sự hài lòng của ngài với các cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng toàn cầu năm nay diễn ra tại Vatican.

“Tôi phải nói rằng tôi hài lòng với Thượng Hội đồng, được triệu tập nhằm triển khai một cách thức mới để trở nên một Giáo hội chứ không phải để giải quyết các vấn đề cụ thể tồn tại trong Giáo hội”, Đức Hồng y Ambongo phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 22 tháng 10.

Nhưng Thượng Hội đồng về Hiệp hành thực sự đã tác động đến Giáo hội Công giáo ở Châu Phi như thế nào? Và ngược lại, Giáo hội ở Châu Phi đã tác động đến tiến trình Hiệp hành toàn cầu như thế nào, khi mà chỉ có một số ít người Châu Phi tham gia phiên họp từ ngày 2 đến 27 tháng 10 tại Vatican?

Các cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé: một Giáo hội cơ sở

Đức Tổng Giám mục Andrew Nkea Fuanya đến từ Cameroon phát biểu với các nhà báo tại buổi họp báo rằng tính Hiệp hành là một “dấu hiệu cánh chung” trong Giáo hội ngày nay và đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các cộng đồng Kitô giáo nhỏ như là “một kho báu rất lớn đối với Châu Phi”.

“Chúng ta đang trải qua thời kỳ bùng nổ của Công giáo ở Châu Phi,” vị Giám chức người Cameroon cho biết. “Tính Hiệp hành trở nên rất sống động trong các cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé vì bạn không sống ẩn danh với tư cách là một người Công giáo”.

Cha Don Bosco Onyalla, Tổng biên tập của ACI Châu Phi, đối tác tin tức của CNA tại Châu Phi, đã trả lời phỏng vấn với CNA rằng khái niệm thần học về tính Hiệp hành “nơi mọi người đến với nhau” là một thực tế và truyền thống đã tồn tại trong cộng đồng Công giáo trên khắp lục địa.

“Ở Châu Phi, Giáo hội được hình thành như một nhóm bao gồm các gia đình — những cộng đồng Kitô giáo nhỏ”, Cha Onyalla giải thích. “Cấu trúc của Giáo hội ở Châu Phi là từ những gia đình những người dân thường cùng nhau cộng tác”.

Cha Onyalla cũng cho biết thêm rằng “thể chế gia đình” — vượt ra khỏi khái niệm gia đình hạt nhân của phương Tây — có thể “là nguồn cảm hứng cho những nơi khác trên thế giới”.

Sự hiệp thông, sự hiệp nhất và sự hòa giải

Theo Đức Giám mục Edouard Sinayobye Địa phận Rwanda, tiến trình Hiệp hành do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng cho Giáo hội hoàn vũ vào năm 2021 cung cấp “nền tảng Kinh Thánh và thần học” để phát triển trong sự hiệp thông và hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân.

Rwanda đang trong hành trình chữa lành sau cuộc diệt chủng 30 năm trước đã giết chết khoảng 800.000 người thuộc nhóm dân tộc thiểu số Tutsi.

“Đối với chúng tôi ở Rwanda, nói về tình huynh đệ và sự hiệp nhất thực sự là một thông điệp được mọi người đón nhận rất nồng nhiệt — nó giúp mọi người cùng nhau bước đi và cùng nhau thực hiện cuộc hành trình — bởi vì sau mọi chuyện đã xảy ra, chúng tôi đang học cách trở nên anh chị em với nhau”, vị Giám chức nói với các nhà báo tại cuộc họp báo của Vatican vào ngày 14 tháng 10.

“Chúng ta phải đồng hành với các nạn nhân cũng như các thủ phạm — đây là điều chúng tôi thực hiện ở tất cả các Giáo xứ và Thượng Hội đồng này đã giúp chúng tôi rất nhiều”, Đức Giám mục Sinayobye cho biết thêm. “Đó là một không gian mà chúng tôi thực sự có khả năng đào sâu cách thức chúng tôi có thể giải quyết vấn đề hòa giải”.

Chăm sóc người nghèo và người dễ bị tổn thương

Đức Hồng y Stephen Ameyu Martin Mulla đến từ Nam Sudan đã chia sẻ lời kêu gọi Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới hãy chung tay trong sự liên đới với những người nghèo và dễ bị tổn thương trên thế giới đang sống ở nhiều quốc gia khác nhau.

Đức Hồng y Mulla hy vọng Thượng Hội đồng về Hiệp hành sẽ thúc đẩy đối thoại và sự hợp tác tích cực giữa những người Công giáo và giúp thúc đẩy Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, bao gồm các nguyên tắc liên đới, thúc đẩy hòa bình và lựa chọn ưu tiên người nghèo.

Đức Hồng y Stephen Ameyu Martin Mulla từ Nam Sudan trò chuyện với các nhà báo trong cuộc họp báo về Thượng Hội đồng về Hiệp hành vào ngày 18 tháng 10 năm 2024 (Ảnh: Daniel Ibañez/CNA)

Đức Hồng y Stephen Ameyu Martin Mulla từ Nam Sudan trò chuyện với các nhà báo trong cuộc họp báo về Thượng Hội đồng về Hiệp hành vào ngày 18 tháng 10 năm 2024 (Ảnh: Daniel Ibañez/CNA)

“Tính Hiệp hành – cùng nhau hành động – phải là cách để chúng ta giải quyết các vấn đề của chính mình. Và tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta cùng nhau có thể giải quyết những vấn đề này”, Đức Hồng y Mulla nói với các nhà báo tại cuộc họp báo của Vatican vào ngày 18 tháng 10.

“Những vấn đề ảnh hưởng đến Sudan, Nam Sudan, Colombia hay các vùng khác của các quốc gia Địa Trung Hải cũng chính là vấn đề của chúng ta”, Đức Hồng y Mulla nói thêm. “Chúng ta có mối tương quan với nhau — có mối quan hệ qua lại với nhau — và đối thoại phải diễn ra. Chúng ta phải cảm thấy thương cảm về những tình huống này”.

Tổ chức ACN Quốc tế báo cáo rằng Châu Phi là khu vực ưu tiên cho các dự án của mình. Năm 2023, 31,4% hoạt động của tổ chức này dành cho việc hỗ trợ các Linh mục và cộng đồng địa phương đang phải chịu sự đàn áp hoặc tình trạng nghèo đói dai dẳng trên khắp lục địa.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết