Các Giám mục California đã phát hành một tuyên bố trùng với dịp khởi xướng Chiến dịch ‘Yes on 62’ nhằm ủng hộ Dự Luật 62
Vào tuần trước, các Giám mục Công giáo California đã tuyên bố ủng hộ Dự Luật 62 – một sáng kiến của cử tri trong cuộc bầu cử vào tháng Mười tới nhằm bãi bỏán tử hình.
Các Giám mục đã chọn thời điểm phát hành những tuyên bố của mình trùng với dịp khởi xướng Chiến dịch ‘Yes on 62’ diễn ra tại một cuộc họp báo tại Los Angeles. Diễn giả bao gồm các cựu luật sư ủng hộ án tử hình, gia đình các nạn nhân, các quan chức thực thi pháp luật, các nhà lãnh đạo các tôn giáo cùng với một số cựu tù nhân bị kết án tử hình oan sai.
“Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, chúng tôi – là những Giám mục Công giáo California – tán thành Dự Luật 62 nhằm chấm dứt việc sử dụng hình phạt tử hình tại California”, các Giám mục cho biết trong tuyên bố vừa được phát hành.
Dự luật 62 – được biết đến như là đỉnh điểm của việc “Công lý lên ngôi” do những người đề xướng lập ra – sẽ thay thế hình phạt tử hình bằng bản án đòi buộc phạm nhân phải dành quãng đời còn lại trong tù mà không có khả năng được phóng thích, đồng thời bắt buộc những tên sát nhân đã bị kết án này phải làm việc không ngừng nghỉ để trả tiền bồi thường cho sự mất mát đối với gia đình các nạn nhân. Các Giám mục cũng tuyên bố sự phản đối mãnh liệt đối với Dự luật 66, cũng sẽ được tiến hành bỏ phiếu vào Tháng Mười Một tại California.
“Sự sống của con người là vô cùng thiêng liêng – bất kể là người vô tội hay có tội – như Chúa Giêsu đã truyền dạy chúng ta và đã chứng minh nhiều lần trong suốt sứ vụ của Ngài. Mỗi người chúng ta đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, mỗi người chúng ta đều có bổn phận yêu mến hình ảnh Thiên Chúa được ghi dấu trên tất cả mọi người”, tuyên bố cho biết.
Nếu được các cử tri chấp thuận, California sẽ trở thành bang thứ 20 cấm việc thi hành án tử hình. Sáng kiến này sẽ phải đối mặt với phe các cử tri đối lập. Năm 2012, cử tri California đã đánh bại Dự Luật 34 -một dự luật bãi bỏ án tử hình, với tỉ lệ 52 và 48 %.
Với con số 747 tử tù, California chiếm số lượng lớn nhất các tử tù đang bị giam giữ tại Hoa Kỳ. Theo như trang web ‘Yes on 62’ cho biết, việc tạm ngưng thi hành án tử hình sẽ có thể tiết kiệm được 150 triệu đô la mỗi năm. Tuy nhiên, kể từ năm 2006, tại California đã không có một tử tù nào bị thi hành án tử hình vì cuộc tranh luận vẫn diễn ra cho đến nay giữa nội bộ tòa án trong việc sử dụng tiêm thuốc độc, cũng như sự chờ đợi mòn mỏi hàng thập kỷ dài kể từ khi tuyên án cho đến lúc thi hành án. Pháp luật hiện hành đã được phê duyệt bởi các cử tri vào năm 1978.
Các Giám mục cho biết việc phản đối án tử hình bắt nguồn từ “một quyết tâm không thể lay chuyển của chúng tôi trong việc cùng đồng hành và giúp đỡ cho tất cả những ai là nạn nhân của bọn tội phạm” cũng như những ai đang phải đau khổ vì mất đi những người thân yêu bởi những hành động của bọn tội phạm.
“Việc chịu đựng đau khổ của họ không thể được giải quyết bởi những phán quyết của một nền văn hóa sự chết”, các Giám mục cho biết. “Bởi vì chúng ta cùng cầu nguyện với họ và than khóc với họ, thế nhưng chúng tôi cũng cần phải nhấn mạnh rằng luật thi hành án phạt tử hình hiện tại đã không thúc đẩy việc chữa lành. Nó chỉ đem đến thêm nhiều bạo lực giữa một thế giới vốn đã có quá nhiều bạo lực”.
Beth Webb – em gái của một người phụ nữ bị bắn hạ bởi người chồng cũ tại một tiệm làm tóc có tên Seal Beach cùng với 8 người khác hồi năm 2011 – cho biết như sau. Cô là một trong số 9 diễn giả tại cuộc họp báo.
“Tôi hiện diện ở đây để muốn nói một điều rằng tôi cũng như mẹ tôi vẫn sẽ không thể tìm được sự yên ủi hay một kết quả tốt đẹp nào từ sinh mạng của một người khác”, cô cho biết. “Điều đó cũng chỉ làm cho chúng tôi trở nên giống như hành động của anh ta. Đối với chúng tôi, việc khiến anh ta phải chết cũng sẽ chỉ khiến chúng tôi thỏa mãn bằng cái chết của anh ta mà thôi, và vì vậy, chúng tôi cũng chẳng khác gì anh ta”.
Các diễn giả tại chiến dịch ‘Yes on 62’ bao gồm ông Ron Briggs – cựu luật sư ủng hộ cựu án tử hình, đồng thời là người đứng đầu chiến dịch tái thi hành án tử hình tại California vào năm 1978, ông John Van de Kamp – cựu Bộ trưởng Bộ tư pháp California, và ông Gil Garcetti – cựu công tố viên Los Angeles.
Rabbi Jonathan Klein – giám đốc điều hành tổ chức ‘CLUE’ – một tổ chức phi lợi nhuận tại Los Angeles – cũng đã có bài phát biểu về hình phạt tử hình cũng như tất cả các truyền thống tôn giáo bàn về vấn đề này.
“Đây chính là một biện pháp giải quyết bằng lòng thương xót nhằm đảm bảo rằng công lý cũng được thực thi”, ông cho biết. “Chúng ta đều biết rằng tất cả các truyền thống tôn giáo đều có chung một chỉ dẫn như thế. Và đó chính là việc loại bỏ án tử hình, loại bỏ một hệ thống tư pháp mang tính bạo lực tự bản chất”.
Các Giám mục California đã trích dẫn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi nói chuyện với các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô trước giờ kinh Truyền Tin hôm 21/2 tại Roma: “Trong thực tế, xã hội hiện đại có khả năng kiểm soát một cách có hiệu quả các băng nhóm tội phạm mà không nhất quyết phải lấy đi cơ hội chuộc lại những lỗi lầm của bọn chúng … Điều răn “Chớ giết người” có giá trị tuyệt đối và gắn liền với những người vô tội cũng như những kẻ tội lỗi”.
Minh Tuệ (theo Catholicherald)