Các Giáo sĩ Công giáo tại Cameroon một lần nữa đã lên tiếng tố cáo bạo lực leo thang ở các khu vực Tây Bắc và Tây Nam Cameroon, đồng thời định vị một cách có hiệu quả Giáo hội như là người hòa giải trong trường hợp chính phủ khởi xướng một cuộc đối thoại quốc gia mà trong đó nhiều người dân Cameroon đã được kêu gọi.
Trong một bức thư gửi cho người dân Cameroon, chủ tịch Hội đồng giám mục và Đức Tổng giám mục Địa phận Douala, Đức Cha Samuel Kleda, đã kêu gọi các bên khác nhau trong cuộc xung đột cùng giải giáp vũ khí nhằm tránh một thảm họa sắp xảy ra.
“Chúng tôi, các Giám mục Cameroon, tin rằng có một nhu cầu khẩn cấp đối với việc hòa giải như một cách thức để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng”, bức thư cho biết.
“Chúng ta hãy ngăn chặn tất cả mọi hình thức bạo lực, và chúng ta hãy ngừng việc giết hại lẫn nhau”, bức thư cho biết. “Chúng ta hãy bỏ qua cho đất nước của chúng ta, Cameroon, một cuộc nội chiến không cần thiết và vô căn cứ”.
“Từ năm 2016, các khu vực Tây Bắc và Tây Nam đã trải qua những điều kiện khó khăn, được đánh dấu bởi tình trạng bạo lực vô nhân đạo, mù quáng và vô cùng khủng khiếp cũng như sự cực đoan của dân chúng, vốn đã khiến chúng tôi không khỏi lo lắng”, bức thư cho biết.
Lưu ý rằng sự can thiệp thiêng liêng sẽ là vô cùng cần thiết đối với bất kỳ nền hòa bình nào được xây dựng, các giám mục đã kêu gọi tất cả mọi người dân Cameroon cùng cầu nguyện cho sự can thiệp của Thiên Chúa.
Đức Hồng Y Christian Tumi, nguyên giám mục Địa phận Douala, người đã từng là một nhà phê bình kịch liệt đối với chính phủ của Tổng thống Paul Biya, đồng thời cho biết rằng Ngài vô cùng đau buồn trước những vụ giết người và thiêu hủy nhà cửa xảy ra ở các khu vực nói tiếng Anh của Cameroon.
“Chỉ cần việc người dân tiếp tục bị giết hại – họ thường là những thường dân hay những binh sĩ, bởi vì tất cả mọi sự sống đều quý giá – sự bế tắc sẽ tiếp tục”, ĐHY Tumi nói. “Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện để chủ nghĩa khủng bố sẽ sớm chấm dứt, và tất cả mọi người nên đến với bàn đối thoại. Nếu không có đối thoại, cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục diễn ra”.
Hầu như tất cả mọi người đều đồng ý về sự cần thiết đối với việc đối thoại, nhưng không phải tất cả các bên đều đồng tình với cuộc đối thoại đó. Các giám mục, cũng như các tổ chức xã hội dân sự, đã kêu gọi một cuộc đối thoại toàn diện đặt tiền đề đối với việc phóng thích vô điều kiện tất cả những người đã bị bắt giữ liên quan đến cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, chính phủ Biya cho biết họ không thể đối thoại với “những kẻ ly khai và những kẻ khủng bố”.
Thậm chí ngay cả những vấn đề cần được đưa vào bàn đối thoại cũng đã gây ra một sự chia rẽ giữa các bên khác nhau. Những người nói tiếng Anh đã kêu gọi việc trở lại đối với hệ thống chính phủ liên bang, mà ít nhiều, cung cấp cho họ biện pháp bảo vệ khỏi cộng đồng đa số những người nói tiếng Pháp, nhưng thay vào đó, chính phủ đã chọn việc phân quyền, với việc ông Biya nhấn mạnh rằng không thể có các cuộc thảo luận về hình thức của nhà nước.
Đức TGM Kleda lại có một cái nhìn khác.
“Chúng ta hãy đặt cả hai lựa chọn lên bàn. Những người ủng hộ chủ nghĩa liên bang sẽ tìm cách thuyết phục những người khác về lý do tại sao hình thức quản trị của họ tốt hơn. Những người ủng hộ sự phân quyền cùng sẽ làm như vậy. Bằng cách đó, giải pháp sẽ có thể được tìm ra”, Đức TGM Kleda nói.
