Các Giám mục Texas đã viết một lá thư cho vị tổng chưởng lý bày tỏ sự thất vọng của mình đối với nỗ lực nhằm chấm dứt Chương trình tạm hoãn trục xuất những người đến Mỹ bất hợp pháp khi còn thơ ấu (DACA).
Các Giám mục viết: “Những cá nhân này góp phần vào nền kinh tế, phục vụ trong các lực lượng vũ trang của chúng ta, xuất chúng trong các trường học cũng như các trường đại học của chúng ta, làm việc trong các nhà thờ của chúng ta, và hoạt động tình nguyện trong các cộng đồng của chúng ta. Mọi người dân Texas nên tự hào thừa nhận họ cũng chính là những thành viên trong cộng đồng của chúng ta”.
Sau khi viên Tổng chưởng lý tiểu bang Texas trao cho chính quyền Trump một tối hậu thư nhằm chấm dứt chính sách bảo vệ những người nhập cư trẻ tuổi hoặc phải đối diện với việc trang tụng vào tháng 9, các Giám mục Công giáo tiểu bang Texas đã bày tỏ sự thất vọng của mình trong bức thư gửi tới viên chức chính phủ và đồng thời quy trách nhiệm cho Quốc hội vì một tương lai vô định mà những người nhập cư hiện đang phải đối mặt.
Trong một lá thư được công bố hôm 20 tháng 7 vừa qua và gửi cho vị Tổng chưởng lý tiểu bang Texas, ông Ken Paxton, các Giám mục Texas nói rằng họ “thất vọng” trước lời yêu cầu của ông rằng chính quyền sẽ chấm dứt Chương trình tạm hoãn trục xuất những người đến Mỹ bất hợp pháp khi còn thơ ấu, hoặc DACA, một chính sách năm 2012 dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Mặc dù không cung cấp tư cách pháp lý, nhưng nó mang lại cho các thanh thiếu niên, những người đã được đưa đến Mỹ từ khi còn là những đứa trẻ vị thành niên và không có giấy tờ, việc được tạm hoãn bị trục xuất và giấy phép làm việc tại Hoa Kỳ miễn là họ đáp ứng các tiêu chí nhất định.
Các Giám mục cũng đổ lỗi cho “thất bại của Quốc hội” đối với tương lai vô định mà các thanh thiếu niên thuộc diện DACA phải đối mặt, những người “cùng với vô số những người nhập cư khác thực sự tin tưởng vào giấc mơ Hoa Kỳ, là những nạn nhân của một hệ thống đã bị phá hỏng”.
Cuối tháng 6, các quan chức đến từ 9 tiểu bang khác nhau, hầu hết là vị tổng chưởng lý và một thống đốc, đã cùng với ông Paxton tham gia trong việc thúc giục chính quyền Trump chấm dứt chương trình DACA, đe doạ chính phủ bằng một vụ kiện cáo vào ngày 5 tháng 9 sắp tới nếu như chương trình này tiếp tục.
Nhưng Tổng thống Donald Trump dường như không rõ ràng về điều mà ông ta sẽ phải làm. Khi còn là một ứng cử viên, ông cho biết ông sẽ chấm dứt chính sách. Với tư cách là tổng thống, ông nói rằng quyết định này quả hết sức khó khăn và gần đây ông cho biết ông vẫn cân nhắc về việc phải làm gì với chính sách này.
Các quan chức đến từ Idaho, Arkansas, Alabama, Idaho, Kansas, Louisiana, Nebraska, South Carolina, Tennessee và West Virginia đã cùng với giới chức trách tiểu bang Texas yêu cầu chấm dứt chương trình này. Vị Tổng chưởng lý tiểu bang California đã gửi cho ông Paxton một bức thư vào ngày 21 tháng 7, được sự ủng hộ của 19 vị tổng chưởng lý khác, phản đối yêu cầu chấm dứt DACA.
Vào ngày 20 tháng 6, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham của tiểu bang South Carolina và Thượng nghị sĩ Dân chủ Dick Durbin của tiểu bang Illinois cùng với một số thượng nghị sĩ người khác đã giới thiệu phiên bản năm 2017 của cái mà trước đây được gọi là Đạo luật ‘DREAM’ nhằm tìm kiếm sự trợ giúp cho những người thuộc diện DACA vốn có thể dẫn đến kết quả nơi tình trạng pháp lý của họ và có lẽ là quyền công dân trong tương lai.
“Đây chính là một điều đúng đắn cần phải làm và đồng thời cũng là một hành động bác ái cần thực thi”, Đức Cha Jose H. Gomez, Tổng Giám mục Los Angeles, cho biết trong bức thư ngày 21 tháng 7.
Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng phát biểu với McClatchy News Service vào ngày trước khi dự luật được đưa ra là Tổng thống sẽ không ủng hộ dự luật này, thậm chí ngay cả khi Quốc hội đã thông qua.
Tại Texas, tuyên bố của các Giám mục cho biết, việc chấm dứt chương trình DACA sẽ dẫn đến việc trục xuất đối với 117.000 thanh thiếu niên khỏi Hoa Kỳ. Trên toàn quốc, có 750.000 đến 800.000 người được yêu cầu nộp đơn xin tình trạng pháp lý, yêu cầu người nộp đơn không có tiền án tiền sự, đã phục vụ trong các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ hoặc hiện đang theo học hoặc đã tốt nghiệp trung học hoặc đã nhận chứng chỉ GED (General Education Development, là kỳ thi để lấy bằng tương đương bằng tốt nghiệp THPT của Mỹ) .
“Những cá nhân này góp phần vào nền kinh tế, phục vụ trong các lực lượng vũ trang của chúng ta, xuất chúng trong các trường học cũng như các trường đại học của chúng ta, làm việc trong các nhà thờ của chúng ta, và hoạt động tình nguyện trong các cộng đồng của chúng ta. Mọi người dân Texas nên tự hào thừa nhận họ cũng chính là những thành viên trong cộng đồng của chúng ta”, theo tuyên bố của các Giám mục Texas.
Các Giám mục nhắn nhủ với ông Paxton rằng “hãy chú ý đến phẩm giá của những người di cư và những giá trị của người dân Texas chúng ta”. Các Giám mục cũng đề cập đến sự chia tách của các gia đình mà những người thuộc diện DACA, được biết đến như là thử thách của “những kẻ mơ mộng”.
“Theo hệ thống liên bang của chúng ta, hy vọng của những người di cư về một cuộc sống tốt hơn thường bị vấp phải lối tư duy quan liêu”, bức thư cho biết, và đồng thời nhắc nhở ông Paxton rằng những người dân Texas sẵn sàng “chống lại những suy nghĩ như vậy bởi vì họ coi trọng cả quyền tự do lẫn cơ hội của những người di cư”.
Minh Tuệ (theo CRUX)