Các Giám mục Cameroon cổ võ việc đối thoại giữa bối cảnh của cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực nói tiếng Anh của đất nước

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 20-05-2018 | 18:38:07

Yaoundé (Agenzia Fides) – Các Giám mục Cameroon đã lên án tình trạng “bạo lực khủng khiếp” trong khi 160 nghìn người bị buộc phải di tản tại Cameroon và 26 nghìn người khác phải chạy trốn sang Nigeria. Caritas Cameroon báo cáo “các khu vực xung đột bị khủng bố bởi sự sợ hãi và chết chóc”. Binh lính “đang thiêu rụi các ngôi làng, người dân phải sống trong các khu rừng, họ có nguy cơ bị giết nếu họ thậm chí còn đến gần lề đường”, một lá thư gửi cho Fides bởi vị Giám mục địa phương cho biết.

Các Giám mục Công giáo Cameroon đã bày tỏ mối lo ngại to lớn của mình bằng cách lên án “sự đàn áp tàn bạo của quân đội chống lại phong trào độc lập ở các khu vực nói tiếng Anh của đất nước” vốn đã thúc đẩy sự leo thang của cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Đó là một tình huống “được đánh dấu bởi tình trạng bạo lực mù quáng, vô nhân đạo và hết sức tàn ác”, các Giám mục cho biết trong một tuyên bố hôm 16 tháng 5, được ký bởi Đức Tổng Giám Mục Samuel Kleda, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Cameroon.

“Chúng ta hãy ngăn chặn tất cả mọi hình thức bạo lực và đồng thời chấm dứt việc giết hại lẫn nhau”, bức thư cho biết. “Chúng ta hãy giải thoát đất nước chúng ta khỏi một cuộc nội chiến vô căn cứ và vô ích”.

Không có nhà báo nào được phép đặt chân vào các khu vực xung đột, nhưng Caritas Cameroon ước tính rằng có ít nhất 150 người, trong đó có 64 thường dân đã bị giết hại cho đến nay trong các cuộc đánh du kích giữa quân đội và những người ly khai. Con số thực tế có lẽ cao hơn nhiều. Các nhân chứng trốn sang Nigeria đã tường thuật về các vụ bắt giữ và giết người, việc tra tấn đối với những kẻ ly khai bị tình nghi, bạo hành chống lại trẻ em và các vụ hãm hiếp. “Không một tuần nào trôi qua mà không xảy ra việc nhiều ngôi nhà bị thiêu rụi, người dân bị bắt cóc hoặc bị giết hại”, Caritas Mamfé thuộc tây nam Cameroon, tâm chấn của cuộc khủng hoảng, cho biết.

“Sợ hãi đã bao trùm lãnh thổ này”. Caritas đã khởi động một chiến dịch gây quỹ khẩn cấp “để giúp đỡ 5.000 người tị nạn ở Nigeria với việc viện trợ khẩn cấp. Trong chuyến viếng thăm Mamfé, một đại diện của Caritas đã báo cáo rằng 45 nghìn người trong giáo phận đã phải di tản, để lại đằng sau những ngôi làng heo hút: “Tình hình an ninh là vô cùng bấp bênh và nhiều người đã phải trốn khỏi ra khỏi nhà cửa của mình để ẩn náu trong các bụi rậm”, vị đại diện Caritas cho biết.

Caritas hiện là cơ quan cứu trợ duy nhất trong các khu vực nói tiếng Anh bị ảnh hưởng nặng nề ở tây nam và tây bắc Cameroon, cung cấp thực phẩm, nước, vật tư y tế và nơi trú ẩn, nhưng rất nghèo về mặt các nguồn lực.

“Chỉ có Caritas, với rất nhiều khó khăn, có thể tiếp cận với các khu vực bị khủng bố bởi sự sợ hãi và chết chóc này”, các nhà điều hành lưu ý.

primopiano_6078Ở phía bên kia biên giới, Caritas Nigeria đã liệt kê được 25.624 người tị nạn Cameroon nhưng, theo Liên Hợp Quốc, tổng số có thể lên tới 40 nghìn người. Hầu hết trong số đó là phụ nữ và trẻ em.

Các giám mục Nigeria, cảnh báo rằng dòng người tị nạn ở các bang Taraba, Benue, Akwa-Ibom và Cross River hiện đang làm xấu đi tình trạng nghèo khổ của các cộng đồng địa phương. “Không có thức ăn, không có nơi trú ẩn hoặc nước uống”, một vị trưởng thôn người Nigeria cho biết. “Người dân ốm yếu và qua đời mà không có ai quan tâm”.

Các giám mục đã khuyến khích cả hai bên đối thoại: “Chúng tôi, với tư cách là các Giám mục Cameroon, tin rằng quá trình hòa giải hiện nay cần phải được áp dụng để tìm ra phương thế thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau”.

Cameroon được phân chia giữa các vùng lãnh thổ trước kia của Pháp và Anh. Vào tháng 10, các nhà hoạt động của các dân tộc thiểu số nói tiếng Anh, chiếm 20% dân số, đã tuyên bố theo chế độ cộng hòa, không thừa nhận chính phủ của Tổng thống Paul Biya, vốn bị chi phối bởi Pháp (xem Fides 30/9/2017). Trong thời gian gần đây, linh mục Emmanual Bekomson thuộc tổ chức Caritas Calabar cho biết, “cuộc khủng hoảng đã trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là tại các lĩnh vực Mamfé, Limbe, Buea và Nsan Aragati”. “Chúng ta đang đi từ  tình trạng xấu dẫn đến tồi tệ hơn, trong những ngày gần đây, sự chết chóc và các vụ bắt cóc đã ngày càng gia tăng”, linh mục Kisito Balla Onana, giám đốc Caritas Cameroon, cho biết.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết