
Người dân xếp hàng trước một trung tâm đăng ký ở Abidjan, Bờ Biển Ngà, vào ngày 10 tháng 6 năm 2014 (Ảnh: Diomande Ble Blonde/ AP)
Chỉ còn 7 tháng nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống ở Bờ Biển Ngà, các Giám mục Công giáo tại quốc gia Tây Phi này đã cảnh báo các chính trị gia không nên xúi giục những người yêu chuộng sự sống “nuôi dưỡng nền văn hóa sự chết”.
Người dân Bờ Biển Ngà sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 25 tháng 10 trong một cuộc bầu cử hứa hẹn sẽ rất quan trọng, xét đến các ứng cử viên trong cuộc bỏ phiếu: Tổng thống Allassane Ouattarra có khả năng sẽ tái tranh cử, nhưng có thể bị thách thức bởi cựu Tổng thống Laurent Gbagbo, người đã từ chối thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010 trước ông Allassane Ouattara, dẫn đến một cuộc xung đột bạo lực khiến khoảng 3.000 người thiệt mạng.
Doanh nhân Tidjane Thiam, cựu Thủ tướng Pascal Affi N’Guessan, Bộ trưởng Thương mại Jean-Louis Billon và cựu đệ nhất phu nhân Simone Gbagbo cũng đã tuyên bố mình là ứng cử viên.
Bầu khí chính trị vẫn tiếp tục căng thẳng, với các cuộc tranh luận về tư cách ứng cử viên và mối quan tâm về bạo lực bầu cử trong quá khứ đang là tâm điểm. Ví dụ, ông Tidjane Thiam gần đây đã từ bỏ quốc tịch Pháp của mình để đáp ứng các tiêu chí đủ điều kiện cho chức Tổng thống.
Trong Lá thư Mục vụ gửi Crux ngày 24 tháng 3, các Giám mục Công giáo đã cảnh báo về những vấn đề có thể xảy ra nếu không cẩn trọng trong cuộc bầu cử tiếp theo.
“Đây là một hiện tượng thường xuyên xảy ra trong giai đoạn bầu cử, theo sự xúi giục của các chính trị gia, người dân đất nước xinh đẹp của chúng ta, những người vẫn yêu chuộng sự sống, nuôi dưỡng sự chết chóc và trở nên huynh đệ tương tàn đến mức quên rằng họ chỉ có một ngôi nhà chung: Côte d’Ivoire”, các Giám mục cho biết.
Bờ Biển Ngà bắt đầu hành trình hướng tới nền chính trị cạnh tranh đa đảng cách đây 35 năm, với nhu cầu mạnh mẽ về sự thay đổi chính trị vào thời điểm đó đã dẫn đến sự thay đổi sâu sắc về mặt tư duy với các lựa chọn chính trị, thể chế và xã hội, mang đến cho người dân Bờ Biển Ngà một hoạt động mới về tự do và giáo dục chính trị để phục vụ đất nước.
“Con đường đã đi, xét theo góc độ toàn cầu, không phải là chiến thắng của một cá nhân mà là chiến thắng của toàn thể quốc gia: 35 năm thực hành chính trị được đánh dấu bằng cuộc đối thoại nhằm bảo vệ công ích và nỗ lực hướng tới một quốc gia được quản lý theo pháp quyền”, các Giám mục lưu ý.
“Thật không may, vài thập kỷ gần đây đã tập trung vào chính trị được thiết kế riêng để phục vụ lợi ích của các đảng phái”, các Giám mục nói.
Đó là trường hợp xảy ra vào năm 1999 khi Tổng thống Henri Konan Bédié bị lật đổ bởi một nhóm binh lính, do Tướng về hưu Robert Guéï chỉ huy. Đây là cuộc đảo chính đầu tiên của quốc gia này kể từ khi giành được độc lập vào năm 1960.