(Những người nói tiếng Anh trước hết kêu gọi việc quay trở lại hình thức liên bang của chính phủ. Khi nhà nước khẳng định rằng điều này là không thể, họ bắt đầu kêu gọi ly khai hoàn toàn, gây ra cuộc khủng hoảng hiện tại)
Khi Cameroon kỉ niệm Ngày Quốc khánh của mình vào ngày 20 tháng 5, các cuộc đối đầu bạo lực giữa những người ly khai và các lực lượng chính phủ trong khu vực Tây Bắc của đất nước đã khiến ít nhất năm thường dân thiệt mạng và một binh lính bị giết.
Theo Caritas Mamfe, nơi mà cuộc chiến đã trở nên dữ dội nhất, hầu như không một ngày trôi qua mà không có báo cáo về việc người dân bị giết hại, nhà cửa bị thiêu rụi và nhiều người dân bị đuổi khỏi nhà cửa của họ. Tổ chức từ thiện Công giáo ước tính có ít nhất 150 người, trong đó có 64 thường dân, đã bị thiệt mạng kể từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu vào tháng 10 năm 2016.
Sự đau khổ không thể tả xiết
Những người dân đã bỏ chạy khỏi bạo lực đã kể lại những câu chuyện đẫm máu của họ về sự đau khổ và những nỗi đau đớn mà họ hiện đang phải đối mặt. Peter Nde đến từ làng Munyenge ở khu vực Tây Nam phát biểu với Crux rằng anh đã phải chạy trốn khỏi ngôi làng của mình sau khi các binh sĩ đột kích khu vực này.
“Tôi chạy trốn vào rừng. Khi họ rời đi, tôi trở lại và nhà cửa của tôi đã bị thiêu rụi”, Nde nói. “Tôi đã mất tất cả mọi thứ: tiền bạc, máy phát điện và hóa chất tôi đã mua để xử lý trang trại ca cao của mình … tất cả mọi thứ đã không còn nữa”.
Ẵm trong tay bé gái hai tuổi bị suy dinh dưỡng trong vòng tay của mình, Rebecca Ngonde cho biết rằng chị đã trốn thoát chỉ với chiếc khố chị đang mặc và vỏn vẹn chỉ một đôi dép.
“Tôi đã đến trang trại để thu hoạch sắn. Sau đó, tôi nghe thấy tiếng súng nổ trong làng và tiếng mọi người la hét. Và rồi, khói bốc lên mũ mịt”, Ngonde nói.
“Sau đó, tôi thấy rất nhiều dân làng tháo chạy vào rừng, và tôi cũng chạy theo họ. Hàng xóm của tôi nói với tôi rằng ngôi nhà của tôi đã bị thiêu rụi và con trai tôi đã bị các binh lính bắn chết. Tôi địu đứa con gái trên lưng và chúng tôi lội bộ rừng mất hai ngày trước khi đến Buea”, một thành phố được coi là thủ phủ của khu vực nói tiếng Anh của Cameroon.
“Tôi ra đi mà chẳng mang theo bất cứ thứ gì, ngoại trừ những bộ quần áo mà tôi đang mặc lúc này”, Ngonde phát biểu với Crux.
Trong khi hàng ngàn người đã bỏ chạy khỏi các vùng nội địa đến các khu đô thị yên bình hơn chẳng hạn như thủ đô khu vực, Buea, Ủy ban cao cấp Liên Hiệp Quốc về người tị nạn hiện ước tính có ít nhất khoảng 43.000 người dân Cameroon đã chạy qua biên giới sang quốc gia láng giềng Nigeria.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu khi các cuộc biểu tình của các luật sư và giáo viên chống lại việc sử dụng tiếng Pháp trong các trường học sử dụng tiếng Anh và các Tòa án Thông Luật đã biến thành các cuộc kêu gọi ly khai bởi cộng đồng những người nói tiếng Anh ở Cameroon, vốn chiếm 20% dân số.
Một số những người nói tiếng Anh đã thực sự tuyên bố một nhà nước riêng biệt vào tháng 10 năm 2017, được gọi là “Ambazonia”, với quốc kì, quốc ca và hộ chiếu riêng. Việc lãnh đạo đối với nhà nước còn sót lại đã bị chiếm giữ ở Nigeria bởi các đảng phái vô danh vào hồi tháng Giêng, thúc đẩy việc bổ nhiệm một tổng thống tạm thời.
Minh Tuệ chuyển ngữ