Cuộc đảo chính được thúc đẩy bởi sự bất mãn lan rộng với chính quyền Bédié, vốn phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng và việc quản lý kinh tế yếu kém. Khái niệm “Ivoirité” được đưa ra dưới thời Bédié cũng làm sâu sắc thêm sự chia rẽ về sắc tộc và chính trị, làm mất ổn định thêm đất nước.
Sau cuộc đảo chính, ông Guéï thành lập một chính phủ chuyển tiếp, giải tán quốc hội và các thể chế khác. Sự kiện này mở đường cho một giai đoạn bất ổn chính trị sau này leo thang thành cuộc xung đột dân sự.
“Cuộc đảo chính năm 1999 và cuộc nổi loạn vũ trang năm 2002 đã đẩy đất nước vào một tình hình chính trị xã hội đầy kịch tính với sự chết chóc và hoang tàn. Sự sùng bái chính trị, với các cuộc bầu cử năm 2010 và 2020, đã trì hoãn các giá trị nhân văn vốn là la bàn bất biến mà nền văn hóa chính trị mang khuôn mặt con người lấy làm lý do tồn tại. Thật vậy, tình hình chính trị hiện tại, trong một xã hội không ngừng thay đổi, tiếp tục gây ra sự lo lắng cho người dân Bờ Biển Ngà, những người cuối cùng coi chính trị là đấu trường của mọi mối nguy hiểm”, các Giám mục cho biết.
Họ phàn nàn rằng người dân Bờ Biển Ngà đã bị các chính trị gia thuộc mọi thành phần bắt làm con tin trong vài năm qua, những người đã biến trường học, chính quyền, phương tiện truyền thông và công đoàn thành bộ máy ý thức hệ.
Và tình hình chính trị xã hội hiện tại “khó có thể an tâm”.
Các Giám mục phàn nàn về một nền văn hóa bạo lực đang thịnh hành, hiện tượng của các loại “vi khuẩn” – ma túy trong trường học – lệnh cấm biểu tình chính trị, việc mua chuộc lương tâm, thực tế là những người đối lập chính trị vẫn bị cầm tù hoặc phải sống lưu vong, những lời lẽ khiếm nhã, thiếu lịch sự, dựa trên bản sắc và chi phí sinh hoạt cao – tất cả những điều này đều “làm gia tăng cảm giác ngờ vực và căng thẳng xã hội do sự sợ hãi và căng thẳng”.
Trong năm Thánh 2025, các Giám mục cho biết vẫn còn lý do để hy vọng, đồng thời cảnh báo rằng cuộc bầu cử vào ngày 25 tháng 10 không được diễn ra giống như các cuộc bầu cử năm 2010 và 2020, cả hai đều kết thúc bằng bạo lực chết chóc.
“Cuộc bầu cử mới này không được biến thành một cuộc khủng hoảng, bất ổn xã hội dẫn đến xung đột giữa các cộng đồng, gia đình tan vỡ, tình trạng tội phạm, sự dối trá, sỉ nhục và hạ thấp phảm giá”, các Giám mục cảnh báo.
Các Giám mục kêu gọi “một cuộc bầu cử Tổng thống công bằng, minh bạch, toàn diện và hòa bình”, và đồng thời thúc giục Ủy ban Bầu cử Độc lập xây dựng lòng tin bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn khách quan nhất về tính minh bạch và công bằng. Họ cũng thúc giục các đảng phái chính trị đặt quốc gia lên trên đảng phái và kêu gọi các phương tiện truyền thông thể hiện sự công bằng trong việc đưa tin về cuộc bầu cử.
“Nhờ lòng thương xót của Người, đất nước chúng ta cuối cùng cũng được trải nghiệm niềm vui của một cuộc bầu cử Tổng thống công bằng, minh bạch, toàn diện và hòa bình”, các Giám mục nói.
“Chúng ta đừng để đất nước và người dân của chúng ta gặp nguy hiểm nữa. Chúng ta không muốn có thêm cuộc xung đột hậu bầu cử nào nữa! Xin đừng chiến tranh nữa! Xin đừng để xảy ra sự chết chóc nữa!”.
Minh Tuệ (theo Crux)